Fit 24 đóng cửa, khoảng 1.500 hội viên bị ảnh hưởng quyền lợi
Với 5 chi nhánh tại TP.HCM ước tính có khoảng 1.500 khách hàng là hội viên của chuỗi phòng tập này bị ảnh hưởng quyền lợi.
Fit 24 nợ lượng PT và nhân viên bắt đầu từ giữa tháng 5 đến tháng 9/2024, trước khi thông báo đóng cửa.
Trong thời gian nợ lương, Fit 24 triển khai một chương trình bán thẻ tập với PT trị giá 12,7 triệu cho 24 buổi tập PT được tặng thẻ hội viên thời hạn 2 năm giá trị khoảng 11 triệu đồng. Đây là chương trình có giá trị gói rất thấp, quyền lợi lại hấp dẫn so với các chương trình Fit 24 đã áp dụng trước đó như mua 30 triệu đồng 100 buổi tập với PT hay 40 triệu đồng 100 buổi dành cho hội viên cũ. Thông thường khách hàng mua gói tập với PT vẫn phải mua thêm thẻ hội viên là quyền lợi sử dụng dịch vụ khác như đạp xe, yoga, nhảy múa…
Vì giá trị thấp, vừa túi tiền nên một số khách đã mua gói tập này ngay trước khi Fit 24 đóng cửa. Không ít khách hàng bức xúc vì mục tiêu mua thẻ hội viên để tập lâu dài, nhưng phòng tập bất ngờ thông báo đóng cửa.
Tuy nhiên, chương trình khuyến mại này không giúp vực dậy doanh thu của Fit 24. Sau khi bị nợ lượng, các PT không còn động lực cũng như niềm tin để chạy doanh số khiến doanh số của Fit sụt giảm nghiêm trọng. Doanh thu chỉ còn vài trăm triệu đồng ở một câu lạc bộ rồi giảm đến trắng doanh thu.
Fit 24 đóng cửa còn vì cổ đông đầu tư ra bên ngoài
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư từ những huấn luyện viên tập gym (PT) đang bị nợ lương tại chuỗi phòng tập Fit 24, từ khoảng 1 năm trước đã nghe nói về việc công ty, cổ đông lớn đầu tư tiền vào lĩnh vực khác. Đây cũng lý do khiến Fit 24 gặp khó khăn về tài chính khi khả năng chi trả của khách hàng sụt giảm.
Một số PT chia sẻ, hoa hồng là nguồn thu nhập chính hàng tháng của PT bên cạnh lương từ giờ tập cho khách hàng ngày và lương cứng (ở mức thấp). Mỗi tháng hệ thống đều phải tổng kết doanh số rất gắt gao.
Năm 2023, trong 5 phòng tập Fit 24, thì 3 phòng ở Hồ Xuân Hương (quận 3), Đường 3 tháng 2 và quận 7 luôn đạt doanh số bán hợp đồng tập với PT trên dưới 1,5 tỷ đồng/tháng. Ba phòng này gánh cho 2 phòng tập còn lại thường ở mức gần như trắng doanh số hoặc vài ba trăm triệu mỗi tháng. Nhưng từ sau Tết Giáp Thìn 2024, tình hình bắt đầu khó khăn. Các tháng năm 2024, chỉ có vài tháng đạt doanh số cao, còn lại doanh số giảm chỉ còn vài trăm triệu đồng. Fit 24 cũng bắt đầu siết lại, cắt giảm hoa hồng cho PT theo các mức doanh thu xuống còn 15% là mức cao nhất.
Khi kinh tế suy thoái, khách hàng không bỏ tiền ra mua các gói tập có giá trị lớn thời hạn dài như trước. Trước suy thoái, không ít khách hàng mua gói tập trị giá 300 triệu đồng để hưởng quyền lợi VIP, có tủ riêng gắn tên trong phòng thay đồ ở Fit 24. Cơ chế ở Fit 24 là PT bán hợp đồng hưởng hoa hồng nên khi PT nghỉ, các PT khác không muốn tập tiếp cho khách cũ, hoặc tập với thái độ không nhiệt tình khiến khách cũng mất niềm tin vào tập luyện.
Theo các PT, có thể việc công ty sử dụng tiền vào kênh đầu tư khác và sau đó là sụt giảm doanh số là nguyên nhân kép khiến tài chính của Fit 24 khó khăn phải chậm lương, nợ lương nhân viên rồi dẫn đến quyết định đóng cửa chuỗi phòng tập sau nhiều lần hứa hẹn các mốc thời gian thanh toán lương, nhưng không thành hiện thực.
Cổ đông lớn nhất của Fit 24 hiện giờ là ông Lê Chí Trung. Để vực dậy hệ thống phòng tập, ông Trung đã cầu cứu bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect. Bà Hương bước đầu đồng ý về chủ trương mua lại cổ phần từ ông Trung và tham gia tái thiết Fit 24 bởi trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn chứ không chỉ Fit 24.
Trong buổi gặp với các nhân viên và PT của Fit 24, bà Hương cũng chia sẻ, khoản đầu tư vào Fit 24 không lớn. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công do Fit 24 không đáp ứng được về thủ tục giấy tờ của bên mua.