Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I công suất 660 MW đã hoàn tất đầu tư từ năm 2015. Ảnh: Lương Minh

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I công suất 660 MW đã hoàn tất đầu tư từ năm 2015. Ảnh: Lương Minh

Chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn chưa hết điểm nghẽn

0:00 / 0:00
0:00
Việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III đã gỡ được một điểm nghẽn lớn trong quá trình triển khai chuỗi khí điện Lô B - Ô Môn, nhưng khó khăn vẫn chưa hết.

Tín hiệu mới cho chuỗi dự án Lô B - Ô Môn

UBND TP. Cần Thơ vừa có Quyết định số 2447/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp nhận nhà đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III. Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 27.596 tỷ đồng, tương đương 1,190 tỷ USD. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 9.926 tỷ đồng, tương đương 428,2 triệu USD; vốn huy động 17.670 tỷ đồng, tương đương 762,29 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng nhà máy nhiệt điện turbine khí chu trình hỗn hợp, quy mô theo quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt để cung cấp nguồn điện ổn định cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống điện quốc gia nói chung, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và an toàn cung cấp điện; đồng thời, cùng các nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn tiêu thụ hết khí Lô B.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 31 năm kể từ ngày Quyết định cho thuê đất (2021 - 2052). Theo phê duyệt, Dự án sẽ được khởi công vào quý I/2025, bắt đầu tiếp nhận khí vào quý III/2027, vận hành thử vào quý IV/2027 và phát hành điện thương mại vào quý IV/2027.

Việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III trong quý III/2022 đã gỡ xong nút thắt của dự án này sau khoảng 3 năm chờ đợi việc thẩm định và xác định thẩm quyền ra quyết định của các cơ quan nhà nước do có liên quan tới nguồn vốn ODA để triển khai.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ sử dụng vốn ODA vay từ Nhật Bản. Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, hiện hồ sơ đề xuất Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III dùng vốn vay ODA đang được hoàn tất để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn cần lực đẩy

Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III có công suất 1.050 MW nằm trong Trung tâm Điện lực Ô Môn (TP. Cần Thơ), nơi có các nhà máy nhiệt điện Ô Môn I công suất 660 MW, Ô Môn II công suất 1.050 MW và Ô Môn IV cũng có công suất 1.050 MW. Tổng công suất của 4 nhà máy tại Trung tâm Điện lực Ô Môn là khoảng 3.810 MW.

Theo kế hoạch, các nhà máy này sẽ tiêu thụ khoảng 4,5-5 tỷ m3 khí/năm. Do phát triển dựa trên việc khai thác khí từ Lô B, nên các nhà máy điện trên bờ và mỏ khí Lô B cùng đường ống Lô B - Ô Môn có mối quan hệ hữu cơ cộng sinh. Mỏ khí Lô B có trữ lượng khí ước khoảng 107 tỷ m3, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế một số mỏ khí trưởng thành đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng.

Hiện EVN là chủ đầu tư của 3 dự án gồm Ô Môn I, Ô Môn III và Ô Môn IV. Trong đó, Ô Môn I đã hoàn tất đầu tư từ năm 2015, Ô Môn IV đã được ra quyết định chủ trương đầu tư hồi tháng 2/2019 và Ô Môn III vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 8/2022. EVN cũng đã cơ bản hoàn tất hồ sơ mời thầu gói thầu EPC của Dự án Ô Môn IV và dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu sau khi chuẩn xác mốc tiến độ cấp khí Lô B.

Với việc phê duyệt chủ trương đầu tư, Dự án Ô Môn III có thể ký hợp đồng mua bán khí với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng với Ô Môn IV, là tiền đề để triển khai các dự án thượng nguồn khai thác mỏ khí Lô B và đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn. Hiện hai dự án thượng nguồn này đang chờ để có Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) và chính thức triển khai.

Về mối liên hệ giữa vấn đề bao tiêu khí của các dự án điện để triển khai xây dựng các dự án khai thác khí Lô B và đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, nguồn tin từ Bộ Công thương cho hay, với việc Ô Môn I, Ô Môn III và Ô Môn IV đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lượng khí đầu ra đã có thể để các nhà đầu tư thượng nguồn đi tới bước triển khai cuối cùng.

Dẫu vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nguồn tin từ Petrovietnam cho hay, nếu các dự án Ô Môn I, Ô Môn III và Ô Môn IV có hướng dẫn về tiêu thụ khí của cơ quan chức năng, thì các nhà đầu tư mỏ và đường ống có thể ra FID ngay và triển khai khâu thượng nguồn. “Không cần có cam kết bao tiêu khí cho cả 4 nhà máy, mà chỉ cần có hướng dẫn cho 3 dự án trên là đã đi được rồi. Tuy nhiên, hướng dẫn này cũng cần áp dụng cho cả Ô Môn II vì nằm trong tổng thể”, vị này nhận xét.

Tại Dự án Ô Môn II do Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni - Vietracimex phát triển, Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đã được trình Bộ Công thương vào tháng 6/2022 và đang được Bộ tiến hành thẩm định theo quy định. Theo kế hoạch, Thoả thuận khung (HOA) của Hợp đồng mua bán khí (GSA) giữa tổ hợp nhà đầu tư với Petrovietnam sẽ được hoàn thiện trong giai đoạn này, làm cơ sở để các bên tiến hành đàm phán chính thức GSA của Dự án trong thời gian tới.

Tổ hợp Marubeni - Vietracimex cũng đề nghị Bộ Công thương phân bổ khí cho các nhà máy nhiệt điện Ô Môn ưu tiên theo công suất; đề nghị Petrovietnam cung cấp đủ khí trong thời gian thực hiện hợp đồng mua bán khí - GSA (23 năm) và xác nhận có phương án cấp nguồn khí khác cho đủ thời hạn của hợp đồng mua bán điện (25 năm); điều chỉnh cơ chế vận hành thị trường điện để đảm bảo các nhà máy điện thực hiện được cam kết bao tiêu khí cũng như phê duyệt FS của Dự án.

Tin bài liên quan