Sắp có thêm chuỗi nhà máy mới
Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (FTM, doanh nghiệp lớn trong ngành sợi) đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa nhà máy thứ 4 vào hoạt động trong đầu năm 2019.
Sở hữu 3 nhà máy sợi tại Thái Bình với tổng số 110.000 cọc sợi, công suất tối đa 17.000 tấn/năm, để đáp ứng nhu cầu cũng như sự tăng trưởng của ngành dệt may, FTM đã đầu tư thêm nhà máy số 4 với quy mô 50.000 cọc sợi, công suất 8.700 tấn sợi/năm, tổng vốn đầu tư 35 triệu USD.
“Chúng tôi đang đẩy nhanh tốc độ đầu tư, lắp đặt thiết bị để năm 2019, nhà máy số 4 đi vào hoạt động chính thức, sẽ đóng góp thêm khoảng 500 tỷ đồng doanh thu cho FTM.
Bên cạnh đó, Công ty cũng từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị dệt may thông qua việc xây dựng nhà máy dệt, hứa hẹn sẽ là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng”, lãnh đạo FTM cho hay.
Cùng với kế hoạch đầu tư thêm nhà máy dệt, nhuộm và nhà máy may, nhà máy số 4 của FTM được kỳ vọng sẽ nới nút thắt cổ chai của ngành dệt may là xuất khẩu sợi, nhưng lại nhập khẩu vải. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoàn thành tiếp nhận lắp đặt thiết bị vào quý III/2018, chạy thử vào quý IV/2018 và chính thức tạo ra dòng tiền từ năm 2019.
Ngoài ra, FTM cũng chuẩn bị đầu tư một số dự án mới, như Nhà máy dệt vải và nhuộm hoàn thiện, công suất 10 triệu m2/năm, tổng vốn đầu tư 55 triệu USD; đầu tư 10 nhà máy may với công suất 5.000 m2/năm/nhà máy, vốn đầu tư 7,5 triệu USD/nhà máy…
Tận dụng cơ hội thị trường, Công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC) cũng dốc 300 tỷ đồng thực hiện Dự án Nhà Bè - Sóc Trăng. Được khởi công từ giữa năm 2017, đến tháng 6/2018, giai đoạn I của Dự án đã được đưa vào hoạt động, chuyên sản xuất hàng may mặc và thời trang, với dòng sản phẩm chủ đạo là quần (jean và kaki) cùng các chủng loại thời trang khác.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Cúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Nhà Bè - Sóc Trăng, đây là một trong những dự án nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo cho hoạt động sản xuất - kinh doanh ngày càng lớn mạnh của NBC.
Nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và cung cấp cho nội địa, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng theo phương thức FOB, ODM của NBC trong giai đoạn mới.
Giai đoạn II của Dự án May Nhà Bè - Sóc Trăng, chuyên sản xuất và kinh doanh sản phẩm may chất lượng cao như: hàng veston, hàng quần, thời trang nữ, hàng thời trang các loại, cũng được đầu tư để hoàn thành trong năm 2019, đáp ứng khả năng nhận đơn hàng xuất khẩu và hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu của NBC.
Tận dụng cơ hội thị trường
Số lượng các nhà nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc… dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tốc độ dịch chuyển diễn ra nhanh hơn từ đầu năm 2018 đối với những đơn hàng từ thị trường Mỹ, do lo ngại rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Điều này được thể hiện rõ hơn trong kết quả xuất khẩu 10 tháng qua của ngành dệt may Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 29 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ, tăng mạnh so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 và hoàn thành khoảng 79% kế hoạch xuất khẩu cả năm.
Các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt; các thị trường CPTPP, Hàn Quốc, Trung Quốc... tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 10,5 tỷ USD, tăng 12%; Nhật Bản 2,85 tỷ USD, tăng 25,6%; Hàn Quốc 2,360 tỷ USD, tăng 25,8%; Trung Quốc gần 1,1 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2017...
Với thuận lợi về thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may đã gần hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2018. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, 8 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu khoảng 105 triệu USD, tương đương 2.467,5 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế 8 tháng đầu năm của TCM đạt 7,9 triệu USD, tương đương 185,65 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch cả năm.