Chuỗi dự án Khí - điện Lô B vẫn chờ gỡ nút

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ khi Dự án Ô Môn III được thông qua chủ trương đầu tư, thì chuỗi dự án Khí - điện lô B mới có khả năng hoàn thành mục tiêu.
Chuỗi dự án Khí - điện Lô B vẫn chờ gỡ nút

Dù Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn II đã tiến được một bước dài, song chỉ khi Dự án Ô Môn III - đường găng của chuỗi dự án Khí - điện lô B được thông qua chủ trương đầu tư, thì chuỗi dự án này mới có khả năng hoàn thành mục tiêu.

Tín hiệu mới từ Ô Môn II

Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn II với công suất 1.050 MW vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với vốn đầu tư sơ bộ 30.560 tỷ đồng. Liên danh Tổng công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) được giao thực hiện Dự án.

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư của Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí Ô Môn II gồm 20% là vốn chủ sở hữu (tương đương 6.112 tỷ đồng) và 80% là vốn vay thương mại (tương đương 24.448 tỷ đồng).

Nhà đầu tư được yêu cầu chịu trách nhiệm tiết giảm, tối ưu hóa và chính xác tổng mức đầu tư trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đảm bảo hiệu quả và khả năng cạnh tranh của Dự án, nhất là về giá điện so với các nhà máy điện khác trong chuỗi dự án Khí - điện Lô B.

Theo quyết định phê duyệt này, Dự án được đặt mục tiêu hoàn thành và chính thức đưa vào vận hành thương mại năm 2024 - 2025, đảm bảo phù hợp với tiến độ chung của chuỗi dự án Khí - điện Lô B. Các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho Dự án được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, khi thẩm định dự án này, dù nhận thấy các nhà đầu tư có đủ khả năng góp vốn theo cam kết để thực hiện Dự án, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành khác cũng đã lưu ý nhiều vấn đề về hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án.

Đơn cử, theo góp ý của Bộ Tài chính, trong Báo cáo tiền khả thi, nhà đầu tư đề xuất mức giá bán điện là 2.563 đồng/kWh sẽ đảm bảo hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, mức giá này cao hơn 1,37 lần so với giá bán lẻ điện bình quân (1.864,44 đồng/kWh) theo Quyết định số 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019 và chưa tính phí truyền tải, phân phối.

“Mức giá điện này cùng với nhiều dự án điện khí lớn đang được Bộ Công thương thẩm định, xem xét trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hoặc đã được chấp thuận chuẩn bị đầu tư cũng có giá thành sản xuất điện trung bình khá cao, nên khi đi vào vận hành thương mại sẽ tạo áp lực về giá bán lẻ điện bình quân”, Bộ Tài chính nhận xét.

Vì vậy, trong Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cũng yêu cầu nhà đầu tư tối ưu hóa và xác định chính xác tổng mức đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật, tăng cạnh tranh của Dự án, nhất là về giá điện so với các dự án điện khác trong chuỗi dự án Khí - điện Lô B.

Cần phải nói thêm, dù đã có nguyên tắc chuyển ngang giá khí Lô B sang giá điện sản xuất của các nhà máy điện trong chuỗi Khí - điện Lô B, nhưng việc đàm phán Hợp đồng Mua bán điện (PPA) sẽ là một cửa ải không dễ dàng đi đến thống nhất giữa các bên liên quan trong điều kiện giá bán lẻ điện bình quân đang thấp và nhu cầu tiêu thụ điện giảm mạnh do Covid-19.

Trước đó, tại Văn bản số 1200/TTg-CN do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký cũng đã nhắc tới việc Liên danh Vietracimex và Marubeni làm chủ đầu tư Dự án theo hình thức đầu tư thông thường (chủ đầu tư tự đầu tư xây dựng, sở hữu và vận hành; không thực hiện theo hình thức đối tác công tư).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chuyên gia về điện đến từ Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVN, Công ty Mua bán điện đều cho hay, việc đàm phán giá điện và PPA phải tuân theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT.

Thông tư số 56 quy định, đời sống kinh tế với nhà máy nhiệt điện khí chỉ là 25 năm, tức là bằng nửa thời gian so với mong muốn của nhà đầu tư khi đề xuất giá điện 2.563 đồng/kWh ở thời điểm năm 2020.

Chưa kể, hàng loạt vấn đề khác về cơ chế thanh toán chấm dứt, các biện pháp bảo vệ khi có bất khả kháng, sự kiện Chính phủ, quyền tiếp cận của bên cho vay, thanh toán tiền điện bằng tiền Việt nhưng có cơ chế chuyển sang USD, cơ chế bao tiêu, bảo lãnh Chính phủ mà nhà đầu tư mong muốn, nhưng hiện chưa được áp dụng cho các nhà máy điện độc lập.

Chờ chuyển động đột biến

Theo kế hoạch, có 4 dự án điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn (Cần Thơ) sẽ nhận khí từ Lô B để phát điện. Trong số này, có 3 dự án nhà máy nhiệt điện khí do EVN làm chủ đầu tư, gồm Ô Môn I, Ô Môn III và Ô Môn IV; còn Dự án Nhà máy Nhiệt điện khi Ô Môn II do liên danh Vietracimex - Marubeni thực hiện

Hiện Nhà máy Ô Môn I (công suất 660 MW) đã được đầu tư. Dự án Nhà máy Ô Môn IV (công suất 1.050 MW) đã được lên kế hoạch khởi công trong quý II/2021. Dự án Ô Môn III (công suất 750 MW) có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 25.500 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa được thông qua chủ trương đầu tư.

Đáng nói là, hồi tháng 9/2020, các đối tác nước ngoài trong Dự án Khai thác khí và Đường ống Lô B - Ô Môn, gồm Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO) đến từ Nhật Bản và PTT Exploration and Production Public Company Limited (PTTEP) đến từ Thái Lan cũng cho biết, thời điểm có dòng khí đầu tiên sớm nhất của Dự án Khí lô B sẽ là tháng 9/2024, thay vì cuối năm 2023 như dự tính trước đó.

Theo MOECO và PTTEP, do chậm trễ trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư của Dự án Nhà máy Ô Môn III, nên mục tiêu của Dự án có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong năm 2020 và dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023 không còn khả thi.

Dẫu vậy, ngay cả mục tiêu thời điểm có dòng khí đầu tiên sớm nhất của Dự án Khí lô B là tháng 9/2024 cũng kèm theo điều kiện là FID không muộn hơn tháng 3/2021.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, vào giữa tháng 1/2021 sẽ có cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến các thủ tục cho vay lại vốn ODA và hy vọng sẽ có hướng giải quyết để xử lý câu chuyện ra quyết định chủ trương đầu tư của Dự án Nhà máy Ô Môn III.

“Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn xác định Dự án Ô Môn III là đường găng của chuỗi dự án Khí - điện Lô B”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho hay.

Có thể thấy, tuy Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II đã tiến được bước dài, Dự án Ô Môn III sắp được gỡ nút thắt, nhưng con đường để các nhà đầu tư chính thức xuống tiền, triển khai xây dựng sẽ có những thách thức nhất định. Thêm vào đó, đang xuất hiện tình trạng dư cung điện do tác động của Covid-19 và nguồn điện năng lượng tái tạo đầu vào lớn. Liệu chuỗi dự án Khí - điện Lô B sẽ có những chuyển động đột biến như mong đợi hay không vẫn là câu hỏi cần thêm thời gian để trả lời.

Mục tiêu của chuỗi dự án Khí - điện lô B là khai thác và thu gom nguồn khí lô B, 48/95 và 52/97, với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến là 107 tỷ m3 và 12,65 triệu thùng condensate. Sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỷ m3/năm và kéo dài 20 năm, để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực tỉnh Kiên Giang và Ô Môn, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam bộ trong giai đoạn sau năm 2020.

Tin bài liên quan