Trung Quốc đang trải qua mức tăng đột biến về số ca nhiễm Covid-19 kể từ khi đợt bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán được ngăn chặn vào đầu năm 2020.
Sự lây lan của biến thể Omicron trong tháng này đã dẫn đến việc đưa ra các biện pháp hạn chế trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả ở các trung tâm sản xuất chính của Thâm Quyến và Đông Quan, làm tê liệt các nhà máy sản xuất hàng hóa.
Theo các chủ tàu, nhà phân tích và nhà quản lý chuỗi cung ứng, trong khi các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở và các tàu tiếp tục cập cảng, tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng và một số tàu container đang định tuyến lại để tránh sự chậm trễ dự kiến.
Họ cho biết giá thuê tàu dự kiến sẽ tăng lên, trong khi thời gian trì hoãn đối với hàng hóa vận chuyển sẽ kéo dài hơn.
Khủng hoảng chuỗi cung ứng
Jasmine Wall, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại SEKO Logistics cho biết, lượng hàng container đang “giảm ồ ạt” tại cảng Yantian của Thâm Quyến do công nhân cảng, tài xế xe tải và công nhân nhà máy phải ở nhà.
Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime cho biết: “Điều này cho thấy rằng việc vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các cảng sẽ trở nên khó khăn và do đó việc các bến cảng có mở cửa hay không sẽ trở thành một điểm tranh luận. Nó sẽ có tác động gián đoạn đến chuỗi cung ứng, từ đó kéo dài cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện tại”.
Theo dữ liệu theo dõi tàu của Refinitiv, hiện có 34 tàu ngoài khơi Thâm Quyến đang chờ cập cảng, so với mức trung bình 7 tàu cách đây một năm. Tại Qingdao, một thành phố cảng phía đông Trung Quốc, có khoảng 30 tàu đang chờ cập cảng so với mức trung bình là 7 tàu của năm ngoái.
Giá thuê tàu cho mỗi container 40 feet vẫn ở gần mức cao kỷ lục trên các tuyến vận tải toàn cầu chính và đang giao dịch ở mức khoảng 16.000 USD từ Trung Quốc tới Mỹ.
Hiệu ứng bullwhip
Các đợt phong tỏa tương tự vào năm ngoái đã chứng kiến các hoạt động tại cảng Yantian bị cắt giảm xuống 1/3 công suất, dẫn đến sự gián đoạn vận chuyển toàn cầu lớn hơn so với sự cố do kênh Suez bị đóng cửa trong 6 ngày vào năm ngoái sau khi tàu container Ever Given mắc cạn.
Mặc dù các chuyên gia chuỗi cung ứng nói rằng các cảng của Trung Quốc hiện có khả năng chống chọi tốt hơn với tình trạng thiếu nhân viên và gián đoạn vận tải, nhưng vẫn còn lo ngại cảng Yantian có thể phải đóng cửa nếu tình trạng lây nhiễm và hạn chế tiếp tục lan rộng.
Theo JP Morgan Global PMI, tình trạng chậm trễ của nhà cung cấp và vận chuyển đã giảm xuống mức thấp nhất vào tháng 2 kể từ đầu năm 2021.
Bjorn Vang Jensen, Phó chủ tịch công ty tư vấn Sea-Intelligence cho biết: “Nếu cảng Yantian đóng cửa, thì hiệu ứng bullwhip khi mở cửa trở lại sẽ gây lãng phí cho tất cả những tiến triển đạt được ở Mỹ”.
Trong đó, hiệu ứng bullwhip có thể được hiểu như là một hiện tượng trong chuỗi cung ứng khi số lượng đơn đặt hàng gửi cho nhà sản xuất và nhà cung cấp có sự chênh lệch lớn hơn so với nhu cầu của khách hàng.
Ngay cả khi các bến vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vẫn mở cửa, việc thiếu tài xế xe tải và nhân viên vận hành kho bãi đồng nghĩa với việc sẽ có sự chậm trễ trong việc lấp đầy các container vận chuyển và đưa hàng hóa đến cảng.
Lạm phát
Trong khi đó, các trung tâm xuất khẩu lân cận khác cũng đang gặp phải tình trạng tắc nghẽn, bao gồm Hồng Kông và Thượng Hải, các tàu có thể phải đợi cho đến khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt để giảm tải hàng hóa và điều đó có nghĩa là hàng hóa sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến Mỹ.
“Tôi cho rằng, người tiêu dùng ở Mỹ và các chủ hàng vận chuyển hàng hóa đến Bắc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”, Peter Sand, Giám đốc phân tích tại công ty phân tích hàng hóa Xeneta cho biết.
Các hãng tàu cũng đang đối mặt với khả năng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở Trung Quốc gia tăng nhanh chóng như đã thấy ở các nơi khác trên thế giới, điều này có thể dẫn đến sự gián đoạn trên diện rộng hơn và có tác động đến lạm phát toàn cầu vốn đã gia tăng.
Niels Rasmussen, Giám đốc Phân tích Vận chuyển tại BIMCO cho biết: “Chính sách không khoan nhượng của các nhà chức trách Trung Quốc dường như cho thấy khả năng xảy ra nhiều vụ đóng cửa hơn nữa”.
“Xuất khẩu của Trung Quốc giảm tốc sẽ làm trầm trọng thêm sự chậm trễ của chuỗi cung ứng và giảm lượng hàng tồn kho do các doanh nghiệp nắm giữ, điều này có thể khiến giá hàng hóa tăng thêm”, ông cho biết.