Vận tải là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, với 11 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm.

Vận tải là một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, với 11 tỷ tấn hàng hóa được vận chuyển mỗi năm.

Chuỗi cung ứng sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Trung Quốc dỡ bỏ chính sách phòng dịch “Zero Covid” làm dấy lên lo ngại rằng, nhu cầu bị dồn nén ở đất nước này có thể làm trầm trọng áp lực lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc sẽ không xuất khẩu lạm phát ra thế giới.

Trung Quốc không có áp lực lạm phát

“Công xưởng” lớn nhất thế giới và quốc gia đông dân nhất thế giới đã mở cửa trở lại sau 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu nhiều loại hàng hóa gia tăng, từ kim loại đến cổ phiếu của các hãng sản xuất hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, trái ngược với những lo ngại trên thị trường về việc giá cả sẽ tiếp tục tăng và Trung Quốc có thể xuất khẩu lạm phát, làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu, các chuyên gia kinh tế không lo lắng về “bóng ma” lạm phát toàn cầu mới. Bởi lẽ, Trung Quốc đã công bố các kế hoạch chi tiết để thúc đẩy khả năng tự cung, tự cấp của nền kinh tế. Hơn nữa, sự trì trệ trong thị trường lao động của Trung Quốc và các ưu tiên tăng trưởng của chính phủ nước này sẽ góp phần làm giảm lạm phát.

Ông Chi Lo, chiến lược gia thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty quản lý tài sản BNP Paribas nhận định: “Tôi không nghĩ rằng, sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ khiến lạm phát toàn cầu tăng đáng kể”.

Đồng quan điểm, ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc khẳng định, gần như không có chuyện Trung Quốc sẽ xuất khẩu lạm phát ra thế giới. Bản chất của lạm phát năm 2022 là do tắc nghẽn chuỗi cung ứng, khi hàng hóa trong nền kinh tế ít đi thì giá cả hàng hóa tăng lên. Nguyên nhân thứ hai làm bùng nổ lạm phát trong năm qua là do chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Trong khi đó, Trung Quốc trong giai đoạn phong toả từ tháng 1 - 8/2022 để phòng chống dịch không những không tăng lãi suất, mà còn điều chỉnh giảm, bởi lạm phát ở nước này vẫn ở mức thấp. Vậy nên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại còn tốt cho kinh tế thế giới.

Theo một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nếu GDP của Trung Quốc tăng 1%, thì kinh tế thế giới tăng khoảng 0,3%.

Thị trường kim loại đã tăng giá nhờ kỳ vọng vào nhu cầu tăng lên, với giá đồng kỳ hạn trong tháng trước lần đầu tiên chạm mức 9.000 USD/tấn kể từ tháng 6/2022. Mặc dù Trung Quốc là nước định giá quặng sắt và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, nhưng triển vọng giá quặng sắt tăng mạnh hơn nữa do nền kinh tế mở cửa trở lại là khó xảy ra. Nguyên nhân, theo ông Chi Lo, là do đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũ như đường sá, cầu cảng, sân bay vẫn đang diễn ra, nhưng các hạng mục này sẽ không còn là ưu tiên trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa vẫn sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, nhưng tác động đến lạm phát là không lớn.

Thực tế, kinh tế Trung Quốc hiện nay gần như không có áp lực lạm phát, do tăng trưởng kinh tế vừa phải và đồng nội tệ tăng giá. Năm 2022, GDP tăng 3%, mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ. Bloomberg Economics dự báo, tốc độ tăng GDP của Trung Quốc có thể “nhảy” lên mức 5,8% trong năm 2023, nhưng lạm phát sẽ chỉ tăng ở mức khiêm tốn là 3%.

Chuỗi cung ứng dần thích ứng

Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhìn nhận, có 5 thách thức mà chuỗi cung ứng toàn cầu đang phải đối diện.

Đầu tiên là lạm phát tăng vọt. Giá cả tăng khiến người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu nhưng cũng tạo ra sự không chắc chắn, khiến các chuyên gia chuỗi cung ứng khó lập kế hoạch. Thứ hai là tình trạng bất ổn của thị trường lao động. Thứ ba là sự không chắc chắn về địa chính trị, những căng thẳng và xung đột chính trị đã tạo ra nhiều nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng và các yếu tố không chắc chắn trong tương lai. Thứ tư là thời tiết khắc nghiệt. Cuối cùng là vấn đề thiếu năng lượng, dẫn tới giá năng lượng tăng, chi phí tăng khiến các công ty phải cắt giảm hoạt động sản xuất, làm cho việc hoạch định chuỗi cung ứng trở nên phức tạp hơn.

Chuỗi cung ứng được kết nối trở lại mạnh mẽ hơn sẽ làm hàng hóa lưu thông trong nền kinh tế tăng lên, làm giảm giá cả hàng hoá.

Các nhà kinh tế dự đoán, các doanh nghiệp sẽ phản ứng và hóa giải thách thức bằng những nỗ lực đổi mới và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

Theo ông Ranjeev Menon, Giám đốc điều hành Tập đoàn GWC, chuỗi cung ứng toàn cầu đang hồi phục sau khoảng 3 năm khó khăn và đã thay đổi rất khác trước đây. Các công ty đã có những biện pháp thích nghi khác nhau để đa dạng hóa sản xuất và không phụ thuộc vào một nguồn cung ứng hay quốc gia nào.

Việc xây dựng một mạng lưới cung ứng thay cho một chuỗi cung ứng duy nhất sẽ làm tăng độ phức tạp vì có nhiều nhà cung cấp các sản phẩm giống nhau, nhưng lại có thể làm giảm rủi ro một khi xảy ra cú sốc về nguồn cung.

Ngoài ra, tại Mỹ, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng và đường sắt do đại dịch đã giảm kể từ cuối năm 2022. Tính đến nay, tỷ lệ tắc nghẽn cảng giảm khoảng 60%.

Trong khi đó, hàng tồn kho tại Mỹ và EU vẫn ở mức cao, còn nhu cầu đối với không ít loại hàng hóa có khả năng tiếp tục giảm, có thể giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn ở bến cảng và đường ray, từ đó góp phần hạ nhiệt lạm phát.

Mặt khác, lượng hàng tồn kho cao và niềm tin của người tiêu dùng thấp do lạm phát, các đơn vị nhập khẩu đã hạn chế lượng đơn đặt hàng ở nước ngoài, làm giảm chi phí vận chuyển bằng đường biển và đường bộ.

Theo Container xChange, giá cước vận chuyển container đã giảm mạnh vào nửa cuối năm 2022 và xu hướng giảm giá có thể kéo dài sang năm 2023, góp phần làm giảm lạm phát.

Ông Kiên nhận định, chuỗi cung ứng được kết nối trở lại mạnh mẽ hơn sẽ làm hàng hóa lưu thông trong nền kinh tế tăng lên, làm giảm giá cả hàng hoá và từ đó có thể làm giảm bớt áp lực lạm phát.

Hiện có 3 trong 4 nguyên nhân làm lạm phát trên thế giới tăng cao trong năm 2022 đã được giải quyết: một là, Trung Quốc đã mở cửa trở lại làm tăng nguồn cung hàng hoá cho thế giới; hai là, chuỗi cung ứng được khơi thông; ba là, nhiều ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. “Vì vậy, lạm phát kỳ vọng năm nay sẽ giảm”, ông Kiên nói.

Tin bài liên quan