Việt Nam có nhiều dư địa cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng và logistics.

Việt Nam có nhiều dư địa cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng và logistics.

Chuỗi cung ứng cần “chuyển mình”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã cải thiện khá nhiều về thứ bậc xếp hạng, nhưng chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa để có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đến lúc thay đổi

Theo Bộ Công thương, từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế toàn cầu và thương mại thế giới hồi phục nhưng chưa chắc chắn. Trong khi các chương trình mục tiêu về chuyển đổi bền vững, tăng cường an ninh kinh tế và cạnh tranh chiến lược tiếp tục đặt ra những yêu cầu mới về việc hoạch định lại các chiến lược quản trị chuỗi cung ứng và logistics, một chìa khóa quan trọng có thể giúp đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi chính là công nghệ và hợp tác trong hệ sinh thái cộng sinh.

Lấy ví dụ về câu chuyện của thương mại điện tử, Phòng Cơ sở dữ liệu và Thương mại điện tử, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho hay, lĩnh vực này tiếp tục khẳng định vai trò của xu hướng không thể đầy lùi, cho dù cuộc cạnh tranh ở cấp độ doanh nghiệp đã vươn lên tầm cỡ quốc gia khi thương mại điện tử đưa hàng hóa giá rẻ từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, vào các kênh phân phối tại châu Âu, châu Mỹ hay Đông Nam Á dễ dàng hơn.

Theo đơn vị này, chu kỳ bổ sung hàng tồn kho (đặc biệt là với hàng tiêu dùng, đồ gia dụng, nội thất, dụng cụ, thiết bị thể thao, máy ảnh, máy quay phim, thiết bị điện tử...) đã giúp một số ngành có tăng trưởng tốt, bao gồm cả nông nghiệp, thực phẩm và hàng tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong khi nhu cầu dần phục hồi thì những tháng gần đây, hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa lại đối mặt với những thách thức mới xuất phát từ yếu tố địa chính trị và thiếu thiết bị.

Trao đổi với các thành viên thị trường, nhiều quan điểm cho rằng, dù đã ghi nhận nhiều tiến bộ, nhưng thực tế là ngành logistics trong nước vẫn ở mức sơ khai, chủ yếu cung cấp nhà xưởng, kho bãi (warehouse), trong khi các yếu tố công nghệ cơ bản vẫn thấp.

“Đây chính là lý do khiến ngành logistics khó cạnh tranh và chưa thể tối đa hoá hiệu quả hoạt động. Để giải quyết câu chuyện này, cần hoạch định lại các chiến lược quản trị chuỗi cung ứng và logistics, trong đó Chính phủ giữ vai trò dẫn dắt, kiến tạo, các doanh nghiệp hưởng ứng, thực thi, bởi doanh nghiệp muốn thay đổi đột phá rất cần cơ chế”, đại diện một doanh nghiệp logistics cho hay.

Từ đầu năm tới nay, các chính sách đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, cùng với việc cải thiện cơ sở hạ tầng và vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các thành công trong đối ngoại, thu hút cộng đồng quốc tế đến Việt Nam đang tích cực đưa nước ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, tạo cơ hội cho sự phát triển của thị trường kho bãi, bất động sản logistics.

Dù vậy, theo giới chuyên gia, đã đến lúc cần hoạch định lại chiến lược quản trị chuỗi cung ứng và logistics để tối đa hóa hiệu quả hoạt động của lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Nhiều dư địa cải thiện

Theo báo cáo Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) của Ngân hàng Thế giới, ngành logistics Việt Nam đã thăng hạng từ vị trí 53 năm 2010 lên vị trí 43 năm 2023, cho thấy tiềm năng và sự phát triển của ngành này.

Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, so với khu vực và thế giới, thị trường logistics của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn sơ khai: Thị trường bất động sản logistics chủ yếu phát triển rải rác, chưa tập trung và chưa có một quy hoạch phân vùng phát triển rõ ràng, chủ yếu tập trung tại khu vực cận trung tâm các đô thị lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh...

Ngành logistics trong nước vẫn ở mức sơ khai, chủ yếu cung cấp nhà xưởng, kho bãi.

Ngành logistics trong nước vẫn ở mức sơ khai, chủ yếu cung cấp nhà xưởng, kho bãi.

Ngoài ra, thị trường chủ yếu cung cấp các sản phẩm có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, sự cạnh tranh và phát triển giữa các dự án bất động sản logistics vẫn nằm ở yếu tố vị trí địa lý hơn là chất lượng xây dựng, cơ sở hạ tầng nội khu hay chất lượng dịch vụ.

Cùng với đó, tỷ lệ các ngành công nghiệp có giá trị thặng dư còn thấp, đa phần khách thuê logistics đến từ các ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều nhân lực lao động như dệt may, may mặc, thực phẩm, đồ gỗ, nội thất, các sản phẩm từ cao su và nhựa.

Do đó, bà Trang Bùi cho rằng, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và kho bãi để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong lĩnh vực logistics, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi số chi phí vận hành… là những điểm cần tập trung cải thiện.

Theo các chuyên gia, để ngành logistic trong nước có thể vươn mình lớn mạnh và cạnh tranh ở phạm vi quốc gia cũng như toàn cầu, sự vào cuộc của Chính phủ giữ vai trò rất quan trọng.

Bà Trang Bùi nhìn nhận, Chính phủ giữ vai trò hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của ngành logistics.

Về giải pháp, Chính phủ cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, và kho bãi; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các giải pháp dựa trên công nghệ đám mây; số hóa chuỗi cung ứng giúp tăng cường khả năng giám sát, thu thập dữ liệu và dự báo, từ đó nâng cao khả năng ứng phó với các biến động.

Cùng với đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp logistics phát triển; chuẩn bị các biện pháp quản lý rủi ro để đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp như đại dịch hoặc thiên tai.

“Việc Chính phủ tham gia vào hoạch định chiến lược quản trị chuỗi cung ứng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mà còn tăng cường tính cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên thị trường quốc tế”, bà Trang Bùi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam cho hay, ở góc độ quốc gia, giống như “nhạc trưởng” điều phối nền kinh tế, Chính phủ khi có chiến lược quốc gia về quản trị chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của ngành logistics.

Bên cạnh đó, trong quá trình quản trị chuỗi cung ứng quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cũng cần liên tục quan sát, điều chỉnh, cải tiến vì tình hình thế giới luôn biến động, tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như gia tăng tính cạnh tranh so với các đối thủ.

Theo ông David Jackson, để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, ngành logistics Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực giảm chi phí logistics, tăng hiệu quả về vận chuyển, thời gian và thủ tục hải quan.

Tất cả nỗ lực này đều được thể hiện qua các mục tiêu Nhà nước đang tích cực đẩy mạnh: Đưa dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, nâng cấp hạ tầng logistics, tinh gọn và minh bạch hệ thống pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nước ngoài…

Tin bài liên quan