Chuỗi bán lẻ dược phẩm Việt: Trỗi dậy nhờ đại gia ngoại “chống lưng”

0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc chiến giành “miếng bánh” trên thị trường dược phẩm, các chuỗi nhà thuốc được hậu thuẫn về tài chính bởi các đại gia nước ngoài đang tỏ rõ ưu thế.
Có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính từ nhà đầu tư ngoại, Pharmacity đang nhanh chóng mở rộng quy mô để chiếm thị phần Ảnh: Đức Thanh

Có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính từ nhà đầu tư ngoại, Pharmacity đang nhanh chóng mở rộng quy mô để chiếm thị phần Ảnh: Đức Thanh

Những “ông trùm” hậu thuẫn

Cuối năm 2021, SK Group hoàn tất kế hoạch rót vốn trị giá 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity, khiến cuộc đua trong ngành bán lẻ dược phẩm trong nước vốn đã vô cùng gay cấn càng trở nên khốc liệt. Sự can thiệp của các đại gia nước ngoài đang giúp “ông lớn” ngành dược phẩm hiện thực hóa tham vọng dẫn đầu thị trường.

Thương vụ này được cho là nỗ lực của một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Hàn Quốc nhằm khai thác triệt để mảng bán lẻ và chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam.

Gần đây, “ông trùm” hàng tiêu dùng và bán lẻ Masan cũng có những bước khởi đầu đầy “hoan hỉ” khi bước chân vào thị trường này, với việc chuẩn bị mở nhà thuốc mới.

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ngày 31/3/2022, Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Winphar đã được thành lập với số vốn điều lệ 10 triệu đồng. Trong đó, Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp WinCommerce nắm 80% vốn, bà Đỗ Thị Hoàng Yến nắm 10% vốn và ông Trần Phương Bắc nắm 10% vốn. Hai nhân vật này đều đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong Tập đoàn Masan.

Ngày 1/7/2022, Winphar đổi tên thành Công ty cổ phần Dr. Win. Đồng thời, vốn điều lệ cũng được nâng từ 10 triệu đồng lên 28,57 tỷ đồng.

Điều đáng nói là, một tháng trước khi rót 100 triệu USD vào chuỗi nhà thuốc Pharmacity, Masan và SK Group đã công bố ký kết thỏa thuận mua cổ phần của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 345 triệu USD, trong đó SK Group đầu tư 340 triệu USD. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK Group tại The CrownX lần lượt là 85,0% và 4,9%. Sắp tới, Masan có thể sẽ gia tăng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX.

The CrownX chính thức hoạt động từ tháng 6/2020. Đây là đơn vị sở hữu Công ty cổ phần Masan Consumer Holdings (doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh) và Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại VinCommerce.

Hiện Masan cũng là tên tuổi hậu thuẫn của Phano Pharmacy - chuỗi nhà thuốc mới được tích hợp vào hệ sinh thái của WinMart. Tuy số cửa hàng chưa bằng 1/10 Pharmacity, nhưng Phano Pharmacy đã tuyên bố doanh thu số 1 thị trường. Theo tìm hiểu, năm 2016, Phano Pharmacy bắt đầu triển khai hình thức nhượng quyền và là chuỗi nhà thuốc đầu tiên triển khai mô hình này. Nhưng sau 1 năm, Phano Pharmacy mới chỉ nhượng quyền được 3 nhà thuốc.

Đến năm 2020, Phano Pharmacy sở hữu 70 cửa hàng, song nhanh chóng bị Pharmacity và Long Châu bỏ xa khi 2 chuỗi này lần lượt có 500 và 120 cửa hàng trên toàn quốc. Thông tin cập nhật đến tháng 1/2021, Phano Pharmacy chỉ còn hơn 40 nhà thuốc.

Trở lại với SK Group, với tham vọng “khai thác triệt để mảng bán lẻ và chăm sóc sức khỏe tại thị trường Việt Nam”, không loại trừ khả năng đại gia này sẽ tự đầu tư chuỗi bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm của mình, hình thành một hệ sinh thái sản xuất - phân phối - bán lẻ. Nhưng bằng nhiều con đường rót vốn khác nhau, SK Group vẫn được coi là đang “hậu thuẫn” tài chính cho chuỗi bán lẻ dược phẩm. Năm 2020, SK Group đã mua 12,3 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, Pharmacity sẽ có nhiều cơ hội trỗi dậy hơn. Bởi ngoài SK Group, “ẩn sau” Pharmacity còn có Mekong Capital và TR Capital (một công ty đầu tư cổ phần tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông).

Vậy nên, dù bị nhà thuốc Long Châu (thuộc FPT Retail) lấn át về lợi nhuận, nhưng Pharmacity vẫn tự tin vì đang là chuỗi nhà thuốc dẫn đầu thị trường về quy mô, với khoảng 1.147 cửa hàng, trong khi Long Châu có khoảng 701 cửa hàng.

Có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về tài chính, lại có lợi thế về quy mô lớn nhất, ông Chris Blank, nhà sáng lập, kiêm CEO Pharmacity không ngần ngại khẳng định, Pharmacity sẽ có 5.000 cửa hàng vào năm 2025, nâng mức doanh thu lên 1,5 tỷ USD. Đến năm 2030, tổng số điểm bán của Pharmacity sẽ chạm mốc 10.000 cửa hàng trên toàn quốc. Đó là thời điểm 50% dân số Việt Nam sẽ tìm được một tiệm Pharmacity trong vòng 10 phút lái xe.

Dẫn đầu về quy mô, nên Pharmacity cũng đồng thời là nhà tuyển dụng dược sĩ lớn nhất cả nước, với hơn 5.000 dược sĩ đang làm việc. Ở giai đoạn có 5.000 cửa hàng, con số này sẽ tăng lên thành 25.000 dược sĩ.

Dẫu vậy, ông Chris Blank vẫn không quên nhắc nhở mình và các cộng sự: không bao giờ được đánh giá thấp đối thủ cạnh tranh.

Xu hướng trở thành siêu thị chăm sóc sức khỏe

Theo dữ liệu của các công ty dược niêm yết và kết quả đấu thầu của Cục Quản lý dược Việt Nam, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI ước tính, tổng doanh thu dược phẩm của cả nước trong quý I/2022 tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu từ kênh nhà thuốc tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021; kênh bệnh viện giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới. Ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất

gồm Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự kiến, chuỗi nhà thuốc có thể chiếm tới 16% thị phần bán lẻ thuốc tại Việt Nam vào năm 2025.

Công ty Chứng khoán SSI phân tích, hoạt động kinh doanh dược phẩm ít chịu ảnh hưởng hơn trong môi trường lạm phát cao, chi phí đầu vào ổn định hơn so với các ngành khác. Với nhu cầu thuốc ổn định qua các năm và mức định giá ổn định do cơ cấu cổ đông cô đặc và nhu cầu mua bán - sáp nhập (M&A) thường xuyên trong ngành, ngành dược là cơ hội “phòng thủ” tốt cho nhà đầu tư trong thời điểm thị trường có nhiều biến động.

Theo khảo sát từ IQVIA, trong năm 2016, cả nước có 55.300 cửa hàng, trong đó chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (gần 1% thị phần). Năm 2021, sau một thời gian dài thắt chặt quy định đối với thuốc không kê đơn và nâng cao tiêu chuẩn với mỗi nhà thuốc, tổng số cửa hàng thuốc đang hoạt động chỉ còn 44.600 đơn vị, nhưng hiện đã có tới 1.600 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (gần 4% thị phần).

Mặc dù tỷ trọng chuỗi nhà thuốc vẫn còn khá nhỏ so với thị trường, nhưng 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu vẫn đưa ra kế hoạch đầy tham vọng. Đó là sẽ đưa tổng số cửa hàng trong chuỗi nhà thuốc lên con số 7.300 trong năm 2025, tương đương 16% thị phần và sẽ kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các chuỗi nhà thuốc này vẫn kinh doanh phần lớn thực phẩm chức năng và thuốc nhập khẩu, do đó, mức tăng trưởng đột biến về số lượng cửa hàng của các chuỗi không đồng nghĩa với mức tăng trưởng tương đương với doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước.

Nếu nhìn vào các dòng sản phẩm của Pharmacity, có thể thấy, hiện tại, đây là chuỗi hiệu thuốc duy nhất thực sự nổi bật về mô hình cung cấp trải nghiệm mua sắm tiện lợi, cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn.

Pharmacity đang là chuỗi nhà thuốc có thời gian mở cửa dài nhất so với bất kỳ chuỗi hiệu thuốc nào trên cả nước. Cụ thể, hầu hết các cửa hàng Pharmacity mở cửa từ 6 giờ sáng đến 11 giờ 30 đêm, thậm chí có những cửa hàng mở suốt 24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Theo giới phân tích, bất cứ nhà bán lẻ dược phẩm nào muốn chinh phục người tiêu dùng cũng đều cần phải mang đến cho khách hàng cảm giác như bước vào một “siêu thị chăm sóc sức khỏe”. Đó không chỉ là nơi khách hàng mua bán dược phẩm dưới sự tư vấn của dược sĩ, mà còn là nơi để khách hàng tìm hiểu, mua sắm các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và dụng cụ y khoa.

Cuối năm 2020, thông qua một liên doanh với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hoa Sen (Lotus Food Group), Matsumoto Kiyoshi - chuỗi dược, mỹ phẩm hàng đầu Nhật Bản với hơn 1.700 cửa hàng khắp nước Nhật - đã có cửa hàng chuẩn (flagship) đầu tiên tại TP.HCM.

Khi đó, ông Kiyoo Matsumoto, Chủ tịch Tập đoàn Matsumoto Kiyoshi Holdings cho biết, trong vòng 3 - 5 năm tiếp theo, Hãng đặt mục tiêu có 10 - 15 cửa hàng chuẩn trên khắp Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống hàng trăm cửa hàng rộng khắp cũng sẽ nhanh chóng xuất hiện, hướng tới khai thác thị trường làm đẹp, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Hiện thương hiệu này đã có 3 cửa hàng tại Việt Nam, chủ yếu tại các trung tâm thương mại quy mô lớn ở TP.HCM.

Ông Kiyoo Matsumoto đặt mục tiêu, Matsumoto Kiyoshi sẽ trở thành chuỗi mà người dân Việt Nam muốn ghé đến mỗi tuần một lần. Theo đó, chuỗi sẽ bán hàng với giá cả phải chăng, nhiều chương trình khuyến mãi. Theo nghiên cứu của nhãn hàng Nhật này, thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng ở Việt Nam có mức tăng trưởng lên đến 56%/năm.

Nắm bắt được xu hướng đó, bên cạnh việc dồn lực cho chuỗi nhà thuốc Long Châu, FPT Retail quyết định thử sức ở mảng dược, mỹ phẩm thông qua cửa hàng mới với tên gọi F.Beauty, chuyên kinh doanh mỹ phẩm nhập ngoại.

Như vậy, khi thu nhập bình quân đầu người tăng cao và người dân nhận thức tốt hơn về các vấn đề sức khỏe, những chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ tương tự như bách hóa tiêu dùng trước đây.

Theo Công ty PwC, năm 2022 có thể là một năm phục hồi của các hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trên toàn cầu sau 2 năm bùng phát dịch Covid-19, giá trị các thương vụ M&A ngành dược trên toàn cầu dự kiến tăng 32% so với năm 2021.

Hoạt động tìm kiếm thương vụ M&A cũng đang được các công ty dược phẩm đẩy nhanh khi họ đã giữ một lượng tiền mặt dồi dào tích lũy được trong giai đoạn nhu cầu thuốc tăng cao do dịch bệnh.

Do đó, các công ty dược niêm yết của Việt Nam với cơ cấu cổ đông hợp nhất, tỷ lệ thả nổi thấp và được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý sẽ có định giá cố định ở mức cao, từ đó tạo ra “hầm trú ẩn” an toàn cho nhà đầu tư trong thời kỳ thị trường biến động như hiện tại.

Tin bài liên quan