Chuỗi Bách Hóa Xanh kỳ vọng có lãi năm 2021 nhưng đang chịu phản ứng vì tăng giá mùa dịch

Chuỗi Bách Hóa Xanh kỳ vọng có lãi năm 2021 nhưng đang chịu phản ứng vì tăng giá mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trên mạng xã hội gần đây liên tục thể hiện quan điểm tẩy chay chuỗi Bách Hóa Xanh của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã chứng khoán MWG - sàn HOSE) liên quan tới việc tăng giá các hàng hóa thiết yếu mùa dịch.

Được biết, chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) được Thế giới Di động (TGDĐ) đưa vào kinh doanh từ năm 2016 và bắt đầu tạo doanh thu từ năm 2017 tới nay.

Cơ cấu doanh thu của MWG theo chuỗi

Cơ cấu doanh thu của MWG theo chuỗi

Theo báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh hàng năm và 5 tháng đầu năm 2021, chuỗi BHX liên tục gia tăng giá trị và tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu của TGDĐ. Ngược lại, xét về doanh thu, chuỗi TGDĐ có dấu hiệu giảm dần doanh thu theo thời gian và đạt đỉnh năm 2018, sau đó bắt đầu giảm trở lại; chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) vẫn đóng góp tốc độ tăng trưởng tốt về doanh thu, tuy nhiên cũng có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại từ năm 2019 tới nay.

Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu chuỗi TGDĐ tăng 8%, doanh thu chuỗi ĐMX tăng 1% và doanh thu chuỗi BHX tăng 36%. Như vậy, có thể thấy nếu xét về doanh thu, chuỗi BHX đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng và ngày một chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu.

Được biết, tại Đại hội cổ đông năm 2021, ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG cho biết: “Đến hết năm 2020, chuỗi BHX đã đạt được doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng, ở tầm vóc này lợi nhuận mà chuỗi sinh ra đã bù đắp toàn bộ chi phí của cửa hàng và chi phí trung tâm phân phối (DC) trước khấu hao. Còn 2 khoản chưa bù đắp được là khấu hao và chi phí chung. Trong năm 2021, mục tiêu của BHX là tiền lãi tạo ra sẽ bù đắp được chi phí cửa hàng, chi phí trung tâm phân phối và chi phí chung trước khấu hao (EBITDA)”.

Như vậy, mục tiêu của MWG trong năm 2021 là đưa chuỗi BHX có lãi trước khấu hao, lợi nhuận của MWG trong năm vẫn đến chủ yếu dựa trên hai chuỗi là TGDĐ và ĐMX.

Tuy nhiên, với diễn biến giãn cách xã hội, chuỗi BHX là chuỗi duy nhất được kinh doanh trong giai đoạn giãn cách xã hội, điều này có thể giúp chuỗi có thể sớm đạt được mức EBITDA hơn kỳ vọng của ban lãnh đạo.

Giãn cách xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới hai chuỗi tạo lợi nhuận chính của MWG

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, từ ngày 19/7, có 16 tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trái với chuỗi BHX được kinh doanh, hai chuỗi ĐMX và TGDĐ buộc phải đóng cửa ở một số tỉnh khu vực phía Nam khi áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt là thị trường TP.HCM, với hơn 10 triệu dân và là thị trường tiêu thụ quan trọng trong cả nước ở mọi mặt hàng.

Chuỗi ĐMX và TGDĐ là hai chuỗi đã đóng góp đà tăng trưởng chính của MWG trong nhiều năm trở lại đây, cũng như bù đắp khoản lỗ khi chuỗi BHX vẫn chưa có lãi.

Được biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, MWG báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 2.172 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ và hoàn thành 45,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Theo ước tính tới cuối tháng 5/2021, MWG có 630 cửa hàng TGDĐ/ĐMX nằm trong khu vực phong tỏa và giãn cách xã hội phải đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng, chiếm 0,24% tổng số cửa hàng TGDĐ/ĐMX.

Với diễn biến dịch phức tạp của dịch ở khu vực phía Nam, dự kiến số cửa hàng chịu ảnh hưởng tiêu cực sẽ tăng lên trong giai đoạn cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021. Nếu dịch không sớm được kiểm soát và việc thực hiện Chỉ thị 16 kéo dài, kết quả kinh doanh của MWG sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong quý III/2021 do ảnh hưởng của hai chuỗi đóng góp lợi nhuận chính là TGDĐ và ĐMX.

Khả năng hoàn thành kế hoạch của MWG từ 2015 tới nay

Khả năng hoàn thành kế hoạch của MWG từ 2015 tới nay

Ngoài ra, nếu nhìn từ năm 2015 tới 2020, trung bình doanh nghiệp thường hoàn thành 111% kế hoạch lợi nhuận trong 6 năm. Trong đó, mức thấp nhất là năm 2017 hoàn thành 100,3% và cao nhất là năm 2015 là 121,4% kế hoạch năm.

Các năm trở lại đây tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm dao động vượt từ 7,4% - 13,6%. Như vậy, doanh nghiệp trong điều kiện bình thường đã đặt kế hoạch lợi nhuận tương đối sát với diễn biến thực tế. Do đó, với điều kiện kinh doanh gián đoạn như hiện nay, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm nay của MWG là rất khó khăn.

Trên sàn chứng khoán, MWG là doanh nghiệp hiếm hoi liên tục thực hiện chia ESOP đều hàng năm cho ban lãnh đạo dựa trên kết quả kinh doanh.

Số lượng cổ phiếu ESOP thực tế phát hành trong năm lần lượt là: Năm 2015 phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP, năm 2017 phát hành 9,2 triệu cổ phiếu ESOP, năm 2018 phát hành 12,7 triệu cổ phiếu ESOP, năm 2019 phát hành 50.000 cổ phiếu ESOP, năm 2020 phát hành 9,7 triệu cổ phiếu ESOP và năm 2021 đã phát hành 22,2 triệu cổ phiếu ESOP đầu năm.

Trong năm 2021, doanh nghiệp dự kiến sẽ chia ESOP cho ban lãnh đạo nếu lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tối thiểu từ 10% trở lên, tối đa là 3% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành, nhưng không quá 21,5 triệu cổ phiếu.

Như vậy có thể thấy, hai chuỗi TGDĐ và ĐMX đóng góp lợi nhuận chính cho MWG, tuy nhiên đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ giãn cách xã hội. Trong khi đó, chuỗi BHX mặc dù chưa có lãi nhưng lại đang chịu làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng.

Sáng 17/7, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng đã lập biên bản đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, khóm 8, phường 3, TP. Sóc Trăng bán một số mặt hàng cao hơn so với giá niêm yết.

Hiện, Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản vi phạm hành chính vụ việc, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định.

Chiều tối 18/7, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn vì lỗi Bán hàng không niêm yết giá và bán giá cao hơn niêm yết.

Quyết định được đưa ra sau khi vào chiều cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Ngô Quyền, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột.

Tin bài liên quan