Chung tay phát triển thị trường bền vững

Chung tay phát triển thị trường bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển lành mạnh và bền vững hơn, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

Trụ vững qua khó khăn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong năm 2022 diễn biến phức tạp. Chỉ số VN-Index lập đỉnh lịch sử với 1.528,57 điểm (giá đóng cửa) vào ngày 6/1/2022, nhưng sau đó đã bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh và đạt mức đóng cửa thấp nhất vào ngày 15/11/2022, với 911,9 điểm. Đóng cửa phiên cuối năm, VN-Index dừng lại ở 1.007,09 điểm, giảm gần 32,8% so với cuối năm 2021. Giá trị vốn toàn thị trường ước đạt 5.278.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021 và tương đương 62,2% GDP.

Cùng với diễn biến không tích cực của điểm số, thanh khoản thị trường cũng giảm đáng kể trong năm qua. Giá trị giao dịch bình quân năm đạt khoảng 20.360 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 23% so với năm trước.

TTCK Việt Nam trong năm 2022 biến động tương đối mạnh do chịu tác động trước xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu và trong nước để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, một số vụ việc và biểu hiện không lành mạnh trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, như thao túng thị trường, che giấu thông tin, trục lợi… đã được cơ quan thẩm quyền phát hiện, xử lý quyết liệt nhằm thanh lọc và minh bạch thị trường, trong ngắn hạn ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Ngày 9/1/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với bà Vũ Thị Chân Phương.

Ngày 9/1/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với bà Vũ Thị Chân Phương.

Tuy vậy, năm qua cũng là năm quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2022, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.970.000 tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021. Cả năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,6 triệu tài khoản chứng khoán, con số kỷ lục trong 22 năm hoạt động của thị trường. Con số này thậm chí còn vượt qua tổng số lượng tài khoản mở mới của 6 năm từ 2016 - 2021 cộng lại. Tính đến cuối năm 2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt 6,8 triệu tài khoản, tương đương khoảng 6,8% dân số.

Trong năm 2022, sau khi thực hiện bán ròng quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có động thái quay lại mua ròng mạnh trong những tháng cuối năm. Tính cả năm, khối ngoại đã mua ròng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,16 tỷ USD trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Sự quay lại của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy định giá cổ phiếu của Việt Nam đang ở mức hấp dẫn cho chiến lược đầu tư trung và dài hạn của khối ngoại, đồng thời phản ánh sự lãnh đạo đúng đắn, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành chính sách của Chính phủ.

Thị trường trái phiếu chính phủ vẫn duy trì sự ổn định, tiếp tục là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ. TTCK phái sinh diễn biến sôi động, tiếp tục trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư. Thanh khoản của thị trường chứng quyền có đảm bảo cũng tăng mạnh với khối lượng giao dịch.

Nhìn chung, mặc dù có nhiều biến động, song năm 2022, TTCK trong nước vẫn giữ được hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt. Huy động vốn trên thị trường vẫn đạt ở mức cao, đa số các doanh nghiệp niêm yết hoạt động ổn định, có lãi. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Củng cố nền tảng, hỗ trợ thị trường “tăng chất”

TTCK phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là kinh tế vĩ mô, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của công chúng đầu tư.

Trong thời gian tới, những áp lực từ lạm phát sẽ tiếp tục khiến mặt bằng lãi suất gia tăng, căng thẳng địa chính trị cũng như khó khăn từ chuỗi cung ứng nguyên liệu và năng lượng… dự báo sẽ còn tác động không tích cực tới nền kinh tế nói chung và TTCK toàn cầu nói chung. Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động tương tự. Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn có những yếu tố tích cực, kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hồi phục và tăng trưởng.

Cơ quan quản lý tiếp tục cơ cấu lại TTCK dựa trên 4 trụ cột: tổ chức thị trường, cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo được duy trì ở mức cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Cùng với đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết đã cho thấy sức chống chịu tốt và khả quan.

Chính phủ và các cơ quan quản lý thời gian gần đây đã có những chỉ đạo quan trọng để tháo gỡ khó khăn về thanh khoản dòng tiền trong nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, có giải pháp để hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, thị trường bất động sản… Đây là những yếu tố nội tại quan trọng, kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường trong thời gian tới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương, tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, TTCK là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, do đó, với các dự báo về nền tảng kinh tế vĩ mô và sức khỏe cả doanh nghiệp năm 2023, chúng ta có cơ sở để kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ có sự hồi phục và phát triển ổn định hơn trong năm tới.

“Với cơ quan quản lý, yếu tố quan trọng nhất thị trường phát triển ổn định, an toàn, thông suốt, minh bạch, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương. TTCK sẽ vận động khách quan theo quy luật của thị trường, quan trọng nhất là chất lượng phát triển, duy trì được thanh khoản, hỗ trợ được doanh nghiệp huy động vốn, khơi thông kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế”, bà Phương nhấn mạnh.

Chủ tịch UBCK cho biết, năm 2023, cơ quan quản lý sẽ tăng cường tính chủ động để đưa ra các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, thông suốt, trong đó ưu tiên các giải pháp để tăng chất lượng phát triển cho thị trường, tạo bước chuyển cho thị trường những năm tiếp theo.

Theo đó, UBCK sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; xây dựng các kế hoạch, giải pháp đồng bộ, cụ thể để triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 khi được Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, cơ quan quản lý tiếp tục cơ cấu lại TTCK dựa trên 4 trụ cột: tổ chức thị trường, cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để có giải pháp tăng cường chất lượng thông tin tài chính cũng như chất lượng dịch vụ, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty kiểm toán…

Cũng theo bà Vũ Thị Chân Phương, UBCK tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, trong đó cho phép thành lập quỹ đầu tư chứng khoán mới đủ điều kiện theo quy định, tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm..., góp phần xây dựng TTCK ổn định, bền vững, giảm các “dư chấn” không mong muốn trước các tác động vĩ mô và tâm lý lên TTCK.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan quản lý trong năm 2023. UBCK sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, giám sát thị trường, cũng như phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường”, bà Phương thông tin thêm.

Cùng với đó, nhằm tăng cường sự vận hành minh bạch, hiệu quả của thị trường, UBCK sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát các công ty chứng khoán, thực hiện đúng và đầy đủ vai trò là chủ thể giám sát tuyến đầu để kịp thời ngăn ngừa và phát hiện sớm các vi phạm trên thị trường.

Song song với đó, UBCK cũng cho biết sẽ có những cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Đoàn kết, hiệp lực, sáng tạo để khơi dậy dư địa còn rất lớn của TTCK

Ngày 9/1/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đối với bà Vũ Thị Chân Phương.

Bà Phương là cán bộ được đào tạo chính quy, trải qua nhiều vị trí công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tại lễ trao quyết định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc gửi gắm: “Tôi mong rằng đồng chí Vũ Thị Chân Phương cùng Ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành chứng khoán tiếp tục đoàn kết để tạo nên sức mạnh, phát huy truyền thống, thành quả đã đạt được, vượt qua khó khăn để xây dựng thị trường chứng khoán ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn”.

Tin bài liên quan