Người trẻ dễ mắc phải cái bẫy tiêu dùng hấp dẫn

Người trẻ dễ mắc phải cái bẫy tiêu dùng hấp dẫn

Chúng ta đã hưởng thụ quá nhiều?

(ĐTCK) Khi Covid-19 đã tạm thời được khống chế, mọi thứ đang dần trở lại với quỹ đạo vốn có, thì một câu hỏi đặt ra khiến không ít người băn khoăn: Phải chăng chúng ta đã hưởng thụ quá nhiều?

Tỉnh nhờ Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào hầu hết các thành phần trong xã hội, từ doanh nghiệp lớn nhỏ, cho đến cuộc sống của mỗi người. Nhiều người, khi dịch ập đến, lệnh cách ly xã hội được kích hoạt, thu nhập bị giảm sút mới chợt nhận ra: lâu nay mình tiêu pha quá nhiều mà quên việc tích lũy.

Ở bình diện khác, chuyện để dành, lương khô của nhiều doanh nghiệp cũng chẳng dư dả gì. Có đến khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản trong cả nước đóng cửa, hoặc tạm dừng hoạt động. Rõ ràng, nếu có tài chính tốt, tiền dắt lưng nhiều, chắc hẳn đâu đến nỗi.

Xin bắt đầu bằng câu chuyện mà ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CenGroup chia sẻ mới đây.

Ông Vũ bảo, đã nhận thấy một nỗi sợ hãi bao trùm khắp nơi và điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà cả các nước trên thế giới. Sân bay vắng người, khách sạn đầy phòng trống… Cú đánh trời giáng lần này đã khiến hành vi của những người trẻ tuổi thuộc lứa 8x, 9x quay trở lại giống như thế hệ 5x, 6x trước đây.

“Covid-19 khiến tôi nhận ra, con 'virus tiêu dùng' khủng khiếp thế nào khi rất nhiều người thuộc thế hệ 8x, 9x làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, không hề có tích lũy. Vì thế, khi gặp dịch lần này, họ bị sốc nặng. Thói quen tiêu dùng cho những thứ xa xỉ, để trưng diện, sống ảo, du lịch đây đó đã làm cạn hầu bao của nhóm này. Với họ, con 'virus tiêu dùng' khiến các chi tiêu tập trung cho nhu cầu xa xỉ, chứ không phải đáp ứng nhu cầu thiết yếu như nhiều thế hệ khác”, ông Vũ nhấn mạnh.

Cùng chung một băn khoăn về câu chuyện văn hóa tiêu dùng, ông Nguyễn Việt Thung, Tổng giám đốc TMS Group cho rằng, hiện có không ít người có thói quen tiêu dùng theo kiểu tiêu trước, trả sau, ít tích lũy. Với nhóm bạn trẻ này, rõ ràng cơ hội để sở hữu căn hộ hay bất động sản là thấp hơn nhiều, bởi đây là loại hàng hóa giá trị lớn.

“Thế hệ chúng tôi đã trải qua một vài khủng hoảng nên cũng trưởng thành và bản lĩnh hơn. Kinh nghiệm cá nhân tôi là không bao giờ được đếm cua trong lỗ, không bao giờ được nghĩ ngày hôm nay cũng như ngày hôm qua. Những thành công ngày hôm qua không đảm bảo cho thành công tương tự ở ngày hôm nay. Cuộc sống lúc nào cũng có những rủi ro mới, mỗi người phải tính đến chuyện phòng ngừa bằng bệ đỡ gì, bằng nguồn lực nào. Cá nhân hay doanh nghiệp cũng vậy. Riêng đại dịch lần này, tôi nghĩ, cũng khiến nhiều người trở nên thực tiễn hơn, biết điều tiết tham vọng của mình hơn. Rõ ràng, câu chuyện tiêu trước, trả sau có thể dễ chịu trong tình trạng mọi thứ bình thường, chứ có dịch thì sẽ rất vất vả”, ông Thung chia sẻ.

Bẫy tiêu dùng

Cuộc sống hiện đại với vô vàn tiện ích mua sắm, mà các nhà tiếp thị tài ba thì luôn biết cách khiến cho các thượng đế phải xốn xang với mỗi mẩu quảng cáo, mỗi chiến dịch bán hàng đính kèm theo hai từ “giảm giá”, hay “khuyến mãi”.

Cùng với đó, các ngân hàng, công ty tài chính luôn sẵn sàng bơm tiền để thỏa mãn cơn khát thèm mua sắm. Tất cả dường như quá hoàn hảo để hình thành nên thói quen tiêu trước, trả sau, mua đồ trả góp.

Báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây cho biết, có đến khoảng 10% hợp đồng mua nhà đứng trước nguy cơ bị người mua đề nghị thanh lý sớm vì dịch Covid-19. Đương nhiên, trước một đại dịch như Covid lần này, hậu quả là quá rõ ràng, nhưng ai có thể khẳng định rằng trong số đó, không có những trường hợp mà công tác lên kế hoạch tài chính còn bị động, hay tiền tiết kiệm chưa đủ nhiều và phải đem ra tiêu sài. Dù có vẻ khiên cưỡng, nhưng nó cũng ít nhiều liên quan đến câu chuyện tiêu pha thời “bình ổn”.

Hiện nay, những người có thói quen tiêu trước, trả sau, ít tích lũy lại chủ yếu rơi vào những người trẻ tuổi.

Chúng ta đã hưởng thụ quá nhiều? ảnh 1

Sở hữu nhà ở sẽ ngày càng khó với thế hệ Y do thói quen tiêu dùng. Ảnh: Thành Nguyễn

Theo khảo sát thế hệ Thiên niên kỷ toàn cầu 2019 của Deloitte, thì thế hệ Millennial (còn gọi là thế hệ Y - chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) xem trọng những trải nghiệm. 50% trong số họ sẵn sàng chi tiền ra mua các sản phẩm cá nhân hóa và 70% sẵn sàng chi trả thêm 10 - 50% giá trị để sản phẩm được mang dấu ấn của riêng mình.

Hiện Việt Nam có khoảng 35% dân số thuộc thế hệ này. Thế hệ Y đang là đối tượng có quy mô lớn nhất, sức mua mạnh nhất trong xã hội, là phân khúc theo độ tuổi mà rất nhiều thương hiệu đang nhắm tới.

Hùng, một thanh niên thế hệ Y cho biết, chỉ cần anh một lần tìm kiếm trên mạng internet về một sản phẩm nào đó, những ngày sau, anh sẽ liên tục nhận được các quảng cáo liên quan. Dù đôi khi điều này khiến những người như Hùng thấy phiền phức, nhưng bù lại, cũng có cả cảm giác mình được săn đón.

Điều này không quá khó để hiểu. Ngày nay, việc nắm bắt hành vi tiêu dùng, sự quan tâm, giới tính, độ tuổi, khu vực sống của khách hàng… đã trở nên vô cùng đơn giản. Các mạng xã hội lớn đều có những thông tin cơ bản này và nó được tận dụng để thực hiện các chiến dịch marketing, truyền thông bám đuổi.

Trao đổi với người viết, chị Hoài Thu, nhân viên của một công ty tài chính lớn cũng cho biết, có một đặc điểm chung khác ở những người tiêu dùng trẻ tuổi, đó là nhiều người không ý thức được rằng họ đã tiêu tiền như thế nào. Cần họ vay, rồi “cày” để trả nợ. Có khi vừa hết nợ, thậm chí nợ cũ chưa trả hết nhưng vẫn sẵn sàng vay để mua sắm, đi du lịch với bạn bè…

Phân tích về tâm lý tiêu dùng của nhóm thượng đế hào phóng này, chị Thu cho rằng, thường khách hàng nhóm này sẽ ưu tiên các sản phẩm, dịch vụ mang đến niềm vui trước mắt. Ưu tiên nhiều cho các nhu cầu ngắn hạn khiến các nhu cầu dài hạn, cho sự phát triển lâu dài bị trì hoãn. Điển hình nhất là việc tiết kiệm và đầu tư. Rõ ràng, một người thường xuyên tiêu xài sẽ không có tiền tiết kiệm, tiền đầu tư, từ đó khó có thể có được một nguồn lực tài chính vững mạnh.

Đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ đang có thói quen tiêu dùng như trên, chị Thu cho biết, thói quen tiêu xài ban đầu là mạng nhện, sau là sợi dây thừng. Và khi hình thành rồi thì không dễ thay đổi. Mỗi bạn trẻ cũng cần biết rằng, tiết kiệm cũng là một bước trong tiến trình làm giàu. Và để có thể chủ động tài chính, thì câu chuyện tiết kiệm là điều không thể không làm càng sớm càng tốt.

Trong một nghiên cứu của Savills hơn 1 năm trước, đơn vị này đã nêu lên một thực trạng, người trẻ khó có thể mua nhà nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, người thân (chưa nói đến chuyện vay ngân hàng). Câu chuyện hiện nay có lẽ không khác là mấy khi Việt Nam cũng đang trong xu thế chung của toàn thế giới, tỷ lệ sở hữu nhà ở của độ tuổi Y ngày càng giảm.

Chẳng hạn, năm 2018, tại Australia, số lượng người trong độ tuổi 25 - 34 chỉ chiếm 45% tổng số người sở hữu nhà (tỷ lệ này đã từng là 58% vào năm 1986). Hay tại Mỹ, tỷ lệ này chỉ là 31% (cho những người dưới 35 tuổi), trong khi năm 1995 đạt mức 39%.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan