Chứng sĩ và chuyện vĩ mô

Chứng sĩ và chuyện vĩ mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tay bạn tôi vốn thờ ơ với thời cuộc, ấy mà từ ngày ngã vào chứng cháo, tính tình bỗng dưng đổi khác. Lạ lạ là…

Chuyện từ một chứng sĩ

Bập vào trò chơi ba chữ cái được chừng 2 năm, điều đổi thay rõ nhất mà tôi thấy ở ông bạn, đó là trong cách nói chuyện, trong cái thói quen đề cập đến những điều lớn lao, vĩ đại.

Trước, trong các cuộc trà dư tửu hậu, chuyện phiếm của cánh đàn ông chúng tôi là việc kiếm tiền, rồi chuyện “chim - hoa - cá - gái”... Ấy mà dần dà, trong những buổi ngồi với hắn, tôi thấy hắn nói nhiều đến kinh tế, đến vĩ mô, đến xuất nhập khẩu, rồi lãi suất, tỷ giá các kiểu. Thậm chí, chẳng còn “ếch ngồi đáy giếng”, câu chuyện còn vươn ra cả tầm thế giới, từ chính sách lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), các ngân hàng trung ương cho đến việc bầu cử ở tận nửa kia bán cầu.

Ngày trước, nghe câu “Ăn cơm khoai, nói chuyện thế giới” tưởng đùa, giờ nó hiện hữu ngay trước mắt.

Hôm rồi gặp, hắn bảo, ông nghĩ Biden (Đảng Dân chủ) hay Trump (Đảng Cộng hòa) thắng, chứ tôi thì tôi cho rằng, Trump mà thắng thì kinh tế Mỹ, mà rộng ra là toàn cầu lại có nhiều chuyển biến, “mặt hồ phẳng lặng” chắc lại sẽ bị khuấy lên đục ngầu cho mà xem. Rồi chứng cháo nữa, chắc lại có đầy pha trồi lên, sụt xuống.

Thấy mặt tôi hơi ngơ ngơ, hắn bảo, với dân đầu tư, những biến chuyển lớn về chính trị sẽ đi kèm với các thay đổi trên thị trường tài chính, mà từ lâu, bầu cử Tổng thống Mỹ là một dạng sự kiện như vậy. Rồi thì, nền kinh tế mở cửa, thị trường tài chính liên thông, sự đồng điệu với môi trường quốc tế sẽ khiến cho chứng khoán Việt Nam có những nhịp đập tương đồng.

Bói chuyện tương lai

Nhưng, trong chuyện vĩ mô, dự báo cũng chỉ có tính tham khảo, cuộc "đấu tay đôi" tại Mỹ vẫn là 2 đảng chính, nhưng đương kim Tổng thống Biden đã rút lui.

Theo nhóm nghiên cứu của JPMorgan, trong ngắn hạn, thị trường có xu hướng phản ứng tích cực hơn ngay sau chiến thắng của một tổng thống Đảng Cộng hòa. Nguyên nhân có thể xuất phát từ quan điểm rằng, các chính sách của đảng này thân thiện với thị trường hơn.

Các nhà phân tích cũng phát hiện ra rằng, thị trường chứng khoán Mỹ tăng trung bình khoảng 5% khi một đảng mới lên nắm quyền, so với mức 6,5% nếu tổng thống đương nhiệm tái đắc cử.

Nhiều nhà đầu tư tin rằng, chiến thắng của ông Donald Trump là tin tốt đối với cổ phiếu, bởi ông luôn coi trọng thị trường chứng khoán.

Trong nước, báo cáo chiến lược năm 2024 do Công ty Chứng khoán MB (MBS) phát hành đề cập tới các động lực tăng trưởng đến từ những chỉ báo mang tính lịch sử. Theo MBS, với thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index 5 lần gần nhất trong năm diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ có tới 4 lần tăng điểm, với hiệu suất trung bình xấp xỉ 24%, lần giảm điểm còn lại rơi vào năm 2008 (xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Do đó, MBS cho rằng, nhà đầu tư có thể nghiêng về kịch bản tăng điểm cho cả thị trường Mỹ và Việt Nam trong năm 2024.

Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm nay là năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Joe Biden, việc bầu cử sẽ kết thúc vào đầu tháng 11/2024 và bầu ra tổng thống nhiệm kỳ 2025 - 2028. Nếu nhìn lại 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây nhất, từ năm 2009, tất cả các năm cuối của nhiệm kỳ, thị trường chứng khoán đều tăng điểm. Từ đầu năm tới nay, chỉ số Dow Jones đã tăng 3% và trong năm cuối của các nhiệm kỳ trước, mức tăng ít nhất cũng trên 7%.

“Do vậy, năm nay, tôi cho rằng, chỉ số Dow Jones sẽ tăng thêm khoảng 2.500 - 3.000 điểm nữa từ mốc này và kết thúc năm quanh mức 41.000 điểm”, bà Lan Anh dự báo, đồng thời cho rằng, thị trường chứng khoán thế giới sẽ ít biến động trong nửa cuối năm 2024 và triển vọng khép lại năm với đà tăng điểm.

Cảm xúc đầu tư

Nếu nhìn lại 4 nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây nhất từ 2009, tất cả các năm cuối của nhiệm kỳ đều là năm tăng điểm, năm 2024 là năm cuối và hiện giờ, chỉ số Dow Jones tăng được 3% và trong các chu kỳ năm trước, ở năm cuối ít nhất cũng tăng trên 7%.

Quay trở lại với câu chuyện của anh bạn nọ, có lần tôi hỏi: "Có phải những người chơi chứng khoán đều rất coi trọng đại cuộc như ông?"

Hắn trả lời: Với người đầu tư tài chính, ngoài câu chuyện thường nhật về tình hình của doanh nghiệp, của ngành…, một vấn đề luôn được quan tâm là bối cảnh vĩ mô. Lồng ghép tất cả các yếu tố trên với nhau và đặt trong từng hoàn cảnh cụ thể để có thể phán đoán phần nào diễn biến của thị trường, từ đó có được cho mình những chiến thuật đầu tư hợp lý.

“Nếu chỉ nhìn vào bản thân doanh nghiệp, cổ phiếu, định giá… mà không đặt trong bối cảnh chung của thị trường thì cũng giống như chỉ thấy một cái cây mà không thấy được cả cánh rừng, rất dễ có những đánh giá phiến diện, từ đó rủi ro đầu tư cũng cao hơn. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán giữ thói quen quan sát rộng, nhìn đa chiều”, anh bạn nói.

Trò chuyện với một chuyên gia kinh tế về chủ đề đầu tư tài chính và câu chuyện vĩ mô, người viết được chia sẻ rằng, thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vốn rất nhạy cảm với các thông tin vĩ mô, chính sách... Do đó, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thị trường chứng khoán trong nước thường “đồng điệu” với các thị trường lớn trên thế giới. Nhà đầu tư thường quan sát các thị trường này và xem đây như là một chỉ báo để tham khảo.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, không ít lần thị trường chứng khoán Việt Nam có phản ứng trái ngược với thị trường quốc tế và “đi một lối riêng”, điều này đồng nghĩa với việc có không ít nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng khi coi vĩ mô thế giới là chỉ báo quan trọng. Do đó, không có điều gì là đúng tuyệt đối trên thị trường, nếu có, chỉ là sự hợp lý mà thôi.

“Ngoài dữ liệu vĩ mô, kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm, nhà đầu tư còn cần cả những điều khá mơ hồ và khó kiến giải, kiểu như một loại giác quan đầu tư để nhận biết các cơ hội, rủi ro. Nói cách khác, đó là một loại rung động mà chỉ những người từng trải, từng nếm mật nằm gai cùng thị trường mới cảm nhận được”, vị chuyên gia trên nhấn mạnh.

Tin bài liên quan