“Bật tín hiệu” hạ lãi suất
Chủ tịch Fed ông Jerome Powell đã chia sẻ tại hội nghị kinh tế ở Jackson Hole, bang Wyoming (Mỹ), hồi cuối tháng 8 rằng Fed sắp bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất, với thời điểm và tốc độ nới lỏng phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế.
"Đã đến lúc để điều chỉnh chính sách", lãnh đạo Fed phát biểu tại cuộc họp thường niên của Fed. "Hướng đi đã rõ ràng và thời điểm cũng như tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới, triển vọng cũng như sự cân bằng về rủi ro" - ông Jerome cho biết.
Trong giai đoạn vừa qua, đồng USD không chỉ là đồng tiền chủ chốt trong nền thương mại quốc tế mà còn là trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu. Với vai trò là đơn vị thanh toán chính trong hầu hết các giao dịch xuất nhập khẩu, đồng bạc xanh trở thành yếu tố quyết định trong mọi hoạt động kinh tế.
Quyền lực duy nhất để điều chỉnh lãi suất USD thuộc về Fed - cơ quan có thể làm thay đổi cục diện của thị trường tài chính toàn cầu. Khi Fed điều chỉnh lãi suất, không chỉ sức mạnh của đồng USD bị ảnh hưởng mà còn kéo theo những biến động lớn trong nền kinh tế thế giới. Điều này càng rõ ràng khi các mặt hàng thiết yếu như dầu và vàng đều được định giá theo USD. Do đó, mỗi quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed đều có khả năng định hình cả bức tranh kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo của Bộ lao động Mỹ được công bố trong ngày 14/08/2024, trong tháng 7/2024 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2021. Dữ liệu này thực sự đáng khích lệ và sẽ tạo thêm niềm tin cho Fed trong việc bắt đầu quá trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, quyết định hạ lãi suất của Fed trong tháng 9 tới sẽ còn phụ thuộc vào các chỉ số quan trọng khác bao gồm chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7, dự kiến sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 31/8, hồ sơ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 8 dự kiến công bố vào ngày 6/9.
Theo dự báo của CME GROUP (ngày 16/09), 59% khả năng Fed sẽ hạ 0.5 điểm cơ bản về mức 4.75% - 5% và 41% khả năng Fed hạ 0.25 điểm cơ bản về mức 5%-5.25%.
Chứng khoán trong nước sẽ phản ứng ra sao?
Theo chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, nếu lãi suất USD giảm, nhà đầu tư sẽ có xu hướng tăng cường đầu tư vào các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, tạo ra lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Bên cạnh đó, nếu Fed giảm lãi suất cũng làm giảm sức ép USD tăng giá từ đó kích thích dòng tiền đầu tư đổ vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
Lúc này, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được hưởng lợi, mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Khi dòng tiền chảy vào, các ngành kinh tế cảm nhận được những tín hiệu tích cực từ lượng vốn đầu tư gia tăng. Doanh nghiệp mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động, lợi nhuận tăng lên sẽ kích thích sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Trong bối cảnh ấy, chuyên gia VPS khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên sử dụng chiến lược đầu tư tập trung vào các nhóm ngành vốn hóa lớn, được định giá hấp dẫn hoặc rẻ hơn so với lịch sử với khả năng hấp thụ dòng tiền mạnh mẽ và có triển vọng hồi phục lợi nhuận, như ngân hàng,bán lẻ và tiêu dùng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trước những biến động ngắn hạn đặc biệt khi chưa có thông tin chính thức nhằm bảo vệ tỷ suất sinh lời kỳ vọng.
“Nhìn chung, sự điều chỉnh lãi suất của Fed tạo ra những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Để tận dụng hiệu quả những thay đổi này, nhà đầu tư cần có sự nhạy bén kết hợp với những chiến lược đầu tư thông minh” - chuyên gia VPS cho biết. (*)
(*) Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Bài viết không mang tính chất mời chào hay bán bất kỳ chứng khoán nào, nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong bài viết này.