Lợi thế của sản phẩm covered warrant là có thể áp dụng được ngay trên nền hạ tầng kỹ thuật của thị trường hiện nay.

Lợi thế của sản phẩm covered warrant là có thể áp dụng được ngay trên nền hạ tầng kỹ thuật của thị trường hiện nay.

Chứng quyền có đảm bảo: Lãi vô hạn, lỗ giới hạn

(ĐTCK) Chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) kỳ vọng sẽ sớm được áp dụng trên thị trường bởi sản phẩm phái sinh đơn giản này có tính hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ đặc điểm ít rủi ro, nhưng mang lại tỷ suất lợi nhuận lớn. 

Tại Hội thảo lấy ý kiến các thành viên thị trường cho dự thảo Thông tư hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) tổ chức cuối tuần qua, TSKH Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, việc xây dựng dự thảo đã đi đến giai đoạn cuối và lợi thế của sản phẩm này là có thể áp dụng được ngay trên nền hạ tầng kỹ thuật của thị trường hiện nay.

Các CTCK đều cho rằng, chỉ cần vài buổi tập huấn cho nhà đầu tư là có thể triển ngay được sản phẩm này. Ông Nguyễn Kim Long, Phụ trách Pháp chế CTCK SSI cho biết, để chuẩn bị góp ý cho dự thảo thông tư này, SSI đã họp nội bộ và phản ứng của môi giới và khách hàng rất tích cực bởi covered warrant dễ hiểu với nhà đầu tư và có ưu thế “lãi vô hạn và lỗ giới hạn”, nếu lỗ nhà đầu tư chỉ lỗ trên khoản tiền bỏ ra như đầu tư chứng khoán thông thường. Vì thế, ông Kim Long đề nghị nên bỏ quy định NĐT phải ký cam kết chịu rủi ro trước khi đầu tư. Kiến nghị này được Phó chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long cho rằng hợp lý.

Một vấn đề mà đại diện SSI muốn Ban soạn thảo lưu tâm khi quy định các điều kiện tổ chức phát hành covered warrant để sản phẩm hấp dẫn. Nếu đặt điều kiện tổ chức phát hành không phải là người biết thông tin nội bộ của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở trong vòng 6 tháng thì khi phát hành covered warrant, CTCK phải cân nhắc lựa chọn với tư vấn, tự doanh, môi giới… xem làm cái nào có lợi hơn.

Chẳng hạn, nếu làm tư vấn thì không được phát hành covered warrant trong vòng 6 tháng tiếp. Hay như quy định CTCK phải ký quỹ 30% giá trị covered warrant  phát hành trong ngân hàng lưu ký cũng buộc CTCK phải cân nhắc số tiền đó đưa vào margin hay tự doanh chứng khoán cơ sở có lợi hơn.

Ông Long nhấn mạnh, tỷ lệ  ký quỹ 30% giá trị chứng quyền trong dự thảo theo thông lệ quốc tế là rất nhỏ so với giá trị chứng khoán cơ sở.

“Covered warrant rủi ro với tổ chức phát hành rất lớn, nên nguyên tắc là nguồn gốc phát sinh rủi ro ở đâu thì cơ quan quản lý phải tìm cách để hạn chế ở đó, tránh rủi ro cho cả hệ thống. Chúng tôi còn đang e ngại con số này chưa đủ để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, ban soạn thảo cũng sẽ ghi nhận các ý kiến của các thành viên để cân nhắc các điều kiện phù hợp”, ông Long nói.

Chứng quyền có đảm bảo: Lãi vô hạn, lỗ giới hạn ảnh 1

Ông Tuấn Anh, đến từ CTCK VNDS băn khoăn, khi phát hành covered warrant thì CTCK phải rất hiểu về cổ phiếu đại diện cho sản phẩm đó, nhưng quy định tổ chức phát hành không được là tổ chức liên quan đến doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc CTCK không hiểu tổ chức phát hành tài sản cơ sở thì không thể đặt giá hợp lý cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Thành Long cho rằng, lo ngại này là rất hợp lý, tổ chức phát hành có thể tự tin là mình không làm giá, nhưng phía cơ quản quán lý cần quan sát cả hai phía và đưa ra các quy định ngăn ngừa. Bà Nguyễn Việt Hà, thành viên HĐQT của HOSE bổ sung, quy định CTCK không được làm cổ đông nội bộ của doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng thao túng giá chứng khoán. CTCK phát hành cần thời gian đánh giá chính xác và đưa ra giá phù hợp cho chứng khoán cơ sở.

Trong quy chế của HOSE về sản phẩm sẽ đưa ra các quy định về hành vi của nhà tạo lập thị trường như giới hạn về mức giá. Theo kinh nghiệm của các Sở GDCK trong khu vực, không phải bất kỳ mức giá nào nhà tạo lập cũng được phép chào. Dựa trên một chứng khoán cơ sở, sẽ có nhiều CTCK phát hành covered warrant, tức tính cạnh tranh trên thị trường sẽ làm giá chào của các CTCK sát hơn với giá thực tế của một chứng khoán.

Chứng quyền có đảm bảo: Lãi vô hạn, lỗ giới hạn ảnh 2

Về giới hạn covered warrant phát hành không quá 20% số lượng chứng khoán làm tài sản cơ sở,  đại diện các CTCK băn khoăn: Nếu số lượng đăng ký của nhà phát hành lớn hơn thì UBCK sẽ lựa chọn thế nào? Ông Long cho rằng, có thể theo tiêu chí FIFO, tức nộp hồ sơ trước được ưu tiên trước. Trước ý kiến cho rằng, rất khó để xác định được thời gian nhận hồ sơ, Ủy ban có thể áp dụng cơ chế “đấu thầu” dựa trên sản phẩm nào có lợi cho nhà đầu tư, ông Long cho rằng, đây là ý kiến hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo, bà Hà cho biết, tại thị trường Đài Loan, sau 14 năm phát triển, đến cuối năm 2014, họ có 18.900 covered warrant đang niêm yết trên thị trường. Là thị trường đi sau, những người xây dựng hành lang pháp lý cho sản phẩm này cũng đã rút kinh nghiệm từ các thị trường khác để đi tắt mà vẫn an toàn cho thị trường.

Tin bài liên quan