Thông tin được ông Nguyễn Đình Thanh, Phó giám đốc Phòng Nghiên cứu phát triển HOSE cung cấp, trên thế giới, có đến hơn 90% nhà đầu tư bán CW trước ngày đáo hạn vì một số lý do về thuế, rủi ro biến động giá trong tuần cuối cùng.
Ông Thanh giải thích, tổ chức phát hành là các công ty chứng khoán phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) hàng ngày, trường hợp chứng khoán cơ sở tăng họ vẫn phải thực hiện mua vào. Gần đến ngày đáo hạn, họ sẽ canh bán dần để lấy tiền chênh lệch thanh toán cho nhà đầu tư nên có khả năng, đến gần thời điểm đó, giá chứng khoán cơ sở đi xuống. Đây là hành động tự nhiên, chứ không phải bắt tay “làm giá” của công ty chứng khoán.
Theo đó, công việc giám sát của sở giao dịch chứng khoán không chỉ được tiến hành trên thị trường CW, mà cả trên thị trường chứng khoán cơ sở. Những biến động bất thường về giá chứng khoán cơ sở (nếu có) đều sẽ được xem xét.
Vậy lúc nhà đầu tư cùng bán ra hết CW thì ai sẽ mua vào, vì khi mua vào sẽ chắc chắn lỗ? Giải đáp câu hỏi này của nhà đầu tư, ông Thanh cho biết, dĩ nhiên, nếu tất cả các sản phẩm CW cùng đáo hạn trong cùng một đợt, hoặc thời gian đáo hạn gần nhau thì nhà đầu tư cũng sẽ gặp rủi ro lớn hơn.
Tại Hội thảo, đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, sản phẩm CW thích hợp cho việc trading hơn là nắm giữ, tức chỉ cần có lời là nên chốt trong ngắn hạn. Nếu 1 - 2 tuần diễn biến giá không như dự kiến, nhà đầu tư nên cắt lỗ ngay.
Vì khi đáo hạn, rủi ro biến động giá chứng khoán cơ sở sẽ mạnh hơn, khả năng chứng khoán cơ sở đảo chiều thì toàn bộ lợi nhuận đáng lẽ có được sẽ không còn, thậm chí mất luôn phần phí đã bỏ ra mua CW và thuế mà nhà đầu tư phải chịu sẽ cao hơn.
Về câu chuyện thuế, đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) giải thích, khi giao dịch CW, nhà đầu tư phải chịu thuế 0,1% trên giá trị chứng quyền, nhưng nếu để đến ngày đáo hạn thì mức thuế suất 0,1% được tính trên giá trị của chứng khoán cơ sở. Vì vậy, sản phẩm này trading sẽ có lợi hơn.
Về mức biến động giá của CW trong thời gian mới triển khai sản phẩm, bà Trần Thị Mỹ Linh, Phụ trách phát triển sản phẩm, HSC cho rằng, về định giá, giá lý thuyết có đầy đủ tham số có thể tính, nhưng giá trên thị trường lại phụ thuộc cung - cầu.
Do thời gian đầu triển khai sản phẩm này, công ty chứng khoán có xu hướng thận trọng chỉ phát hành lượng nhỏ, nên rõ ràng khi giao dịch chính thức, các chứng quyền chỉ khoảng 1 - 2 triệu đơn vị và xét giá trị chỉ khoảng vài tỷ đồng, khả năng giá biến động xa giá trị hợp lý hoàn toàn có thể xảy ra.
Khi đó, nhà đầu tư nhìn biến động giá trên thị trường có thể sẽ thấy ngạc nhiên, chẳng hạn, CW ban đầu được mua với giá 2.000 đồng nhưng có thể tăng lên 4.000 - 5.000 đồng mà không có một cơ sở nào.
Theo quy định, tổ chức phát hành là công ty chứng khoán sẽ phải tạo lập thị trường để giá mua và bán gần nhất với giá hợp lý. Nhưng, lực cầu của thị trường thì không chỉ từ một đối tác duy nhất là công ty chứng khoán.
Ghi nhận đến thời điểm hiện tại, do là sản phẩm mới, chi phí vốn bỏ ra ban đầu nhỏ và số lượng phát hành của các tổ chức phát hành không đáng kể, nên số lượng nhà đầu tư tham gia IPO đợt đầu khá tốt, vượt hẳn so với số lượng mà công ty chứng khoán định bán ra.
Theo kinh nghiệm tại các thị trường khác, khối lượng CW giao dịch lớn nhưng phần bên ngoài do nhà đầu tư sở hữu chỉ 10 - 20%, còn tổ chức phát hành nắm lượng hàng đến 80 - 90%, giúp họ tự tin có thể thiết lập mức giá CW phù hợp với giá hợp lý.
Trường hợp trong kho của tổ chức phát hành không còn hàng, bà Linh cho rằng, nhà đầu tư cần cẩn thận vì khi đó, khả năng tạo lập thị trường của tổ chức phát hành là “yếu”. Khả năng này sẽ được cải thiện khi công ty chứng khoán có thể phát hành bổ sung lượng CW.