Các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng lại lo ngại về tình trạng bất ổn về nguồn cung lao động.

Các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng lại lo ngại về tình trạng bất ổn về nguồn cung lao động.

“Chung lưng”

(ĐTCK-online) Sự kỳ vọng của các nhà đầu tư Nhật Bản với thị trường Việt Nam vẫn ổn định trong những đánh giá dài hạn

Thông tin rộng rãi về việc cắt giảm đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương cũng như của các doanh nghiệp nhà nước đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) ghi nhận như là động thái rất tích cực của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong buổi hội thảo chính sách kinh tế vĩ mô do JBAV phối hợp cùng Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Hiroaki Yashiro, Tổng giám đốc Itochu Việt Nam, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản đã nhận định rằng, sự quan tâm của giới đầu tư không đơn giản chỉ dừng lại ở những con số, mà quan trọng nhất là sự công khai thông tin liên quan đến việc thực thi các chính sách của Chính phủ Việt Nam đang củng cố niềm tin của giới đầu tư tại Việt Nam.

"Chúng tôi tiếp tục đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam công bố công khai định kỳ các chỉ số kinh tế quan trọng thực hiện trong kỳ, đặc biệt là các lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới. Các thông tin này sẽ giúp nhà đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài, có được những nhìn nhận đầy đủ về tình hình kinh tế vĩ mô nhằm xây dựng kế hoạch kinh doanh phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Hơn thế, chính những thông tin này sẽ ngăn chặn sự đầu cơ có thể xảy do thông tin thiếu minh bạch", ông Yashiro đề xuất trong kiến nghị cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong giai đoạn có nhiều tác động mới.

Điều đáng ghi nhận là các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho dù phải gánh chịu chung tác động từ những thay đổi của thị trường trong nước và quốc tế, song sự kỳ vọng của các nhà đầu tư với thị trường Việt Nam vẫn ổn định trong những đánh giá dài hạn. Hơn thế, hầu hết doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều thành công trong kinh doanh tại Việt Nam, mà còn là nhóm nhà đầu tư có nhiều nỗ lực tích cực trong phối hợp nghiên cứu và đề xuất chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đưa ra những khuyến nghị thẳng thắn và kịp thời. Mong muốn của các nhà đầu tư Nhật Bản, theo ông Yashiro, chính là sự thực hiện nhất quán những nhóm giải pháp mà Chính phủ đã cam kết nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Theo đánh giá của JBAV, việc giá xăng tăng tới 31% trong giai đoạn hiện nay, mặc dù có thể đồng ý với việc điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, song các doanh nghiệp Nhật Bản không thể không nhắc tới áp lực chắc chắn của việc tăng giá này tới hoạt động của họ. Hiện tại, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, nhóm dịch vụ vận tải và xây dựng được cho là chịu tác động mạnh mẽ nhất. "Chi phí vận tải của Việt Nam ngày càng trở nên khó cạnh tranh hơn khi so sánh với một số nước trong khu vực. Trong khi đó, những phí tổn phát sinh trong hoạt động kinh doanh ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp vẫn không giảm. Và rõ ràng, các doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu những áp lực rất lớn", đại diện ý kiến chi hội doanh nghiệp ngành vận tải của JBAV.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhóm ngành xây dựng lại lo ngại về tình trạng bất ổn về nguồn cung lao động tiếp tục nặng nề khi lạm phát tăng, nhu cầu về tăng lương của người lao động cũng sẽ tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiếp cận và trở thành nhà thầu của các công trình xây dựng ở Việt Nam. Nếu như tính tới cả áp lực do cắt giảm đầu tư của hàng loạt công trình xây dựng thì các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng có thể dự báo được những khó khăn trong thời gian tới đây.

Đây cũng chính là một trong những lý do mà chủ đề kiểm soát chi phí ngoài luồng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đề nghị được xem xét trong giai đoạn III của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Cũng cần phải nhắc lại là nội dung này đã được đề cập ngay từ giai đoạn đầu tiên của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản và luôn ở tình trạng ghi nhận có sự tiến bộ nhưng chưa giải quyết xong. Cộng với những khó khăn phát sinh mới về chi phí kinh doanh, khoản chi phí này chắc khó có thể được các doanh nghiệp duy trì với thái độ "sống chung với lũ" như lâu nay.