Tỷ lệ thị phần môi giới của các ông lớn chứng khoán giảm 20% năm 2019

Tỷ lệ thị phần môi giới của các ông lớn chứng khoán giảm 20% năm 2019

(ĐTCK) Top 5 công ty chứng khoán (CTCK) có thị phần môi giới lớn nhất trên HOSE chứng kiến một năm đầy khó khăn khi tổng tỷ lệ thị phần của các công ty này giảm tới 20%.

Tốc độ gia tăng tài khoản giảm 40%

Theo số liệu thống kê trên website của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến cuối năm 2019, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam có tổng cộng 2.359.682 tài khoản giao dịch chứng khoán, tăng 8% so với năm trước.

Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư trong nước là 2.331.150 tài khoản, tăng 8,2% và chiếm 98,8% tổng số tài khoản trên toàn thị trường.

Trong khi đó kết thúc năm 2019 số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài chỉ nằm ở mức 28.532 tài khoản, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Xét về tốc độ tăng tài khoản mở mới thì nếu như trong năm 2018 con số này đứng ở mức 13,6% thì trong năm 2019 tốc độ tăng giảm hơn 40%, đứng ở mức 8%.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy 2019 là một năm đầy khó khăn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này trùng khớp với việc chỉ số VN-Index kết thúc năm 2019 chỉ tăng 7,7% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018. Trong khi đó chỉ số HNX-Index kết thúc năm 2019 thậm chí còn giảm 1,65% so với 1 năm trước đó.

Thị phần của các ‘ông lớn’ giảm 20% và sự nổi lên của các tên tuổi mới   

Thị trường chứng khoán khó khăn đã đẩy các công ty chứng khoán vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần.

Số liệu mới được công bố của Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) cho thấy, tổng thị phần của tốp 5 công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn giao dịch lớn nhất nước này đã thu hẹp chỉ còn 44,27% so với mức 53,83% của năm 2018, tức giảm 21,6%.

Tỷ lệ thị phần môi giới của các ông lớn chứng khoán giảm 20% năm 2019 ảnh 1

Thị phần Top 10 công ty chứng khoán năm 2018 và 2019

Theo thống kê này, mặc dù thứ tự xếp hạng của Top 5 CTCK có thị phần lớn nhất không có gì thay đổi so với năm 2018 nhưng thị phần của từng công ty đã bị thu hẹp.

Đáng chú ý nhất là Công ty Chứng khoán SSI, mặc dù đứng ở vị trí số 1 với 13,96% thị phần, nhưng mất đi 1/4 “miếng bánh” vào tay đối thủ khác.

Tỷ lệ này tương đương với tỷ lệ thị phần bị mất đi của công ty giữ ngôi vị thứ 3 là Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Tiếp đến là Công ty Chứng khoán MB (MBS). Mặc dù kết thúc năm 2019 ở vị trí thứ 5 như năm 2018 với tỷ lệ thị phần là 4,77% nhưng công ty chứng khoán được tái cấu trúc thành công này đã chứng kiến thị phần giảm tới 15,27% so với năm 2018.

HSC và VND tương ứng giữ vị trí thứ 2 và 4 trong năm nay với tỷ lệ thị phần là 10,54% và 6,81% có mức giảm thị phần ở mức 6,2% và 6,8%.

Công ty duy nhất trong Top 10 thị phần môi giới trên HOSE năm 2018 có sự thăng hạng trong năm qua là Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Nếu như kết thúc năm 2018 công ty này đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng của HOSE thì kết thúc năm 2019 công ty giữ vị trí thứ 8 với tỷ lệ thị phần là 3,75%, tăng từ mức 2,99% của năm 2018.

Các công ty như SHS, ACBS, FPTS hay BSC đã bị ‘văng’ ra khỏi Top 10 trong bảng xếp hạng năm nay. Thay vào đó là các gương mặt mới như VPS, Mirae Asset, BOS và KIS.

Nếu như 2 cái tên đến từ Hàn Quốc là Mirae Asset và KIS với tiềm lực tài chính hùng hậu từ công ty mẹ đã mau chóng trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các tên tuổi lớn trong nước, từ chất lượng dịch vụ cho tới số lượng chi nhánh và đặc biệt là ở khả năng cung cấp nguồn vốn cho hoạt động cho vay margin thì sự nổi lên của Công ty Chứng khoán VPS lại nằm ở việc đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ để gia tăng trải nghiệm của người dùng, song song với việc gia tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ chuyên viên môi giới.    

Tin bài liên quan