Thanh khoản có giảm khi lãi suất margin tăng?

Thanh khoản có giảm khi lãi suất margin tăng?

(ĐTCK) Tuy mới chỉ có một CTCK tiến hành tăng lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ (margin), nhưng nhiều thành viên thị trường dự báo, không ít CTCK khác sẽ rục rịch tăng lãi suất margin trong thời gian tới.

Cơ sở của dự báo trên là lãi suất ngân hàng gần đây bắt đầu tăng nhẹ sau khoảng thời gian duy trì ở mức thấp. Chẳng hạn, Eximbank, SeABank, OCB đã điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động, trong đó mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn dài (từ 13 tháng trở lên) là 8 - 8,2%/năm.

Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho các khoản tiền gửi có giá trị lớn, từ 10 tỷ đồng trở lên, còn lãi suất thông thường cho các kỳ hạn dài là từ 6,7 - 6,95%/năm.

Về động thái tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây không phải xu hướng chung, mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh những tháng sau Tết. Do đó, không nên quá lo lắng về việc lãi suất cho vay với hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ tăng theo động thái này.

Tuy nhiên, lời “trấn an” trên khó có thể phủ nhận một thực tế, các ngân hàng thương mại đang có ý định “chạy trước” quy định trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, dự thảo Thông tư quy định, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn (thay vì mức 60% như hiện tại). Do đó, các ngân hàng thương mại đã cho vay trung - dài hạn quá nhiều sẽ phải tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên để cân đối lại.

Đối với TTCK, theo các chuyên gia, lãi suất ngân hàng tăng sẽ không có lợi đối với thịtrường, vì một bộ phận NĐT có thể rút một phần tiền ra để gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng sẽ kéo theo lãi suất margin tăng, khiến NĐT hạn chế sử dụng nghiệp vụ này, làm giảm thanh khoản trên TTCK.

Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất tăng có tác động làm giảm thanh khoản chung của TTCK. Cụ thể, so với cùng kỳ quý I/2015, thanh khoản trong quý đầu năm nay có phần suy giảm, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng rục rịch tăng. Tương tự, giữa năm 2015, khi các ngân hàng có động thái tăng lãi suất, thanh khoản trên TTCK sụt giảm khá mạnh so với quý I (xem bảng).

Thanh khoản có giảm khi lãi suất margin tăng? ảnh 1

Đáng chú ý, thông điệp trên của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất cho vay với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới sẽ không thay đổi. Để đảm bảo bù đắp chênh lệch đầu vào - đầu ra, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác, trong đó có thể có lĩnh vực chứng khoán.

Hiện tại, nhiều CTCK khẳng định, sau khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN được ban hành cách đây hơn một năm, nguồn tiền mà công ty cấp margin cho khách hàng chủ yếu đến từ phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Nhưng theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán, nguồn vốn cấp margin từ hoạt động này của các CTCK không nhiều, phần lớn vẫn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, kể cả Top những CTCK lớn nhất thị trường. Do đó, áp lực tăng lãi suất margin khi các ngân hàng tăng lãi suất là không nhỏ.

Trường hợp CTCK phát hành trái phiếu, do lãi suất phát hành dựa trên mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng, nên lãi suất trái phiếu phải có mức chênh ít nhất là 3 - 4%/năm mới đủ hấp dẫn NĐT.

Trong bối cảnh các ngân hàng tăng lãi suất, chắc chắn lãi suất trái phiếu cũng sẽ tăng, kéo theo lãi suất margin tăng. Chiếu theo mặt bằng lãi suất huy động mới tăng thêm của các ngân hàng vừa qua, thì đầu ra của lãi suất margin đối với CTCK huy động vốn trái phiếu nhiều khả năng sẽ tăng thêm 1,5 - 2%/năm.

Trao đổi với ĐTCK, một số NĐT sử dụng margin cho biết, họ chủ yếu vay margin trong vài ngày, nhưng đôi khi vay vài tuần. Họ thường sử dụng margin khi TTCK giao dịch sôi động và có xu hướng tăng điểm, bởi phí sử dụng margin không đáng kể so với mức lãi nhờ giá cổ phiếu tăng.

Mặc dù vậy, việc sử dụng margin được cân nhắc rất thận trọng, nhất là trong bối cảnh thị trường trầm lắng, thanh khoản giảm. Hiện tại, lãi suất margin không quá cao, nhưng chỉ cần tăng 1%/năm cũng khiến NĐT hao mòn đáng kể lợi nhuận, hoặc làm trầm trọng thêm mức thua lỗ. Do đó, khi lãi suất margin tăng, áp lực giữ NĐT giao dịch ổn định, giữ  thanh khoản trên TTCK là không nhỏ.

Tin bài liên quan