Phiên chiều 3/1: Hàng loạt mã giảm sàn, VN-Index mất hơn 13 điểm

Phiên chiều 3/1: Hàng loạt mã giảm sàn, VN-Index mất hơn 13 điểm

(ĐTCK) Áp lực bán mạnh trên diện rộng khiến VN-Index sớm lao dốc với hàng chục mã giảm sàn. Dù lực cầu bắt đáy hoạt động tốt trong nửa cuối phiên chiều, nhưng không đủ giúp VN-Index giữ được mốc 880 điểm.

Sau phiên giao dịch đầu năm không mấy tích cực, thị trường mở cửa phiên giao dịch sang nay 3/1 với sức ép lớn. Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng, tập trung mạnh tại nhóm bluechips khiến VN-Index nhanh chóng lao dốc.

Mặc dù thị trường giảm sâu, song không vì thế mà cầu bắt đáy hoạt động mạnh mẽ, trái lại còn rất dè dặt. Điều này khiến VN-Index kết phiên sáng với mức giảm trên 1,5%.

Trong phiên chiều, sức ép tiếp tục dược duy trì và dòng tiền vào thị trường cũng không mấy khởi sắc, chỉ nhúc nhắc tăng trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa. Việc dòng tiền vào thị trường tỏ ra yếu ớt khiến động lực hồi phục của VN-Index trở nên hạn chế, kết phiên ở 878 điểm - là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017 đến nay.

Đóng cửa, với 223 mã giảm gấp gần 4 số mã tăng là 63 mã, VN-Index giảm 13,53 điểm (-1,52%) xuống 878,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 156,57 triệu đơn vị, giá trị 3.448 tỷ đồng, tăng 40% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 2/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,45 triệu đơn vị, giá trị hơn 862 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến rổ VN30 có tới 26 mã giảm. Riêng Top 10 mã vốn hóa lớn nhất cũng không còn mã nào tăng, trong đó có 9 mã giảm. Do các cổ phiếu trụ giảm sâu, lại thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền, việc VN-Index là tất yếu.

Các mã VNM, GAS, SAB và nhóm ngân hàng là các cổ phiếu gây sức ép lớn nhất lên chỉ số. SAB giảm 1,3% về 145.500 đồng, VNM giảm 0,9% về 122.900 đồng, GAS giảm 2,4% về 84.700 đồng, BID giảm 4,5% về 32.000 đồng, CTG giảm 4,7% về 18.100 đồng... Ngoài ra, các mã HPG, NVL, MWG, DHG, NNJ... cũng đều giảm mạnh.

Về thanh khoản, ngân hàng vẫn là nhóm được giao dịch mạnh. MBB khớp 8,5 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Ngoại trừ EIB, TPB, các mã CTG, STB, VPB khớp từ 3-6 triệu đơn vị. Trong nhóm thanh khoản dẫn đầu còn có HPG với 6,8 triệu đơn vị được khớp.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh sắc đỏ chủ đạo, màu xanh mắt mèo cũng xuất hiện ở hàng loạt mã như IDI, HBC, LDG, ASM, HAI, GEX, QCG, NTL..., trong đó IDI, HBC, LDG, ASM khớp hơn 2 triệu đơn vị, còn HAI, GEX, QCG, NTL khớp trên 1 triệu đơn vị.

FLC phiên này giảm 1,2% về 5.050 đồng, khớp lệnh 6,07 triệu đơn vị. ROS giảm 1,1% về 36.500 đồng, khớp lệnh 3,13 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, nhiều mã đi ngược thị trường như ITA, KBC, OGC, AMD, HHS, GTN..., riêng AMD tăng trần lên 2.870 đồng (6,8%), khớp lệnh 1,16 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà giảm còn mạnh hơn so với HOSE chủ yếu do một số mã vốn hóa lớn nhất trên sàn này giảm sâu, cho dù sức cầu không tệ.

Đóng cửa, với 37 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 2,15 điểm (-2,09%) xuống 100,52 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,62 triệu đơn vị, giá trị 422 tỷ đồng, tăng 63% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên 2/1. Trong đó, giao dịch thỏa đóng góp hơn 4 triệu đơn vị, giá trị gần 31 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nguyên nhân khiến HNX-Index giảm sâu chủ yếu do một số mã vốn hóa lớn nhất sàn giảm mạnh như ACB giảm 3,8% về 28.100 đồng, PVS giảm 2,9% về 16.700 đồng, SHB giảm 2,8% về 7.000 đồng, NVB giảm 3,5% về 8.400 đồng...

Mốt số mã tăng hiếm hoi như VCS tăng 6,7% lên 65.000 đồng, VGC tăng 1,2% lên 17.600 đồng...

SHB dẫn đầu thanh khoản với 6,88 triệu đơn vị. PVS khớp 3,05 triệu đơn vị. Các mã ACB, VGC, VCG khớp trên 1 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao còn có ART và HUT, nhưng cũng đều giảm điểm. ART giảm sàn về 2.400 đồng, khớp lệnh 2,65 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, đà giảm mạnh cũng diễn ra ngay khi mở cửa, song sức hồi phục yếu ớt do sức cầu hạn chế.

Đóng cửa, với 54 mã tăng và 103 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,62 điểm (-1,17%) xuống 52,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,18 triệu đơn vị, giá trị 256 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 45% về giá trị so với phiên 2/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 7,75 triệu đơn vị, giá trị 84 tỷ đồng.

Hầu hết các mã lớn trên sàn này như BSR, LPB, HVN, VGT, QNS, OIL, MPC, VEA, DVN, MSR... đồng loạt giảm điểm. Trong đó, BSR là mã duy nhất có thanh khoản cao, với 1,3 triệu đơn vị được khớp, dẫn đầu sàn.

Ngoài BSR, có thêm QPH với lượng khớp 1,27 triệu đơn vị, cũng là mã duy nhất tăng điểm trong số 20 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM.

Tin bài liên quan