Phiên chiều 21/6: Kịch bản cũ lặp lại

Phiên chiều 21/6: Kịch bản cũ lặp lại

(ĐTCK) Cũng như những đợt tái cơ cấu của các quỹ ETFs, phiên chốt sổ 21/6 trở nên sôi động hơn với những cổ phiếu được các quỹ ngoại thêm bớt hoặc tăng giảm tỷ trọng. Đồng thời, đột biến cũng đã đến trong đợt khớp ATC khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường quay đầu, tuy nhiên lực cầu khá tốt, với trụ đỡ chính là VNM đã giúp VN-Index giữ vững mốc tham chiếu.

Mặc dù giao dịch trở nên thận trọng hơn nhưng nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên. Phiên giao dịch sáng cuối tuần diễn ra khá lặng sóng khi các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, dầu khi đua nhau khởi sắc trong phiên hôm qua đã dần chùng xuống và thị trường đang chờ diễn biến kịch hay trong phiên chiều khi đây là phiên cuối cùng các quý ETFs chốt sổ cho quý II/2019.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn lình xình đi ngang, chỉ số VN-Index biến động nhẹ trên mốc 960 điểm. Tuy nhiên, kịch bản không khác nhiều so với những lần cơ cấu trước đây. Áp lực bán bất ngờ gia tăng trong 15 phút giao dịch cuối phiên đã khiến VN-Index quay đầu và lùi về mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HOSE khá cân bằng với 131 mã tăng và 146 mã giảm, chỉ số VN-Index nhích nhẹ 0,02 điểm lên 959,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 206,14 triệu đơn vị, giá trị 5.445,11 tỷ đồng, tăng 11,13% về lượng và 23,33% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 33,18 triệu đơn vị, giá trị 1.420,11 tỷ đồng, trong đó riêng VHM thỏa thuận hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 588,85 tỷ đồng; VJC thỏa thuận 1,75 triệu đơn vị, giá trị 221,73 tỷ đồng…

Trong nhóm VN30 khá phân hóa với 15 mã tăng và 11 mã giảm. Đáng kể VNM tiếp tục nới rộng biên độ, là điểm tựa chính giúp thị trường cân bằng. Kết phiên, VNM tăng 1,8% lên mức cao nhất ngày 125.500 đồng/CP với thanh khoản thanh mạnh đạt 2,61 triệu đơn vị.

Ngoài ra, trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, tác động mạnh tới diễn biến của chỉ số chung thị trường, còn có MSN đảo chiều ấn tượng khi từ dưới mốc tham chiếu lên 84.000 đồng/CP, tương ứng tăng 1,8%.

Trái lại, cổ phiếu nhà Vin có diễn biến thiếu tích cực. Ngoại trừ VHM nhích nhẹ 100 đồng/CP, còn VIC và VRE đều lùi sâu hơn và kết phiên tại mức thấp nhất ngày. Cụ thể, VIC giảm 1,29% xuống 114.500 đồng/CP, VRE giảm 1,72% xuống 34.300 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý là POW. Với việc được thêm vào danh mục của 2 quỹ ETF, BSC đã đưa ra dự báo cổ phiếu POW dự kiến sẽ được mua tổng cộng hơn 35 triệu cổ phiếu trong đợt cơ cấu này. Kết phiên hôm nay, POW tiếp tục giảm nhẹ 0,6% xuống 15.400 đồng/CP và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh gần 33,35 triệu đơn vị.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước giao dịch mạnh, khối ngoại cũng tham gia mua bán mạnh cổ phiếu POW với khối lượng mua vào gần 35,69 triệu đơn vị và bán ra 30,14 triệu đơn vị.

Mặt khác, cổ phiếu STB bị loại khỏi quỹ VNM ETF và bị FTSE Vietnam ETF hạ tỷ trọng nên cũng bị bán ra mạnh. Đóng cửa, STB giảm nhẹ 0,4% xuống 11.450 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 15 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng hơn 11,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc đỏ duy trì trong suốt cả phiên chiều.

Kết phiên, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,2%) xuống 104,85 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 21,67 triệu đơn vị, giá trị 317,87 tỷ đồng, giảm 26,29% về lượng và 14,55% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,64 triệu đơn vị, giá trị 43,28 tỷ đồng, trong đó riêng VIX thỏa thuận 4,64 triệu đơn vị, giá trị 32,97 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn chủ yếu lình xình dưới mốc tham chiếu, đáng kể ACB giữ mức giảm 0,3% xuống 29.500 đồng/CP, SHB đảo chiều giảm 1,4% xuống 7.000 đồng/CP, SHS giảm 1% xuống 10.200 đồng/CP, VDS giảm 5,7% xuống 7.000 đồng/CP, ORS giảm 4,6% xuống 6.200 đồng/CP…

Bên cạnh đó, một số mã lớn vẫn giảm khá mạnh như DBC giảm 8% xuống 21.900 đồng/CP, DTD giảm 5,6% xuống 13.600 đồng/CP, PVC giảm 1,4% xuống 7.000 đồng/CP…

Trái lại, PVS, PVB, VCG, SLS… vẫn giữ mức tăng nhẹ trên dưới 1%.

Thanh khoản trên sàn HNX không có thêm mã nào góp mặt vào danh sách cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh triệu đơn vị so với phiên sáng. Trong đó, PVS và SHB vẫn tiếp tục dẫn đầu bảng với khối lượng khớp tương ứng 4,14 triệu đơn vị và 2,65 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, trái với phiên sáng, phiên chiều dần đuối sức và đảo chiều giảm sau ít phút đầu phiên níu giữ sắc xanh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,06%) xuống 55,12 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 8,75 triệu đơn vị, giá trị 122,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,41 triệu đơn vị, giá trị 43,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu GVR giảm 2,2% xuống mức 13.300 đồng/CP và vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng giao dịch đạt 914.200 đơn vị.

Trong khi đó, BSR giữ mức tăng nhẹ 0,8% lên 13.000 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 889.300 đơn vị.

Tin bài liên quan