Phiên chiều 19/4: Cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng

Phiên chiều 19/4: Cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng

(ĐTCK) Thanh khoản rơi ở mức khá thấp khiến thị trường giao dịch khá trầm lắng. Bên cạnh diễn biến phân hóa của nhóm cổ phiếu bluechip, các mã vừa và nhỏ trở thành tâm điểm tô đẹp cho thị trường trong phiên giao dịch ảm đạm ngày cuối tuần 19/4.

Thị trường đã khởi sắc trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó, tuy nhiên thanh khoản không có gì cải thiện. Dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát là nguyên nhân chính khiến VN-Index thiếu động lực để bật cao. Chính vì vậy, ngay sau màn tăng tốc đầu phiên với mức tăng gần 10 điểm, vượt qua mốc 970, thị trường đã dần hạ độ cao do áp lực bán có phần gia tăng. Và thị trường duy trì trạng ảm đạm đi ngang suốt hơn nửa thời gian còn lại của phiên sáng.

Trên thị trường, các doanh nghiệp đã liên tiếp tổ chức Đại hội đồng cổ đông, đảm bảo quy định đối với tổ chức niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, đồng thời những hé lộ kết quả kinh doanh quý I/2019 cũng được mở ra. Tuy vậy, những thông tin này cũng không giúp thị trường giao dịch sôi động và hưng phấn hơn.

Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường khá lặng sóng. Cùng với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, sự phân hóa của các trụ cột cũng khiến chỉ số chung của thị trường đi ngang.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 3,91 điểm (+0,41%) lên 966,21 điểm với 183 mã tăng và 123 mã giảm. Thanh khoản giảm mạnh với khối lượng giao dịch đạt 106,98 triệu đơn vị, giá trị 2.140,31 tỷ đồng, cùng giảm hơn 33% cả về lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 10,9 triệu đơn vị, giá trị 288,32 tỷ đồng.

Trong khi đó, giao dịch trên sàn HNX khá giằng co, tuy nhiên sự khởi sắc của một số bluechip đã giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,12%) lên 105,88 điểm với khối lượng giao dịch đạt 23,67 triệu đơn vị, giá trị 214,23 tỷ đồng, tăng 51,54% về lượng nhưng giảm 13,96% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp thêm gần 3,25 tỷ đồng.

Cổ phiếu SAB là nhân tố chính kéo thị trường đi lên trong phiên sáng đã dần hạ độ cao khi tăng 4,1% và đóng cửa tại 240.500 đồng/CP.

Trong khi dòng bank vẫn phân hóa nhẹ thì các cổ phiếu dầu khí lại tiếp tục thu hẹp đà tăng với GAS chỉ còn tăng 0,6% lên 106.200 đồng/CP, PLX tăng 0,3% lên 60.700 đồng/CP, PVD trở lại mốc tham chiếu…

Bộ 3 nhà Vin cũng có sự thay đổi lớn, trong khi VHM bị đẩy về mốc tham chiếu cùng VRE, thì người anh cả VIC lại hồi phục tốt sau 4 phiên giảm liên tiếp trước đó. Kết phiên, VIC tăng 1% lên 110.100 đồng/CP.

Đáng chú ý, trụ cột VNM đã có phiên giao dịch không mấy mong đợi trong ngày họp ĐHCĐ thường niên. Sau diễn biến đi ngang trong phiên sáng, cổ phiếu VNM đã đảo chiều điều chỉnh trong phiên chiều. Với mức giảm 1,6%, cổ phiếu VNM đóng cửa tại mức 133.000 đồng/CP, là một trong những gánh nặng chính của thị trường.

Tại Đại hội, Vinamilk đã thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 56.300 tỷ đồng, tăng 7% so với kết quả năm 2018; lợi nhuận trước thuế 12.650 tỷ đồng, tăng 5% so với thực hiện 2018. Tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Liên quan đến thông tin gần đây về việc 14 loại vi chất dinh dưỡng có trong sản phẩm sữa học đường, tại Đại hội, bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Vinamilk đã khẳng định, VNM cạnh tranh công bằng công khai không vi phạm pháp luật, nếu ai cạnh tranh không công bằng phải lãnh hậu quả.

Trái lại, ROS lại có phiên giao dịch khởi sắc nhờ lực cầu gia tăng. Kết phiên, ROS tăng 0,6% lên mức cao nhất ngày 31.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 9,29 triệu đơn vị.

Tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, VHG bảo toàn phiên tăng trần thứ 23 với lượng dư mua trần 2,97 triệu đơn vị, PPI duy trì sắc tím, ngoài ra, HSG cũng được kéo tăng vọt nhờ lực cầu tăng mạnh. Với mức tăng 6,9%, cổ phiếu HSG đóng cửa tại mức giá trần 8.230 đồng/CP và thanh khoản tích cực đạt 3,76 triệu đơn vị.

Cổ phiếu OGC cũng bất ngờ đảo chiều ngoạn mục khi tăng kịch trần, đóng cửa tại mức giá 4.150 đồng/CP và dư mua trần 18.100 đơn vị, bên bán trắng sàn.

Ngoài ra, nhiều mã khác như AAA, ITA, SCR, ASM, DLG, KBC, DXG… cũng khởi sắc với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có SHB tăng 1,4% lên 7.500 đồng/CP, VCG tăng 0,4% lên 26.600 đồng/CP, VCS tăng 3,4% lên 66.100 đồng/CP, DGC tăng 0,3% lên 36.000 đồng/CP.

Trong khi đó, PVS, PVI, PHP, DL1 đứng giá tham chiếu; còn VGC giảm 1,1% xuống 18.800 đồng/CP, ACB giảm nhẹ % xuống 29.600 đồng/CP.

Cổ phiếu SHB dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lệnh 2,36 triệu đơn vị; tiếp theo đó ACM khớp 1,94 triệu đơn vị, PVS khớp 1,25 triệu đơn vị, BII khớp 1,1 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng tô đậm cánh đồng tím với sự tham gia của hàng loạt các mã như ACM, BII, PVX, C69, PVV, HKB, DCS, DST, VAT…

Trên UPCoM, diễn biến giằng co tiếp diễn, tuy nhiên chỉ số UPCoM-Index vẫn duy trì đà tăng nhẹ.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,08%) lên 56,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7,77 triệu đơn vị, giá trị 133,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận 10,15 triệu đơn vị, giá trị 267,93 tỷ đồng, trong đó RCC thỏa thuận 6,96 triệu đơn vị, giá trị 206,14 tỷ đồng.

Bên cạnh ACV lấy lại mốc tham chiếu, người anh em HVN đã đảo chiều hồi phục khi tăng 1,2% lên 40.600 đồng/CP, hỗ trợ tốt giúp thị trường bảo toàn sắc xanh.

Cổ phiếu BSR diễn biến giằng co và cũng lấy lại được mốc tham chiếu với khối lượng giao dịch dẫn dầu thị trường đạt 931.100 đơn vị. Trong khi đó, SBS lùi về vị trí thứ 2 với khối lượng giao dịch đạt 860.100 đơn vị.

Tin bài liên quan