Phiên chiều 19/10: Cầu yếu, VN-Index không thể hồi phục

Phiên chiều 19/10: Cầu yếu, VN-Index không thể hồi phục

(ĐTCK) Lực cầu cải thiện trong phiên chiều giúp nhiều mã đảo chiều tăng khá tốt, tuy nhiên dòng tiền chưa đủ mạnh để kéo VN-Index hồi phục trở lại.

Diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán toàn cầu đã tác động khá mạnh lên thị trường trong nước trong phiên sáng cuối tuần ngày 19/10. Lực bán tăng mạnh ngay khi mở cửa khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index để mất gần 20 điểm chỉ sau hơn 30 phút giao dịch. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc và càng tăng mạnh hơn về cuối phiên giúp đà giảm được hãm đáng kể.

Dù chưa thể thấy lại sắc xanh bởi tâm lý thận trọng vẫn bám đuổi nhưng việc bật ngược đi lên khi tiếp cận mốc 945 điểm đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục.

Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục hấp thụ tích cực giúp nhiều mã đảo chiều hồi phục và biên độ giảm của VN-Index tiếp tục được thu hẹp. Tuy nhiên, lực cản tại mốc 960 điểm khá lớn khiến thị trường giật lùi trở lại.

Trong đợt khớp ATC, thị trường tiếp tục chứng kiến nỗ lực kéo lên nhưng dòng tiền chưa đủ mạnh khiến VN-Index lại gặp khó tại ngưỡng kháng cự 960 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE không còn phân hóa mạnh như phiên sáng với 106 mã tăng và 165 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,53%) xuống 958,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 153,57 triệu đơn vị, giá trị 4.001,63 tỷ đồng, tăng 5,58% về khối lượng và 22,82% về giá trị so với phiên 18/10.

Giao dịch thỏa thuận có đóng góp gần 21,2 triệu đơn vị, giá trị 937,91 tỷ đồng. Trong đó, NVL thỏa thuận 3,6 triệu đơn vị, giá trị 276,86 tỷ đồng; VNM thỏa thuận hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 118,77 tỷ đồng.

Nếu trong phiên sáng nay, top 10 mã lớn nhất sàn đều giảm thì sang phiên chiều đã có một số mã tìm lại sắc xanh như MSN tăng gần 1% lên 81.000 đồng/CP, VNM tăng 0,6% lên 126.800 đồng/CP.

Ngoại trừ MSN và VNM khởi sắc, VIC lấy lại mốc tham chiều, còn lại đều giảm dù đà giảm có phần thu hẹp đáng kể so với phiên sáng, trong đó GAS có mức giảm sâu nhất 2,2% xuống 112.000 đồng/CP.

Trong khi phần lớn các cổ phiếu trong nhóm VN30 đều hãm đà giảm, thậm chí MSN đảo chiều tăng khá tốt, thì VJC lại giảm sâu hơn 3,3% xuống mức thấp nhất ngày 132.000 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ cũng có phần khởi sắc hơn. Bên cạnh 2 cha con HAG – HNG tiếp tục nới rộng đà tăng, nhiều mã đã đảo chiều tăng tốt như DXG, ITA, TTF, HQC, CIG…

Sàn HNX có phần khởi sắc hơn nhờ sự hồi phục tích cực của một số mã lớn.

Đóng cửa, với 59 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,17%) lên 108,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 36,86 triệu đơn vị, giá trị 472,95 tỷ đồng, giảm 9,7% về khối lượng và 13,54% về giá trị so với phiên 17/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 423.589 đơn vị, giá trị 5,75 tỷ đồng. 

Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên sàn HNX cũng có diễn biến tích cực hơn. Chỉ còn PHP giảm nhẹ 0,9% xuống 10.700 đồng/CP và NTP giảm 5,6% xuống 45.200 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 33.400 đồng/CP, còn lại đều lấy lại cân bằng và hồi phục.

Cụ thể, ACB, SHB, VGC, DGC đứng giá tham chiếu, VCS tăng 3,5% lên 74.000 đồng/CP, PVS tăng 1% lên 20.800 đồng/CP, VCG tăng 0,5% lên 18.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác cũng đã đảo chiều tăng, tiếp sức giúp thị trường hồi phục thành công như CEO tăng 3,9% lên 13.200 đồng/CP, HUT tăng 3,4% lên 6.000 đồng/CP, MBS tăng 1,8% lên 16.900 đồng/CP, NDN tăng 1,9% lên 15.700 đồng/CP, PGS tăng 0,3% lên 30.000 đồng/CP, TV2 tăng 1,5% lên 133.000 đồng/CP…

Trong khi đó, trên sàn UPCoM, thị trường giao dịch khá buồn tẻ và đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, với 11 mã tăng và 19 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,44%) xuống 52,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,76 triệu đơn vị, giá trị 166,45ỷ đồng, tăng 12,92% về khối lượng nhưng giảm 35,23% về giá trị so với phiên 18/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,36 triệu đơn vị, với tổng giá trị hơn 68 tỷ đồng.

3 mã POW, AVF và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn. Cụ thể, POW giảm 2,74% xuống 14.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch hơn 2,1 triệu đơn vị; AVF duy trì sắc tím với khối lượng giao dịch hơn 1,7 triệu đon vị; BSR đứng giá tham chiếu và khớp 1,36 triệu đơn vị.

Trong khi các mã lớn như HVN, OIL, VGI, LPB… vẫn giao dịch trong sắc đỏ thì VEA đã đảo chiều sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó với mức tăng 1,5% lên 34.000 đồng/CP và khớp 166.000 đơn vị.

Tin bài liên quan