Phiên chiều 15/3: Thờ ơ với ETF

Phiên chiều 15/3: Thờ ơ với ETF

(ĐTCK) Dù phiên hôm nay là phiên các quỹ ETF chốt danh mục, nhưng dường như nhà đầu tư thơ ơ với hoạt động này, nên thị trường phiên cuối tuần không có nhiều đột biến.

Sau 3 phiên liên tiếp duy trì đà tăng điểm trên mốc 1.000 điểm, áp lực bán chốt lời đã gia tăng trong phiên sáng cuối tuần (15/3) khiến thị trường đảo chiều giảm điểm. Chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc 1.005 điểm và đã trượt khỏi ngưỡng kháng cự này trong phút cuối giao dịch.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục dâng cao và nhóm cổ phiếu bluechip vẫn gia tăng sức ép khiến VN-Index nhanh chóng bị đẩy về sát vùng kháng cự 1.000 điểm chỉ sau hơn 30 phút giao dịch. Tuy nhiên, ngay khi tiệm cận ngưỡng này, lực cầu đã gia tăng đã giúp đà giảm thu hẹp.

Diễn biến không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích khi thị trường khá lặng sóng trong phiên chốt sổ của các quỹ ETFs. Trong hơn 1 giờ cuối phiên giao dịch, chỉ số VN-Index chỉ lình xình đi ngang dưới mốc 1.005 điểm, tuy nhiên thanh khoản thị trường tăng khá tốt nhờ hoạt động cơ cấu danh mục các quỹ ETFs.

Đóng cửa, sàn HOSE có 181 mã giảm và 128 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 4,32 điểm (-0,43%) xuống 1.004,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 250,28 tỷ đồng, giá trị hơn 6.497 tỷ đồng, tăng 11,46% về lượng và 34,76% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đạt 43,27 triệu đơn vị, giá trị gần 1.672 tỷ đồng, trong đó MSN thỏa thuận hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 614,38 tỷ đồng; DHG thỏa thuận 1,82 triệu đơn vị, giá trị 207,29 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 9,13 triệu đơn vị, giá trị 149,76 tỷ đồng; GTN thỏa thuận 5,52 triệu đơn vị, giá trị 92,13 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 1,51 triệu đơn vị, giá trị 94,63 tỷ đồng…

Tương tự, trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều đẩy HNX-Index lùi về dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu khá tốt với điểm tựa từ bluechip đã giúp chỉ số này nhanh chóng hồi phục.

Kết phiên, HNX-Index tăng 0,43 điểm (+0,39%) lên 110,44 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 45,94 triệu đơn vị, giá trị 527,44 tỷ đồng, tăng 15,98% về lượng và 23,91% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,72 triệu đơn vị, giá trị 43,2 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng khá phân hóa. Trong khi VCB tiếp tục lùi sâu hơn khi giảm 1,5% xuống mức thấp nhất ngày 66.000 đồng/CP, TCB và STB cũng đảo chiều giảm; thì các mã khác như CTG, EIB, HDB, VPB lại hồi phục sau phiên điều chỉnh hôm qua. Đáng kể, BID vẫn duy trì đà tăng khá tốt 2,8% lên mức 37.200 đồng/CP.

Bên cạnh đó, 2 mã cùng họ trên sàn HNX là ACB và SHB vẫn đóng vai trò hỗ trợ thị trường dù không còn tăng mạnh như phiên sáng, với ACB tăng 0,6% lên 31.700 đồng/CP, còn SHB tăng 1% lên 8.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm sáng. Ngoại trừ GAS điều chỉnh nhẹ, còn lại hầu hết các mã lớn đều tăng khá tốt như PLX tăng 2% lên 62.400 đồng/CP, PVD tăng 1,1% lên 18.650 đồng/CP, hay trên HNX có PVS tăng 1,4% lên 21.600 đồng/CP, PVI tăng 3,1% lên mức cao nhất ngày 36.400 đồng/CP, PVB tăng 3,7% lên 19.600 đồng/CP, PVC duy trì mức tăng 9,5% lên mức giá trần 6.900 đồng/CP…

Trái lại, HPG giảm khá mạnh và có thời điểm xuống giá sàn 31.850 đồng. Tuy nhiên, về cuối phiên, cổ phiếu này thu hẹp đà giảm chút ít. Kết phiên, HPG giảm 6,7% xuống mức 31.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt đạt hơn 17 triệu đơn vị và khối ngoại bán ròng hơn 3,6 triệu đơn vị.

Cổ phiếu MSN dù được cả 2 quỹ ETF tăng tỷ trọng nhưng cũng có một phiên giao dịch không mấy khả quan. Đóng cửa, MSN giảm 2,4% xuống 86.500 đồng/CP.

Mặt khác, bộ 3 nhà Vin gồm VIC, VHM, VRE giảm không đáng kể giúp thị trường không biến động mạnh.

Cổ phiếu YEG vẫn chưa thoát khỏi thảm họa sau sự cố với Youtube khi hứng chịu phiên giảm sàn thứ 10 liên tiếp. Như vậy, chỉ tính trong 10 phiên vừa qua, YEG đã để mất tới 51,51% từ mức giá 245.000 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 1/4) xuống còn 118.800 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 15/3).

Trên UPCoM, mặc dù trong gần hết phiên giao dịch, thị trường giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng chỉ trong ít phút cuối phiên đã đảo chiều bật tăng.

Ở nhóm cổ phiếu đầu cơ sức nóng cũng có phần hạ nhiệt khi nhiều mã đã hạ độ cao như DLG, GTN, ITA, HQC... thậm chí đảo chiều giảm như TTF, FLC, HAG...

Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,29%) lên 57,26 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 11,34 triệu đơn vị, giá trị 229,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 12,87 triệu đơn vị, giá trị hơn 27 tỷ đồng, trong đó riêng PVR thỏa thuận 12,48 triệu đơn vị, giá trị 17,48 tỷ đồng.

Cổ phiếu SVH không có gì biến động so với phiên sáng, tiếp tục duy trì mức giá tham chiếu 10.000 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 3,36 triệu đơn vị.

Đáng kể, các mã lớn giao dịch tích cực hỗ trợ giúp thị trường khởi sắc như HVN tăng 2,4% lên 42.300 đồng/CP, GVR tăng 9,7% lên 11.300 đồng/CP, VGT tăng 3,2% lên 12.800 đồng/CP, VGI tăng 5% lên 25.400 đồng/CP, VEA tăng 0,2% lên 50.500 đồng/CP…

Tin bài liên quan