Phiên chiều 13/9: Cổ phiếu bất động sản, thép đồng loạt khởi sắc

Phiên chiều 13/9: Cổ phiếu bất động sản, thép đồng loạt khởi sắc

(ĐTCK) Bên cạnh nhóm bất động sản, các cổ phiếu ngành thép cũng đua nhau tăng tốt, giúp thị trường duy trì đà tăng trong suốt phiên giao dịch chiều ngày 13/9. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại khi SAB, VIC, CTG đóng cửa trong sắc đỏ.  

Thị trường tiếp tục tăng khá tốt trong phiên sáng nay nhưng với sự hạn chế của dòng tiền thận trọng khiến VN-Index chưa thể chinh phục được mốc 805 điểm. Trong khi đó, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng về cuối phiên, với việc quay đầu của các mã lớn như BID, CTG, VIC, đã khiến VN-Index dần thu hẹp đà tăng điểm.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực bán tiếp tục dâng cao đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay khi về sát mốc 800 điểm, lực cầu gia tăng giúp sắc xanh lan tỏa cùng đà tăng được nới rộng hơn ở một số mã bluechip, đã kéo chỉ số này vượt xa khỏi “vùng nguy hiểm”.

Tuy vậy, sự vắng bóng của dòng tiền sôi động khiến diễn biến thị trường trong suốt gần 2 giờ của phiên chiều khá lặng sóng, chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh ngưỡng 802 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 175 mã tăng và 99 mã giảm, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,36%) lên 802,78 điểm. Thanh khoản không cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 150,28 triệu đơn vị, giá trị 3.961,21 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,58 triệu đơn vị, giá trị 386,16 tỷ đồng.

Trong khi đó, sàn HNX khá cân bằng và duy trì đà tăng ổn định trong suốt cả phiên chiều. Cụ thể, với 83 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,54%) lên 104,28 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,24 triệu đơn vị, giá trị 393,6 tỷ đồng, giảm 10,23% về lượng và 8,52% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 93 tỷ đồng, trong đó đáng chú ý PVS thỏa thuận 3,68 triệu đơn vị, giá trị 61,91 tỷ đồng và DBT thỏa thuận 1,27 triệu đơn vị, giá trị 19,43 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính của thị trường, cụ thể VN30-Index tăng 3,89 điểm lên 786,43 điểm khi có tới 18 mã tăng, 9 mã giảm và 3 mã đứng giá; còn HNX30-Index tăng 0,96 điểm lên 193,29 điểm với 12 mã tăng, 9 mã giảm và 9 mã đứng giá.

Trong đó, SAB tiếp tục có phiên giao dịch thiếu tích cực khi giảm 1,3%, đây là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau chuỗi 8 phiên tăng ròng rã.

Cổ phiếu VIC cũng lùi về sát giá thấp nhất ngày 48.100 đồng/CP, với mức giảm 2,4% và chuyển nhượng thành công 983.030 đơn vị.

Trái lại, nhiều mã lớn khác vẫn giữ đà tăng khá tốt như GAS, MSN, CTD, DHG, MWG, PLX, BHN….

Đáng kể, trong nhóm VN30, BMP bất ngờ được kéo lên trần với mức tăng 6,9% và thanh khoản khá sôi động đạt 987.590 đơn vị; cổ phiếu ROS ngay phiên giảm sâu hôm qua cũng hồi phục với mức tăng 0,9% và khối lượng khớp lệnh khá cao đạt 4,04 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu bất động tiếp tục nới rộng đà tăng cả về giá và thanh khoản. Trong đó, FLC vươn lên vị trí dẫn đầu với khối lượng khớp hơn 7,1 triệu đơn vị và tăng gần 1,5%; SCR và ASM cùng khớp hơn 6,5 triệu đơn vị và lần lượt tăng 4% và 3,3%; các mã HQC, ITA, DXG, HBC, PDR, HAR… cũng kết phiên trong sắc xanh với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng đua nhau khởi sắc như HPG tăng 4,1%, HSG tăng 1,2%, TLH tăng 3,3%, POM tăng 1%, DTL tăng 1,4%, NKG tăng 0,7%, VIS tăng 0,7%, VGS tăng 1,1%. Trong đó, HPG đã chuyển nhượng thành công 5,92 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên thị trường.

Trên sàn HNX, trong khi SHB vẫn đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lớn nhất sàn đạt 4,8 triệu đơn vị, thì ACB tiếp tục nới rộng đà tăng 2,2% lên mức 28.400 đồng/CP và khớp 677.000 đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản, các mã CEO, PVS, SHS, VGC, VCG, KLF, SHN cùng có khối lượng khớp trong khoảng 1-2 triệu đơn vị.

Trên sàn UPCoM, dù sắc xanh liên tục bị đe dọa nhưng chỉ số sàn đã may mắn đóng cửa vẫn giữ được đà tăng nhẹ.

Kết phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,1%) lên 54,51 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 5,97 triệu đơn vị, giá trị 97,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 799.673 đơn vị, giá trị 25,31 tỷ đồng.

Sau 3 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu GEX đã đảo chiều giảm trước áp lực bán chốt lời với mức giảm 0,5% xuống 21.200 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với khối lượng giao dịch đạt 1,2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ART tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều 7,5% xuống mức 22.100 đồng/CP và đã chuyển nhượng thành công 353.200 đơn vị.

Tin bài liên quan