Phiên chiều 10/12: Dòng tiền chảy mạnh, VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ

Phiên chiều 10/12: Dòng tiền chảy mạnh, VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc đỏ

(ĐTCK) Những tưởng thị trường sẽ hồi phục nhờ dòng tiền hoạt động tích cực, nhưng áp lực bán thường trực khiến VN-Index một lần nữa gặp thất bại và chòm trong sắc đỏ.

Áp lực bán xuất hiện ngay từ lúc mở cửa khiến thị trường nhanh chóng quay đầu sau tuần giao dịch khởi sắc. Sau nhịp giảm sâu xuống sát mốc 950 điểm, lực cầu hấp thụ tích cực đã giúp thị trường bật ngược trở lại.

Dù có sự hỗ trợ khá tích cực của các cổ phiếu dầu khí và một số ông lớn như VNM, GAS và MSN nhưng lực bán khá lớn với việc níu chân của các mã ngân hàng khiến VN-Index chốt phiên sáng đầu tuần trong sắc đỏ.

Bước sang phiên chiều, dòng tiền mạnh tham gia khá sôi động đã kéo thị thị trường đi lên, chỉ số VN-Index tiến sát mốc tham chiếu chỉ sau hơn 20 phút giao dịch. Tuy nhiên, một lần nữa nỗ lực hồi phục bất thành trước sức ép bán ra khá lớn, sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo.

Đóng cửa, sàn HOSE có 167 mã giảm và 117 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 2,7 điểm (-0,28%) xuống 955,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 213,47 triệu đơn vị, giá trị 4.961,59 tỷ đồng, tăng 12,13% về lượng và 14,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp đáng kể với 84,26 triệu đơn vị, giá trị 2.092,48 tỷ đồng. Trong đó, riêng TCB thỏa thuận 54,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.444 tỷ đồng.

Nhóm Vn30 có tới 22 mã giảm, chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, VNM chỉ còn tăng nhẹ 0,8% lên 135.000 đồng/CP, các mã lớn khác như GAS, MSN, PLX vẫn giữ được mức tăng xấp xỉ phiên sáng, còn SAB, SBT và CII tiếp tục tăng nhẹ.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến bớt xấu đi khi VCB, CTB, VPB đều thu hẹp đà giảm, BID lấy lại mốc tham chiếu, thậm chí TCB đảo chiều thành công khi tăng 0,9% lên 28.250 đồng/CP, HDB cũng tăng 0,2% lên 30.650 đồng/CP. Ngoại trừ CTG chào đón Tổng giám đốc mới bằng phiên giao dịch không mấy tích cực.

Chốt phiên, CTG giảm 4% xuống mức giá thấp nhất ngày 23.100 đồng/CP với khối lượng khớp 6,68 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản chỉ sau người anh em MBB khớp 7,88 triệu đơn vị.

Thành viên mới gia nhập thị trường là TTE có phiên chào sàn tích cực khi tăng hết biên độ 20% lên 16.200 đồng/CP, tuy nhiên giao dịch khá thấp chỉ với 3.200 đơn vị và dư mua trần 32.320 đơn vị.

Trên sàn HNX, giao dịch có phần kém sôi động hơn và với áp lực bán thường trực, đà giảm được duy trì đến hết phiên.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,3%) xuống 106,82 điểm với khối lượng giao dịch đạt hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 432,6 tỷ đồng, giảm 20,29% về lượng và hơn 14% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 3,22 triệu đơn vị, giá trị 32,92 tỷ đồng, trong đó SHB thỏa thuận 1,9 triệu đơn vị, giá trị 14,16 tỷ đồng.

Bên cạnh bộ 3 nhà Vingroup, các mã bất động sản khá lớn khác trên sàn HNX cũng giao dịch không mấy tích cực như VCG giảm 1% xuống 20.200 đồng/Cp, VGC giảm 1,7% xuống 17.400 đồng/CP, VCS giảm 0,4% xuống 74.900 đồng/CP, HUT, CEO, NDN cùng đều giảm 1 bước giá.

Cặp đôi cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm nhẹ với ACB giảm 0,3% xuống 30.500 đồng/CP và khớp 2,67 triệu đơn vị, còn SHB giảm 1,3% xuống 7.500 đồng/CP và khớp 2,53 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là điểm sáng với PVS tăng gần 1% lên 20.400 đồng/CP và duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp 4,15 triệu đơn vị, PGS tăng 2,7% lên 30.700 đồng/CP, PVB tăng 1,1% lên 18.700 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường vừa và nhỏ, sau phiên khởi sắc vào cuối tuần trước, KLF đột ngột quay đầu giảm sàn trước áp lực bán gia tăng mạnh. Chốt phiên, KLF giảm 9,5% xuống 1.900 đồng/CP với khối lượng khớp 663.000 đơn vị.

Tương tự, trên UPCoM, sắc đỏ xuyên suốt trong cả phiên chiều.

Kết phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,82%) xuống 53,34 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,48 triệu đơn vị, giá trị 139,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 681.820 đơn vị, giá trị hơn 12 tỷ đồng.

Trái với diễn biến của TTE, C4G có phiên giao dịch đầu tiên không mấy tốt khi giảm 12,9% và đóng cửa tại mức giá 12.200 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,1 triệu đơn vị, là 1 trong 3 mã thanh khoản tốt nhất sàn UPCoM.

Trong khi đó, cặp đôi cổ phiếu dầu khí là BSR và POW dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,73 triệu đơn vị và 1,18 triệu đơn vị, tuy nhiên đóng cửa BSR và POW đều đứng dưới mốc tham chiếu.

Tin bài liên quan