Phiên chiều 10/1: Bluechips giúp VN-Index giữ sắc xanh nhạt

Phiên chiều 10/1: Bluechips giúp VN-Index giữ sắc xanh nhạt

(ĐTCK) Trong bối cảnh dòng tiền èo uột, VN-Index vẫn duy trì được sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của nhóm bluechips.

Sau phiên tăng khá tích cực trước đó, thị trường mở cửa phiên 10/1 trong sắc xanh. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì lâu khi sức cầu tỏ ra quá yếu ớt, trong khi áp lực bán ở vùng giá cao luôn trực sẵn, cho nên có thời điểm VN-Index đã lùi về mốc 895 điểm, trước khi hồi phục trở lại khi kết phiên sáng.

Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến cũng không mấy tích cực hơn khi dòng tiền vào thị trường vẫn rất dè dặt. VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co quanh tham chiếu. Trong bối cảnh dòng tiền mất hút khiến động lực tăng hạn chế, thanh khoản èo uột, việc nhiều mã bluechips tăng điểm đã nâng đỡ VN-Index, giúp chỉ số duy trì được sắc xanh.

Đóng cửa, với 128 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index tăng 1,31 điểm (+0,15%) lên 898,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 130,5 triệu đơn vị, giá trị gần 2.658,9 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 9/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 28,2 triệu đơn vị, giá trị gần 779 tỷ đồng.

Trong số các mã lớn, GAS và MSN đóng góp tích cực nhất trong việc hỗ trợ VN-Index. MSN tăng 1,5% lên 80.200 đồng. GAS tăng 1,6% lên 91.300 đồng - đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp GAS cũng là phiên tăng thứ 7 trong 10 phiên gần nhất.

Nhóm ngân hàng đã không còn bùng nổ như phiên trước, song giao dịch vẫn tương đối tích cực để hỗ trợ chỉ số. CTG giao dịch tích cực nhất khi tăng 2,7% lên 18.850 đồng, khớp lệnh 7,32 triệu đơn vị, dẫn đầu nhóm cũng như toàn sàn HOSE.

VRE và VHM cũng tăng khá tích cực, trong đó VRE thanh khoản mạnh với 1,05 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, nhiều mã bluechips khác cũng có được đà tăng tốt như HPG, HSG, REE, NT2, NVL, PNJ, PLX..., trong đó HSG khớp 3,07 triệu đơn vị, HPG khớp 1,78 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã VCB, BID, VIC, VNM, SAB, FPT, SSI... giảm điểm, nhưng tạo sức cản lớn nhất lên chỉ số là VCB khi giảm 1,4% về 55.000 đồng, BID giảm 1,5% về 32.500 đồng.

Dòng tiền phiên này tiếp tục hướng đến nhóm cổ phiếu thị trường. Đa phần các mã có thanh khoản cao đều tăng điểm như ASM, SJF, IDI, HAG, HQC, HBC, DLG, QCG, TGG...

Đáng chú ý, SJF bất ngờ tăng trần lên 6.010 đồng (+6,9%), khớp lệnh 3,876 triệu đơn vị - cao thứ 3 sàn HOSE. Phiên tăng này đã ngắt chuỗi 6 phiên giảm sàn liên tiếp, cũng như chuỗi 20 phiên không biết đến "mùi" tăng điểm trước đó của SJF.

TGG cũng có phiên tăng trần lên 3.080 đồng và phiên trần thứ 2 trong 4 phiên tăng gần nhất. Trước đó, TGG cũng trải qua chuỗi 6 phiên sàn liên tiếp.

Thanh khoản đứng thứ 2 sàn HOSE là ASM với 4,5 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 0,7% lên 8.340 đồng. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tục của mã này, trong đó có 3 phiên trần liên tiếp.

Các mã có thanh khoản cao từ 1-4 triệu đơn vị khớp lệnh nhưng giảm điểm là FLC (1,1%), ROS (-0,3%), FTM (-0,9%), ITA (-0,7%), OGC (-0,3%)... HVG giảm sàn về 5.170 đồng, qua đó ngắt chuỗi tăng ở con số 4, trong đó có 3 phiên trần liên tiếp.

Trên sàn HNX, phần lớn thời gian sàn này giao dịch trong sắc đỏ khi đa phần cổ phiếu bluechips giảm điểm, thanh khoản cũng trong tình trạng "bốc hơi".

Đóng cửa, với 72 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 0,36 điểm (-0,35%) về 101,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 22,74 triệu đơn vị, giá trị 293 tỷ đồng, giảm 41% về khối lượng và 58% về giá trị so với phiên 9/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 25,58 tỷ đồng.

Có tới 6/10 mã vốn hóa lớn sàn HNX giảm điểm, trong đó ACB giảm 0,3% về 28.900 đồng, SHB giảm 2,8% về 8.500 đồng, VGC giảm 0,6% về 17.800 đồng, PVS giảm 2,2% về 18.000 đồng... Các mã VCS, CEO, SHS, BVS, TV2... cũng đều giảm điểm.

Ngược lại, các mã VCG, HUT, DL1, VC3, DGC, MSB, DBC... tăng điểm. Ngoại trừ VCG, thanh khoản các mã còn lại hầu hết là yếu, không tạo được lực đỡ.

SHB khớp 3,57 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là PVS với 3,1 triệu đơn vị. ACB và VCG cùng khớp trên 1,37 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, chỉ có thêm ART nằm trong nhóm có thanh khoản cao với 2,4 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 4,2% về 2.300 đồng.

Trên thị trường UPCoM, việc nhiều mã lớn yếu đà khiến sắc xanh chịu nhiều thử thách, nhất là trong phiên chiều khi chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ. Dẫu vậy, UPCoM-Index vẫn may mắn tăng điểm trước khi kết phiên, một trong những động lực hỗ trợ là yếu tố thanh khoản.

Đóng cửa, với 75 mã tăng và 80 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,03%) lên 53,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,05 triệu đơn vị, giá trị 273 đồng, tăng 46% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên 9/1. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 5,36 triệu đơn vị, giá trị 127,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 2,3 triệu cổ phiếu NHH, giá trị 88 tỷ đồng và 2,6 triệu cổ phiếu TIS, giá trị 27,3 tỷ đồng.

Đa phần các mã lớn như BSR, VGT, LPB, OIL, MPC, DVN, ACV, MSR... đều giảm điểm, trong đó BSR là mã duy nhất có thanh khoản cao với 1,38 triệu đơn vị, giảm 0,7% về 13.400 đồng.

VEA, HVN, QNS, VTP là các mã lớn tăng hiếm hoi. VEA và HVN có thanh khoản đứng sau BSR, cùng khớp trên 0,6 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan