Cổ phiếu quỹ là nguồn bổ sung vốn đầu tư, kinh doanh
Mới đây, HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (PLX) đã thông qua kế hoạch bán ra 15 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và đầu tư phát triển.
Nhìn lại lịch sử giao dịch, PLX liên tục thực hiện bán cổ phiếu quỹ kể từ khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE vào tháng 4/2017.
Lần đầu tiên, PLX đã bán 20 triệu cổ phiếu trong tổng số 155 triệu cổ phiếu quỹ. Thời điểm hoàn tất giao dịch là cuối tháng 5/2017, khi thị giá cổ phiếu PLX hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 50% so với thời điểm chào sàn (giá đã điều chỉnh).
Trung tuần tháng 4/2018, PXL hoàn tất bán ra 12 triệu cổ phiếu quỹ sau 2 lần đăng ký, thị giá cổ phiếu trên sàn khi đó dao động quanh mức 72.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 7/2019, PLX bán ra 20 triệu cổ phiếu quỹ, với giá trung bình hơn 64.000 đồng/cổ phiếu.
Với kế hoạch bán 15 triệu cổ phiếu quỹ sắp tới, theo thị giá hiện tại là hơn 47.000 đồng/cổ phiếu, PLX có thể thu về khoảng 705 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp có hơn 103 triệu cổ phiếu quỹ.
Trong 5 tháng đầu năm nay, một số doanh nghiệp và ngân hàng đã thực hiện bán ra lượng lớn cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, từ ngày 3/4 - 4/5, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đã hoàn tất bán ra 25 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch được thực hiện bằng hình thức thỏa thuận, với giá 5.390 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá bình quân trên sàn chứng khoán là 3.517 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ngày 22/1, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) chuyển nhượng hơn 21,4 triệu cổ phiếu quỹ cho 8 quỹ đầu tư nước ngoài, nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
Giao dịch được thực hiện qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) nên giá cổ phiếu không bị giới hạn biên độ. Nếu tính theo thị giá ngày thực hiện giao dịch là 22.400 đồng/cổ phiếu, thì giá trị lô cổ phiếu quỹ trên khoảng 480 tỷ đồng.
Mua lại cổ phiếu với giá rẻ
Đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đẩy thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc và chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Kể từ mức 966,67 điểm khi kết thúc phiên giao dịch đầu tiên năm 2020, chỉ số VN-Index có thời điểm còn 662,53 điểm (ngày 30/3), tức giảm hơn 31%.
Đáng lưu ý, không ít cổ phiếu niêm yết giảm giá quá đà, với mức giảm gấp đôi, thậm chí gấp ba mức giảm bình quân của thị trường.
Trong bối cảnh đó, một loạt công ty niêm yết công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu như là một giải pháp “cứu giá” cổ phiếu.
Động thái này nhận được sự ủng hộ của cơ quan quản lý khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ mua cổ phiếu quỹ từ 7 ngày xuống 1 ngày làm việc, góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch cổ phiếu quỹ.
Thống kê cho thấy, số tiền các doanh nghiệp dự kiến chi để mua cổ phiếu quỹ là hơn 6.500 tỷ đồng và có khoảng 2.000 tỷ đồng đã đổ vào thị trường. Đây là một trong những yếu tố giúp mặt bằng giá cổ phiếu dần ổn định và phục hồi, qua đó đưa VN-Index về lại vùng 880 điểm như hiện tại.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Vicostone (VCS) đã chi hơn 293 tỷ đồng mua lại 4,8 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ. TPBank (TPB) đã chi khoảng 220 tỷ đồng mua 10 triệu cổ phiếu quỹ. Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) chi hơn 175 tỷ đồng mua 9 triệu cổ phiếu quỹ…
Một số công ty không mua hết khối lượng đăng ký, nhưng số tiền đã chi ra cũng rất lớn. Ví dụ, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) chi gần 420 tỷ đồng để mua gần 20 triệu cổ phiếu trong tổng số 27 triệu cổ phiếu đăng ký mua.
PVI chi 232 tỷ đồng mua gần 7,6 triệu cổ phiếu trong hơn 11,55 triệu cổ phiếu đăng ký mua. Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) đã mua hơn 17 triệu cổ phiếu trong tổng số 29 triệu cổ phiếu đăng ký mua.
Số tiền từ doanh nghiệp chảy vào thị trường có thể tăng lên trong thời gian tới khi Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đăng ký mua 17,5 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ trong khoảng thời gian từ ngày 21/5 đến 20/6, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) đăng ký mua lại 10 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 2/6 đến 30/6.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (PAN), dù chỉ mua được 1/3 trong tổng số 21,6 triệu cổ phiếu đăng ký, tương đương hơn 7,2 triệu cổ phiếu, nhưng cũng góp phần đưa thị giá cổ phiếu tăng từ mức 19.000 đồng/cổ phiếu đầu tháng 4 lên 22.000 đồng/cổ phiếu hiện nay, tương đương tăng 16%, thậm chí từng bật lên gần 26.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 5. Hiện PAN đang có gần 7,3 triệu cổ phiếu quỹ.
Tương tự, trong giai đoạn PVI mua cổ phiếu quỹ (3 - 29/4), thị giá cổ phiếu đã tăng từ 27.000 đồng/cổ phiếu lên 31.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng khoảng 15%. Sau đó, giá cổ phiếu này có thời điểm tăng lên gần 34.000 đồng/cổ phiếu. PVI hiện sở hữu hơn 10,7 triệu cổ phiếu quỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp có nguồn tiền dồi dào có thể mua cổ phiếu quỹ vào thời điểm thị trường sụt giảm, vừa giúp hỗ trợ giá cổ phiếu, vừa làm “của để dành”, có thể bán ra khi giá cổ phiếu tăng, thu nguồn thặng dư về.
Trên thực tế, sau mỗi chu kỳ thị trường giảm mạnh như thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 hay một vài năm gần đây, việc giá cổ phiếu hồi phục mạnh mẽ đã mang lại nguồn thặng dư không nhỏ cho doanh nghiệp.
Ví dụ, tháng 11/2019, ACB bán ra hơn 35 triệu cổ phiếu quỹ với giá 23.800 đồng/cổ phiếu, trong khi mức giá mua vào trước đó chỉ khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu, nhờ đó ngân hàng này thu về hơn 838 tỷ đồng thặng dư. Năm 2017, Techcombank (TCB) từng chi hơn 4.000 tỷ đồng để mua 172 triệu cổ phiếu quỹ, một năm sau bán ra và thu về 12.000 tỷ đồng.
Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể kiếm lời từ cổ phiếu quỹ nếu thực hiện giao dịch không đúng thời điểm. Mặt khác, khi kinh tế thế giới đang đối mặt với suy thoái, môi trường kinh doanh khó khăn, việc mua cổ phiếu quỹ dễ khiến nguồn vốn của doanh nghiệp trở nên eo hẹp, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.