Mảng xám trong kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết

Mảng xám trong kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết

(ĐTCK) Có 1.001 lý do dẫn đến hoạt động kinh doanh thua lỗ của các doanh nghiệp. 

Dù vậy, vào giai đoạn cao điểm công bố báo cáo tài chính, danh sách doanh nghiệp thua lỗ càng dài, thì bức tranh chung của thị trường càng tăng thêm màu xám.

Nói đến tình trạng lỗ chồng lỗ, lãi mẹ sinh lãi con thì không thể không nhắc đến CTCP Thuận Thảo (GTT). Dù đã cắt giảm các mảng kinh doanh không hiệu quả, GTT tiếp tục ghi nhận khoản lỗ gần 162 tỷ đồng trong năm 2018, chủ yếu đến từ khoản chi phí tài chính (lãi vay) lên đến 106 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế của Công ty tính đến cuối năm 2018 là gần 1.242 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 795 tỷ đồng.

Trong công văn giải trình về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018, GTT cho biết, trong quý IV/2018, với việc thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả, Thuận Thảo đã giảm được 8,31% tổng chi phí kinh doanh (bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) xuống còn 44,86 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc này kéo theo doanh thu từ hoạt động kinh doanh giảm mạnh tới 35,49% so với cùng kỳ năm trước đó, chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng.

Việc chi vượt mức thu dẫn tới lợi nhuận thuần của doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tình trạng âm. Tính đến cuối năm 2018, GTT ghi nhận giá trị tổng tài sản hơn 747 tỷ đồng; trong đó, tài sản cố định chiếm gần 95%, tương ứng 707 tỷ đồng.

Thuận Thảo cho biết, các tài sản của Công ty đã hoạt động nhiều năm và xuống cấp; trong khi đó, GTT lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn vốn đầu tư nâng cấp, bổ sung nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh.

Một trong những nguyên nhân đẩy Công ty vào tình trạng thua lỗ như hiện tại đến từ  những dự án bất động sản với số vốn đầu tư nghìn tỷ đồng như Dự án Khách sạn CenDeluxe Hotel. Chưa kể một số dự án đang triển khai phải dừng lại do thiếu vốn, trong đó có Dự án Khu biệt thự cao cấp Resort & Spa Golden Beach.

Trong khi đó, cổ đông của CTCP Thép Việt - Ý (VIS) cũng đang “hoang mang” về tình trạng đi lùi của doanh nghiệp. Năm 2016, VIS ghi nhận lợi nhuận trước thuế trên 75 tỷ đồng, con số này giảm xuống còn 55,3 tỷ đồng năm 2017.

Năm 2018, Công ty chính thức “về tay” đối tác Nhật Bản với quyết tâm tái cấu trúc mạnh mẽ, tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động. Những tưởng kết quả kinh doanh sẽ lạc quan hơn, nhưng rốt cuộc, báo cáo tài chính năm 2018 của VIS công bố mức lỗ hơn 300 tỷ đồng.

Giải trình cho kết quả đáng quên này, VIS chỉ ra nguyên nhân phần lớn là do chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, thị trường thép biến động mạnh, nhất là lĩnh vực sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của Công ty lao dốc. Cũng theo VIS, tình trạng cung dư so với cầu là một trong nhiều thách thức mà VIS và các doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt.

Ðáng chú ý, nhìn vào cơ cấu nguồn vốn của VIS, các khoản nợ phải trả chiếm tới hơn 73%, chủ yếu là do vay nợ ngắn hạn gần 1.967 tỷ đồng, tăng hơn 60 tỷ đồng so với đầu năm. Tại thời điểm cuối năm, VIS có khoản nợ xấu lên đến 103 tỷ đồng, đa số các khoản nợ đều quá hạn 3 năm và Công ty chỉ thu lại được gần 4 tỷ đồng.

Năm 2018, trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư chứng kiến thêm một số doanh nghiệp lần đầu ghi nhận lỗ, đơn cử là Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận - Maseco (MSC). Báo cáo tài chính quý IV/2018 của MSC cho thấy, con số lỗ lớn lên tới gần 119 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế cả năm tới 164,3 tỷ đồng.

Ðây là năm đầu tiên MSC kinh doanh thua lỗ, đến từ nguyên nhân lỗ hoạt động kinh doanh nông sản và việc lập dự phòng giảm giá hàng điện tử. Tuy nhiên vẫn có một điểm sáng, tính đến cuối năm 2018, nguồn vốn nợ phải trả của MSC cũng giảm mạnh từ 504 tỷ đồng xuống còn 131,7 tỷ đồng, do Công ty đã trả được bớt nợ người bán và vay nợ tài chính ngắn hạn. 

Ở nhóm doanh nghiệp ngành điện, Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (NCP) và Công ty cổ phần Nhiệt Ðiện Quảng Ninh (QTP) đang là “đại diện” cho việc kinh doanh thua lỗ. NCP đang ghi nhận lỗ hơn 375 tỷ đồng trong năm 2018, trong khi NCP cũng lỗ hơn 300 tỷ đồng.

Theo đại diện NCP, việc sản lượng thấp, phải sửa chữa thiết bị của nhà máy, chi phí cố định, lãi vay và chênh lệch tỷ giá khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2018.

Mỗi doanh nghiệp có những khó khăn riêng, cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng thua lỗ khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để khắc phục được mới là vấn đề mấu chốt. Bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HÐQT GTT thừa nhận, việc tái cấu trúc của Công ty trong thời gian qua chưa thật sự mang lại hiệu quả.

Phương án khắc phục được GTT đưa ra là sẽ thực hiện thanh lý, chuyển nhượng tài sản để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân; xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định.

Trước mắt, Công ty sẽ tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư. Sau đó sẽ tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh - liên kết để huy động nguồn vốn; đồng thời cố gắng kiện toàn hệ thống quy trình, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát. Dù vậy, quá trình này mất rất nhiều thời gian và liệu Công ty có đủ sức cầm cự qua giai đoạn này?

Tin bài liên quan