Giao dịch chứng khoán chiều 4/8: Nhà đầu tư tự tin giải ngân, VN-Index vượt mốc 825 điểm

Giao dịch chứng khoán chiều 4/8: Nhà đầu tư tự tin giải ngân, VN-Index vượt mốc 825 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index tiếp cận trở lại mốc 825 điểm. Tuy nhiên, với sự ổn định của dòng tiền, chỉ số vẫn duy trì vững đà tăng và kết phiên với mức tăng gần 13 điểm, cũng là mức cao nhất ngày.

Dư âm từ phiên tăng tích cực đầu tiên của tháng 8 tiếp tục đẩy VN-Index sớm bật tăng khi mở cửa phiên hôm nay, đưa chỉ số nhanh chóng tiếp cận mốc 825 điểm. Tại đây, áp lực chốt lời đã gia tăng, qua đó hãm bớt đà tăng của chỉ số.

Trong một vài phiên gần đây, dòng tiền có xu hướng tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, dòng tiền này thiếu sự ổn định nên khó có thể hỗ trợ thị trường và thực tế là đã có phiên VN-Index đảo chiều giảm mạnh khi gặp áp lực chốt lời mạnh.

Diễn biến này khiến một bộ phận nhà đầu tư giao dịch thận trọng, đặc biệt sau khi VN-Index dần hạ nhiệt khi tiếp cận mốc 825 điểm. Tuy nhiên, việc dòng tiền tiếp tục cho thấy sự ổn định trong nửa đầu phiên chiều đã giúp nhà đầu tư cởi bỏ tâm lý thận trọng và giao dịch tích cực hơn trong nửa cuối phiên. Nhờ đó, VN-Index nhẹ nhàng vượt qua mốc 825 điểm lên mức cao nhất ngày với mức tăng gần 13 điểm.

Đóng cửa, với 326 mã tăng và 68 mã giảm, VN-Index tăng 12,92 điểm (+1,59%) lên 827,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 277,44 triệu đơn vị, giá trị 4.179,04 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên 3/8. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 26 triệu đơn vị, giá trị hơn 694 tỷ đồng.

Tại rổ VN30, sức cầu tốt giúp rổ cổ phiếu này không có mã nào giảm. Ngoại trừ REE và SBT đứng giá, còn lại đều tăng. Tuy nhiên, mức tăng cũng không quá mạnh. Đây là lý do vì sao VN-Index không “bốc” mạnh trong phiên.

Chỉ có ROS, VCB và KDH là 3 tăng hơn 3%, trong đó VCB tăng tích cực nhất với +3,9% lên 81.900 đồng. VRE và MSN tăng hơn 2%, còn lại đa phần tăng từ 1-2%.

HPG là mã có thanh khoản tốt nhất rổ với hơn 11 triệu đơn vị, tăng 0,4% lên 23.000 đồng. Tiếp đó là ROS khớp lệnh 8,27 triệu đơn vị, tăng 3,7% lên 2.220 đồng.

Phiên này tiếp tục chứng kiến dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thể hiện ở sự áp đảo của số mã xanh. Nhiều midcap có mức tăng tốt như HBC, GEX, HSG, STB, DPM, CTI, KSB, TCM…

Nhiều mã penny giữ vững sắc tím như HQC, ITA, AMD, HAI, TNI, MCH, HCD, SJF… , toàn sàn có 22 mã tăng trần. Trong đó, HQC khớp 22,1 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE và cao hơn gần 2 lần so với mã đứng thứ 2 là ITA với 12,7 triệu đơn vị. Đóng cửa, HQC đứng ở mức giá 1.580 đồng, ITA là 4.100 đồng. Các mã còn lại khớp lệnh từ 1-4 triệu đơn vị.

Ngược lại, mã DAH giảm sàn về 5.070 đồng, khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 11 liên tiếp của cổ phiếu này, trong đó 10 phiên giảm sàn.

Trên sàn HNX, sức cầu tốt trong khoảng nửa cuối phiên cũng đưa chỉ số HNX-Index lên mức cao nhất phiên, thậm chí mức tăng của HNX còn tích cực hơn so với HOSE.

Đóng cửa, với  97 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng 2,08 điểm (+1,88%) lên 112,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,46 triệu đơn vị, giá trị 480,17 tỷ đồng, tăng gần 7% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên 3/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,78 triệu đơn vị, giá trị 79,2 tỷ đồng.

So với VN30, rổ HNX30 không đồng thuận bằng, nhưng các mã “nặng ký” nhất đều tăng mạnh, góp phần giúp mức tăng của HNX tốt hơn so với HOSE.

Đơn cử, ACB +2,2% lên 23.700 đồng;  SHB +4,1% lên 12.600 đồng; HUT, CEO, SHS, TNG, BVS… tăng từ 3-5%, thậm chí TVC và L14 còn tăng gần 7%.

Các mã giảm giá trong rổ có DHT, DGG, VGS, VCG, LCH…, trong đó DHT -4,5% về 55.400 đồng.

HUT dẫn dầu thanh khoản với 4,6 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 4,8% lên 2.200 đồng; sau đó là SHB với 4,07 triệu đơn vị, tăng 4,1% lên 12.600 đồng.

ACB khớp lệnh 2,9 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản. NVB khớp 2,05 triệu đơn vị, nhưng đứng giá 8.600 đồng.

Trong số 19 mã tăng trần, chỉ NHP là đạt mức khớp hơn 1,1 triệu đơn vị, tăng lên 600 đồng, các mã khác như S99, MPT, DST, VIG… đều dưới mức này.

Ngược lại, nằm trong số 7 mã giảm sàn có cổ phiếu dược DNM, về mức 65.800 đồng, qua đó chấm dứt chuỗi tăng liên tiếp ở con số 8, trong đó có 6 phiên trần liên tục. Phiên này khớp lệnh 0,229 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, không như 2 sàn niêm yết, đà tăng thị trường này gặp áp lực khá lớn và khó khăn để giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, với 134 mã tăng và 53 mã giảm, UpCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,7%) lên 55,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,50 triệu đơn vị, giá trị hơn 243 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên 3/8. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,3 triệu đơn vị, giá trị 59,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên UPCoM có sự đồng thuận cao, nhưng vì mức tăng hạn chế nên không hỗ trợ nhiều cho chỉ số. Đơn cử, các mã LPB, BSR, VIB, DVN, OIL, BVB… đều không tăng quá 300 đồng mỗi cổ phiếu.

Trong khi đó, các mã tăng mạnh như VGI, CTR, MCH thì không nhiều. Một số mã tăng trần có thể kể tới là MLS, VHG, VNH…, nhưng thanh khoản không cao.

Về thanh khoản, chỉ có 3 mã khớp lệnh mạnh là LPB, BSR và VIB, trong đó dẫn đầu là LPB với 4,7 triệu đơn vị, tăng lên 8.600 đồng; BSR là 2,7 triệu  đơn vị, tăng lên 6.200 đồng và VIB là 1,2 triệu đơn vị, tăng lên 19.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VNF2008 tăng 2,7% lên 762 điểm – không phải là mã tăng mạnh nhất, nhưng là mã thanh khoản tốt nhất với 234.993 đơn vị, khối lượng mở 36.107 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm áp đảo với 45 mã tăng và chỉ 14 mã giảm, 5 mã đứng giá. Trong đó, mã CMBB2002 được giao dịch tích cực nhất với 640.480 đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá 30 đồng/CQ.

Tin bài liên quan