Các DN tiên phong nới room là những DN mà tỷ lệ sở hữu phản ánh hai chữ “đại chúng” thực sự

Các DN tiên phong nới room là những DN mà tỷ lệ sở hữu phản ánh hai chữ “đại chúng” thực sự

Giải mã số lượng ít ỏi doanh nghiệp hào hứng nới room

(ĐTCK) Động thái nới “room” của các DN như EVE, VHC, BIC, VHC, MBB, VNM, CII, TCM… khiến giá cổ phiếu tăng, giúp TTCK tuần qua “dậy sóng”. Tuy nhiên, có những băn khoăn khiến nhiều DN vẫn hững hờ với nới room.

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vừa xin chốt danh sách xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút 7 ngành nghề đăng ký kinh doanh và điều chỉnh 2 ngành nghề. Động thái này được xem là mở đường cho việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho NĐT nước ngoài của VNM.

Trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhiều DN đăng ký quá nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng không hoạt động trong ngành nghề đó, nên dễ bị vướng vào danh mục các ngành nghề liên quan tới đến sở hữu nước ngoài theo các điều khoản cam kết hội nhập quốc tế. Trong trường hợp này, Ủy ban đã hướng dẫn DN đến các cơ quan đăng ký ngành nghề kinh doanh để rút ngành nghề không hoạt động, hoặc thành lập công ty con 100% vốn hoạt động trong một số ngành nghề nhất định.

Ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT CTCP Dệt may Thành Công (TCM) cho hay, TCM đang chờ trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có kế hoạch xin ĐHCĐ thông qua việc nới room. EVE là trường hợp để TCM theo dõi và tham khảo.

Trên TTCK, hầu hết các cổ phiếu nới room và khá chắc chắn về việc sớm mở room đều có diễn biến tăng giá ấn tượng. Thế nhưng, câu chuyện nới room hiện mới dừng lại ở mức độ các DN đơn lẻ, còn tại nhiều DN thì thái độ với nới room rất e dè.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế giới di động (MWG) chia sẻ, MWG sẽ chỉ mở room khi kiểm soát được các rủi ro vì theo quy định hiện hành, khi chuyển thành công ty có vốn đầu tư nước ngoài, MWG sẽ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác liên quan đến loại hình DN này.

“Chẳng hạn, mở một cửa hàng Thế giới di động, chúng tôi phải gửi đơn để chính quyền xem xét nhu cầu, rồi mới quyết định có cho mở hay không, tức là xin - cho, thay vì cơ chế thông báo như hiện nay. Chúng tôi đang chờ một văn bản của cơ quan có thẩm quyền khẳng định rằng, nếu mở room thì MWG vẫn được đối xử như một DN nội bình thường, để đưa văn bản đó ra khi làm việc với các địa phương”, ông Tài nói.

Liên quan đến cơ chế “xin - cho” nêu trên, một DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối cho hay, DN có vốn đầu tư nước ngoài muốn mở một siêu thị bán lẻ thì thời gian làm thủ tục xin phép thường mất 2 năm.

Một số DN lớn trong ngành thép khi được hỏi về động thái mở room cho biết, cứ chờ xem các DN khác làm thế nào đã. Thực tế, nhiều DN có các cổ đông cá nhân sở hữu tỷ lệ chi phối thường không quan tâm đến việc nới room.

Trong khối CTCK, mặc dù CTCK Sài Gòn (SSI) đã tiên phong trong việc mở room, nhưng hầu hết công ty khác vẫn lặng tiếng về việc này. Trao đổi với ĐTCK, đại diện một CTCK chia sẻ, rủi ro về mặt pháp lý là nguyên nhân chính khiến ban lãnh đạo công ty chưa quyết định việc nới room. Ngoài vướng mắc chung là Luật Đầu tư nước ngoài quy định, DN có tỷ lệ nước ngoài sở hữu 51% được coi là DN nước ngoài, phải thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định riêng, thì khối CTCK còn có băn khoăn khác là Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng cho DN nước ngoài vay vốn đầu tư kinh doanh chứng khoán. Ngoài ra, còn một số bất lợi liên quan đến thuế, chuyển tài sản ra nước ngoài, tự doanh (tỷ lệ sở hữu của CTCK tại các DN trong danh mục tự doanh cũng bị tính là tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài)…

Đó là những rủi ro về mặt pháp lý mà các công ty có thể gặp phải nếu không có sự đảm bảo từ phía các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, quan sát trường hợp của SSI có thể thấy, dù tỷ lệ sở hữu của khối ngoại đã vượt 51% một thời gian khá lâu, nhưng hoạt động của công ty này không có gì thay đổi và chưa có một hệ lụy nào từ việc mở room.

Trong bản tin mới đây, Bộ phận Tư vấn của CTCK TP. HCM (HSC) nhận xét: “Các DN niêm yết muốn nới room trong tương lai sẽ xem xét kỹ các ví dụ trước mắt (SSI, EVE, VHC) để xem liệu có phát sinh bất lợi vào về mặt hoạt động từ quyết định nới room hay không. Nếu như không có bất lợi phát sinh, thì những DN này cũng sẽ xin nới room”. HSC kỳ vọng, thông tin nới room sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường và thu hút NĐT quay trở lại thị trường như trong những ngày gần đây.

Về việc nới room của chính HSC, Tổng giám đốc HSC, ông Johan Nyvene cho biết, HSC sẽ sớm nộp hồ sơ xin để thực hiện mở room cho NĐT nước ngoài.       

Tin bài liên quan