Đừng quá kỳ vọng vào việc thoái vốn của SCIC

Đừng quá kỳ vọng vào việc thoái vốn của SCIC

(ĐTCK) Quyết định của Chính phủ mới đây cho phép SCIC thoái toàn bộ vốn tại 10 DN lớn, kinh doanh hiệu quả vẫn còn là tâm điểm chú ý của giới đầu tư và bộ phận phân tích.

Nhiều CTCK nói rằng đây sẽ là thông tin ảnh hướng lớn đến TTCK trong quý cuối cùng của năm. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, có lẽ thị trường không nên quá kỳ vọng vào việc này.

Thực ra, quyết định trên không quá mới. Nếu so với Quyết định 2344/QĐ-TTg ngày 2/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu SCIC giai đoạn đến 2015, chỉ có FPT Telecom, Vinamilk (VNM) và Tổng công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) là những cái tên mới trong danh sách SCIC sẽ thoái vốn được công bố lần này. Những DN còn lại như Tập đoàn FPT (FPT), Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)… đều nằm trong  danh mục 376 DN mà SCIC sẽ thoái vốn theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo một nguồn tin từ SCIC, quyết định của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa rồi xuất phát từ việc phúc đáp công văn của SCIC về việc đơn vị này rà soát danh mục các DN mà họ cần nắm giữ dài hạn. Theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/6/2014, các tổng công ty như SCIC phải rà soát và có báo cáo Chính phủ về việc tái cơ cấu danh mục đầu tư, trong đó đề xuất lý do giữ và thoái vốn  tại các DN căn cứ theo quyết định này. 

Do đó, kỳ vọng về một bước ngoặt trong tiến trình thoái vốn của SCIC trong tương lai gần e còn quá sớm. Nhìn lại hơn 1 năm kể từ khi Quyết định 2344/QĐ-TTg được ban hành, SCIC chưa thoái được toàn bộ vốn tại DN nào trong số 10 DN (trừ VNM, Ftel và VNR). Ngoài những bước thực hiện thận trọng do đây đều là các DN lớn, hầu như đã kín room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, thị trường thời điểm này theo nhận xét của nhiều chuyên gia cũng không quá lý tưởng cho việc thoái vốn tại các DN lớn, kinh doanh hiệu quả.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC cho biết, để thoái vốn tại các DN trên sẽ phải theo lộ trình và rất cẩn trọng. Hiện nay với các DN đang niêm yết, có thể thoái vốn theo hình thức thỏa thuận  trong biên độ hoặc thỏa thuận ngoài sàn. Bán cả lô lớn thì việc thỏa thuận ngoài sàn sẽ có lợi hơn (không bị khống chế biên độ giá) đồng thời có thể tiến hành chào bán cạnh tranh (nhiều nhà đầu tư có thể tham gia, nhà đầu tư trả giá cao nhất sẽ trúng giá). Với các DN chưa niêm yết, có thể thực hiện đấu giá trọn lô hoặc đấu giá một phần… 

Kể từ khi thành lập đến 30/9/2015, SCIC đã bán vốn tại 811 DN, trong đó bán hết vốn nhà nước tại 733 DN, bán bớt vốn nhà nước tại 78 DN và bán quyền mua tại 19 DN, doanh thu bán vốn đạt 9.243 tỷ đồng, giá vốn đạt 3.925 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy 10 năm bán vốn của SCIC cũng chưa bằng 1 khoản thoái vốn tại VNM hay Ftel lần này (giả định thị giá cổ phiếu như hiện tại). Vì đây là những DN quan trọng được dư luận quan tâm nên chắc chắn SCIC sẽ phải thực hiện bán một cách minh bạch đúng quy định, hướng đến lợi ích cao nhất cho Nhà nước. Như vậy, rõ ràng việc bán vốn này không hề đơn giản và có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Tin bài liên quan