Dư nợ margin dịch chuyển trong khối công ty chứng khoán

Dư nợ margin dịch chuyển trong khối công ty chứng khoán

(ĐTCK) Trong quý IV/2018, dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) có diễn biến trái ngược ở các công ty chứng khoán. Trong đó, bên tăng chủ yếu là do công ty áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 của các công ty chứng khoán, thời điểm cuối năm 2018, dư nợ cho vay margin tại Công ty Chứng khoán TP.HCM là 3.262 tỷ đồng, giảm hơn 1.070 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó.

Tương tự, dư nợ cho vay margin tại Công ty Chứng khoán Bản Việt giảm 1.283 tỷ đồng (xuống 2.791 tỷ đồng), tại Công ty Chứng khoán MB giảm 255 tỷ đồng, tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội giảm 250 tỷ đồng, tại Công ty Chứng khoán VNDRIRECT giảm hơn 800 tỷ đồng, tại Công ty Chứng khoán FPT giảm 356 tỷ đồng, tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt giảm hơn 170 tỷ đồng…

Trong khi đó, các khoản cho vay margin tại Công ty Chứng khoán SSI tăng hơn 530 tỷ đồng trong quý IV/2018, lên 5.967 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Tại Mirae Asset Việt Nam, dư nợ margin là 3.583 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2018, tăng 1.564 tỷ đồng so với cuối quý III/2018 và tăng 2.511 tỷ đồng so với đầu năm. Trong năm qua, Mirae Asset Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, đạt quy mô vốn lớn thứ hai sau SSI.

Tại Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, dư nợ cho vay cuối năm 2018 là hơn 1.980 tỷ đồng, tăng hơn 320 tỷ đồng so với 30/9/2018. Một công ty chứng khoán 100% vốn ngoại khác là KB Securities ghi nhận dư nợ cho vay margin tăng 365 tỷ đồng trong quý cuối năm 2018, lên mức 1.146 tỷ đồng.

Thông thường, trong bối cảnh thị trường có diễn biến kém khả quan, đa số công ty chứng khoán có động thái thắt chặt dư nợ margin nhằm giảm thiểu rủi ro, thông qua việc điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay đối với một số cổ phiếu. Dĩ nhiên, nhà đầu tư cũng hạn chế vay margin hơn.

Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán vốn ngoại đang có kế hoạch phát triển dịch vụ và định vị thương hiệu rõ ràng hơn ở thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, tăng vốn là một trong những bước cần thiết đã được các công ty này thực hiện. Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng xoay quanh mức 8%/năm, nhưng đã có những công ty chứng khoán triển khai chương trình cho vay giao dịch ký quỹ với mức lãi suất 6%/năm trong 6 tháng, nhân dịp khai trương chi nhánh.

Với cuộc chạy đua cho vay margin bằng cách giảm lãi suất, nhiều nhà đầu tư cân nhắc mở mới tài khoản, hoặc dịch chuyển tài khoản về công ty chứng khoán có mức lãi suất hấp dẫn nhất.

Giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán 100% vốn ngoại cho rằng, đối với những tài khoản nắm giữ lượng lớn cổ phiếu và thường xuyên có giao dịch, đa số có sử dụng margin. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm và thanh khoản thấp, các tài khoản này sẽ ưu tiên tìm đến các công ty chứng khoán có lãi suất margin thấp.

Theo đó, có sự dịch chuyển tài khoản ở nhóm công ty chứng khoán có lãi suất margin cao, dù là công ty lớn, sang công ty chứng khoán có chính sách lãi suất hấp dẫn hơn, ngay cả khi đó là công ty nhỏ. Khi thị trường có xu hướng tăng điểm rõ ràng thì nhu cầu tạo thanh khoản càng ngày càng tăng, các tài khoản sử dụng margin lại ưu tiên tìm đến công ty chứng khoán có vốn lớn.

Theo vị giám đốc phân tích trên, về nguyên tắc, khi thanh khoản thấp, thị trường giảm, các nhà đầu tư lớn thường ít có động thái mua, bán. Nhưng trong tài khoản của họ, tỷ lệ duy trì margin lớn, nếu lãi suất cao thì chi phí lãi margin là không nhỏ, buộc họ phải tìm kiếm những công ty chứng khoán có mức lãi suất cho vay hấp dẫn. Tài khoản ít sử dụng margin, hoặc vay món nhỏ cũng cân nhắc tới phí giao dịch. Đây là nguyên nhân chính khiến dư nợ margin ở một số công ty chứng khoán tăng lên, vì có chính sách phí dịch vụ hấp dẫn.

Tương tự, phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng, dư nợ margin tăng ở một số công ty chứng khoán và giảm ở một số công ty khác, ngoài quan điểm điều hành của từng công ty thì chủ yếu là do sự dịch chuyển giao dịch của nhà đầu tư.

Thực tế, nhiều khách hàng lớn có sự dịch chuyển giao dịch sang các công ty chứng khoán chào phí dịch vụ tốt hơn nhiều so với công ty cũ. Còn khách hàng nhỏ lẻ thường không có quá nhiều ưu đãi từ phía công ty chứng khoán nên sự dịch chuyển không rõ rệt.

Đa số công ty chứng khoán có chính sách lãi suất margin thấp cũng có chính sách phí giao dịch thấp để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh trong thu hút khách hàng, nhằm củng cố và mở rộng thị phần môi giới.

Tin bài liên quan