Điểm sáng chính sách nới room

Điểm sáng chính sách nới room

(ĐTCK) Chỉ những DN dự định hạn chế room dưới 100% mới phải tổ chức ĐHCĐ thống nhất ý kiến, còn lại HĐQT có thể quyết định room mở đến 100%.

Cuối cùng, sau gần 3 năm kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) khởi xướng ý tưởng nới room, khung pháp lý nới rộng tỷ lệ đầu tư tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài đã chính thức hoàn tất bằng việc ra đời Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Sự ra đời của Thông tư 123 trước thời điểm Nghị định 60 có hiệu lực, được đánh giá là một điểm sáng chính sách đáng ghi nhận, trong bối cảnh nhiều văn bản hướng dẫn luật đã không thể ra đời đúng hẹn để kịp đưa các dự án Luật (như Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…) đi vào cuộc sống.

Điểm đáng ghi nhận của Thông tư 123 không chỉ ở tiến độ, mà còn ở việc đã giải quyết được bài toán lớn về thủ tục nới room của các DN đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nghị định 60 cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào các DN đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trừ trường hợp Điều lệ của DN có quy định khác.

Theo dự kiến, các DN muốn nới room sẽ phải tổ chức ĐHCĐ và sửa Điều lệ công ty để thông qua tỷ lệ room cụ thể. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến từ các DN và nhà đầu tư mới đây, Thông tư 123 đã đơn giản hóa thủ tục mở room bằng quy định, chỉ những DN dự định hạn chế room dưới 100% mới phải tổ chức ĐHCĐ thống nhất ý kiến, còn lại HĐQT có thể quyết định room mở đến 100%.

Cùng với việc nới room, Thông tư 123 đã đơn giản hóa các thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam theo đúng cam kết mà lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo UBCK đã công bố tại hai sự kiện đặc biệt: Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật, tháng 5/2014 và Hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York, tháng 7/2015.

Theo đó, Thông tư 123 tiết giảm tối đa các đầu tài liệu; bãi bỏ việc phải hợp pháp lãnh sự đối với các hồ sơ; tài liệu bằng tiếng Anh không cần dịch sang tiếng Việt.

Với khung pháp lý mới này, nhà đầu tư ngoại thay vì mất 3-6 tháng,  nay chỉ cần khoảng 1 tuần là có thể hoàn tất thủ tục đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Đón nhận chính sách nới room và giảm thủ tục cho nhà đầu tư ngoại, Tổng giám đốc VinaCapital, ông Don Lam nhận định, chính sách mới sẽ tạo bước đột phá thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại đến cơ hội từ cổ phần hóa DNNN và đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước thì cho rằng, quyết sách nới room, sau gần 3 năm bàn thảo, đã được cụ thể hóa, ghi dấu ấn như một bước tiến lớn về tư duy chính sách trong thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế.

Mặc dù có một số ngành nghề, lĩnh vực đặc thù sẽ chịu giới hạn sở hữu của khối ngoại, nhưng việc chính thức nới room đang là cơ hội rất lớn cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Tính đến 20/8/2015, TTCK Việt Nam có trên 15.000 nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản. Theo tính toán, mặt bằng giá trên TTCK Việt Nam hiện khá thấp so với nhiều nước trong khu vực, chỉ số PE của 30 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường hiện chỉ 11 lần. Hiện tại, TTCK đang giảm điểm khá mạnh, VN-Index đã rơi dưới mốc 570 điểm, trước sự điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Tuy nhiên, dòng tiền thông minh sẽ sớm nhận ra cơ hội từ Việt Nam.

Đánh giá của một số CTCK lớn như SSI, VPBS, MBS… cho rằng, nới room là chính sách quan trọng, có giá trị trong dài hạn với TTCK và nền kinh tế. Chỉ cần một số quỹ đầu tư lớn tìm thấy cơ hội và thực hiện giải ngân, sức hấp dẫn, cũng như diện mạo TTCK Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều.

Tin bài liên quan