Cái giá của “nhạy cảm quá đà”

Cái giá của “nhạy cảm quá đà”

(ĐTCK) TTCK được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, nhiều NĐT đã phải trả cái giá không hề rẻ cho sự nhạy cảm quá đà với các thông tin chính sách, mà lơ là việc nghiên cứu chi tiết, đánh giá giá trị nội tại của doanh nghiệp.

Ngày 25/11, cổ phiếu của một doanh nghiệp niêm yết trên TTCK bị bán ra ồ ạt, giá giảm sàn, gây tâm lý hoang mang cho không ít NĐT.

Mọi nghi ngờ nguyên nhân sụt giảm đổ dồn vào thông tin một chính sách mới về thuế sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà một số CTCK nhanh nhạy gửi cập nhật cho khách hàng.

Vì vậy, dù lực cầu dần trở nên yếu ớt, nhưng bên mua vẫn đua nhau đặt bán, đưa khối lượng cổ phiếu dư bán cuối phiên lên tới cả chục triệu đơn vị. Sự hoang mang ấy đã lan sang cả đầu phiên giao dịch hôm qua (26/11), khi giá cổ phiếu đó tiếp tục bị bán ra mạnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp thực tế được hưởng lợi, chứ không phải bị thiệt vì chính sách mới. Nhưng trong khoảng thời gian ngắn, hầu hết NĐT không còn đủ tỉnh táo để hiểu rằng, đôi khi, giá cổ phiếu giảm đơn thuần đến từ quan hệ cung cầu, chứ không phải từ chính sách bất lợi.

Câu chuyện của cổ phiếu nêu trên không phải là trường hợp cá biệt. Đến thời điểm này, có lẽ không ít NĐT cảm thấy xót xa khi lỡ mua cổ phiếu VNM, FPT ở mức giá tương ứng xấp xỉ 140.000 đồng/cổ phiếu và 54.000 đồng/cổ phiếu vì kỳ vọng, giá các mã này sẽ còn tăng khi cổ đông nhà nước là SCIC thực hiện thoái vốn.

Trên thị trường, có những ý kiến cho rằng, VNM hoàn toàn có thể chạm mức giá 170.000 - 180.000 đồng/cổ phiếu khi SCIC thoái vốn và FPT chạm mức 60.000 - 70.000 đồng/cổ phiếu trong diễn biến tương tự.

Chỉ có điều, chính sách mới dừng lại ở ý tưởng, còn thời điểm thực hiện thì vẫn chưa chốt. Điều này dẫn tới việc cổ phiếu sau một hồi chạy theo các yếu tố bên ngoài, cũng dần dần quay trở về mức định giá so sánh phù hợp với bối cảnh chung của thị trường, để lại lượng không nhỏ NĐT “cô đơn trên đỉnh”.

Môi trường kinh doanh ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí là sinh mệnh của doanh nghiệp. Nhìn lại quá khứ, nhóm ngành khoáng sản hiện trở nên “bê bết” sau khi chính sách thay đổi theo hướng bất lợi, các doanh nghiệp ngành bất động sản đã qua thời siêu lợi nhuận vì chính sách mới liên quan đến chuyển đổi quyền sử dụng đất, hay hoạt động đầu tư chứng khoán bị sụt giảm nghiêm trọng vì chính sách mới liên quan đến tín dụng ngân hàng.

Trước khi phản ứng với chính sách, việc NĐT nên làm đầu tiên có lẽ là phân tích chính sách, đánh giá tổng thể doanh nghiệp, chứ không phải vội bán, vội mua theo những ước lượng cảm tính.

Tin bài liên quan