Nửa cuối năm sẽ “sáng”
Tại Hội thảo “Triển vọng TTCK Việt Nam năm 2016” do CTCK KIS Việt Nam (KIS) tổ chức cuối tuần qua, ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang trong thời kỳ điều chỉnh và khá “tối”, nếu đi qua được giai đoạn này thì thị trường sẽ bước sang một vùng sáng mới và hồi phục trở lại.
Theo ông Yun Hang Jin, trong năm qua, các NĐT nước ngoài có động thái bán ròng với quy mô khá lớn nếu so sánh với các thị trường khác (quy mô TTCK Việt Nam nhỏ hơn, nhưng mức bán ròng tương đương). Tại HOSE, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 4.200 tỷ đồng kể tháng 8/2015 đến nay.
Theo khảo sát của KIS với các NĐT nước ngoài, khối này cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng điểm trong năm 2016, nhưng mức tăng không cao so với các thị trường trong khu vực.
Năm 2015, VN-Index dao động trong khoảng 520 - 640 điểm. Năm 2016, KIS dự báo, chỉ số dao động từ trên 500 điểm đến trên 600 điểm, nhưng xu thế sẽ khác so với năm ngoái. Nếu như năm 2015, thị trường tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm và điều chỉnh trong 6 tháng cuối năm, thì năm 2016, VN-Index có thể điều chỉnh trong nửa đầu năm và phục hồi trong nửa cuối năm.
3 nhóm yếu tố tác động đến thị trường
KIS dự báo, 3 nhóm yếu tố sẽ có ảnh hưởng lớn đến TTCK năm 2016 bao gồm: thị trường bên ngoài; chính trị và các chính sách chủ chốt; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và lợi nhuận của DN.
Về yếu tố thị trường bên ngoài, kinh tế thế giới đang suy giảm, NĐT lo ngại Mỹ sẽ tăng lãi suất.
“Năm ngoái, Fed đã tăng lãi suất, năm nay có thể tăng lãi suất 1 - 2 lần và sẽ ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam”, ông Yun Hang Jin nói và cho rằng, quyết định tăng lãi suất phụ thuộc vào tình hình thị trường nên đây là yếu tố khiến nhiều NĐT bất an.
Liên quan đến thị trường tiền tệ, KIS nhận định, tỷ giá USD/VND có khả năng tăng 3 - 5% trong năm 2016, trong đó biến động khá mạnh trong nửa đầu năm. Giá đồng nhân dân tệ có khả năng tăng 3% trong năm 2016. Trường hợp lãi suất tại Mỹ tăng, tỷ giá USD/VND tăng, thì nhiều NĐT nước ngoài có thể sẽ xem xét việc rút vốn ra khỏi thị trường, nhưng mức độ bán ròng của khối ngoại không lớn và nửa cuối năm sẽ quay lại mua ròng.
Về yếu tố thứ hai, ông Yun Hang Jin cho rằng, sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tháng 5/2016, các nhà lãnh đạo sẽ có những chính sách hỗ trợ cho TTCK, đồng thời đẩy mạnh chống tham nhũng. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, trong ngắn hạn, chống tham nhũng thường có ảnh hưởng xấu đến TTCK. Đơn cử TTCK Trung Quốc, bộ máy chính phủ mới của nước này được thiết lập vào năm 2014 đã đẩy mạnh chống tham nhũng. Trong quá trình đó, những nhóm ngành liên quan đến hàng xa xỉ, khối lượng và giá trị giao dịch cổ phiếu giảm mạnh.
Về yếu tố thứ ba, KIS dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2016 tăng trưởng 6,5 - 6,6%. Các tổ chức uy tín trên thế giới dự báo, mức tăng GDP của Việt Nam năm nay sẽ trên dưới 6,5%. Trong khi đó, Chính phủ đưa ra mục tiêu GDP tăng 6,7%.
Theo ông Yun Hang Jin, năm 2016, nhu cầu hàng hóa trên thế giới suy giảm nên doanh thu của các DN khó tăng, nhưng chi phí có thể giảm nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm, giúp lợi nhuận sau thuế tiếp tục cải thiện. Thêm vào đó, lãi suất cho vay giảm giúp giảm gánh nặng chi phí lãi vay cho DN. Mặc dù vậy, tốc độ cải thiện lợi nhuận của DN sẽ không lớn, nên đóng góp vào GDP sẽ giảm so với năm trước.
Tìm ngành hấp dẫn
Trả lời câu hỏi của nhiều NĐT về các ngành đáng quan tâm, ông Yun Hang Jin cho rằng, giá dầu trên thế giới vẫn có xu hướng giảm, giá cả các mặt hàng nguyên liệu trong thời gian tới khó có khả năng phục hồi, nên nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu đáng quan tâm đầu tư. Ngoài ra, dòng vốn trên thị trường quốc tế đang có xu hướng rút ra khỏi các khối tài sản rủi ro cao, vì vậy một nhóm ngành khá an toàn để đầu tư là bất động sản.
Theo báo cáo của KIS, năng lượng, công nghệ thông tin và bất động sản là các ngành hấp dẫn trong năm 2016 do được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, lợi nhuận của DN sẽ được cải thiện trong năm nay.
Một số mã cổ phiếu được KIS khuyến nghị đầu tư là FPT, CMG, ELC (công nghệ); NLG, DXG, HBC (bất động sản); PGC, PAC (năng lượng); VSC, MWG…