Chứng khoán Việt “ngóng” thị trường Mỹ

Chứng khoán Việt “ngóng” thị trường Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự tương quan dương giữa diễn biến VN-Index và chỉ số chứng khoán Mỹ trong hai đợt tăng lãi suất trước của Fed củng cố niềm tin cho nhà đầu vào một nhịp hồi phục ngắn hạn của thị trường.

Diễn biến cùng chiều

Tại Việt Nam, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã trở thành mối lưu tâm của nhà đầu tư, giới chuyên gia và cơ quan quản lý khi có xu hướng tăng nhẹ trong 5 tháng đầu năm.

Trở lại với câu chuyện của thị trường chứng khoán, nếu như giai đoạn 2020 - 2021, nhiều thời điểm, chỉ số VN-Index ngược chiều với thị trường chứng khoán Mỹ thì từ đầu năm tới nay, chỉ số VN-Index và chỉ số S&P 500 có mối tương quan dương.

Cụ thể, từ tháng 3 tới nay, thị trường chứng khoán Mỹ thường có phản ứng tiêu cực trước mỗi lần Fed công bố tăng lãi suất và sau đó sẽ có nhịp hồi phục trở lại. Tại lần tăng lãi suất ngày 16/3, chỉ số S&P 500 giảm 8,2% và sau đó bật tăng 10%; tại lần tăng lãi suất ngày 4/5, chỉ số S&P 500 giảm 14,5% và sau đó bật tăng 6,1%; còn với lần tăng lãi suất gần nhất vào ngày 15/6, chỉ số này giảm 11,9% và mới bật lại trong 5 phiên gần đây (ngày 23/6), với mức tăng hơn 3,5%, lên 3.795,73 điểm.

Theo đó, trong lần tăng lãi suất thứ nhất của Fed, chỉ số VN-Index có nhịp giảm 2,6% từ ngày 2/3 - 14/3, sau đó bật tăng 3,6% tới ngày 29/3.

Trong lần tăng lãi suất thứ hai của ngân hàng trung ương Mỹ, từ 30/3 đến 16/5, chỉ số VN-Index rơi mất 21,4% và sau đó bật lại 10% tới ngày 2/6 (diễn biến trễ hơn chỉ số S&P500).

Trong lần tăng lãi suất thứ ba, từ 6 - 16/6, chỉ số giảm 9,4% và chỉ mới tăng 1,7% trong phiên 23/6 (cũng trễ hơn chỉ số S&P500).

Chờ cú huých từ cổ đông lớn và ban lãnh đạo

Ngoài kỳ vọng vào nhịp hồi sau khi thị trường đã phản ánh hết tin xấu Fed nâng lãi suất thì hiện đang có hai nguồn thông tin hỗ trợ với thị trường chứng khoán trong nước.

Thứ nhất, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp và người có liên quan đang đẩy mạnh mua vào cổ phiếu. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán VIX (mã VIX), tổ chức liên quan của ông Nguyễn Văn Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện (Gelex, mã GEX) công bố mua vào 15 triệu cổ phiếu GEX.

Trước đó, bà Nguyễn Bích Hà, con gái ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch Gelex cũng muốn mua vào 850.000 cổ phiếu GEX. Trước đó, từ ngày 4/5 - 24/5, ông Tuấn đã mua gom 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng sở hữu từ 22,58% lên 23,75% vốn điều lệ.

Công ty cổ phần Đầu tư Vinatex - Tân Tạo, tổ chức liên quan của ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh Bắc (mã KBC) đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu KBC để nâng sở hữu từ 3,65% lên 4,51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, giao dịch được thực hiện từ ngày 16/6 - 15/7. Tính theo mức giá đóng cửa ngày 21/6 của cổ phiếu KBC, Đầu tư Vinatex - Tân Tạo sẽ phải bỏ ra khoảng 143 tỷ đồng để sở hữu khối lượng cổ phiếu trên.

Trong khi đó, bà Đinh Thị Nhật Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Khải Hoàn Land (mã KHG) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu KHG để nâng sở hữu từ 1% lên 1,23% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/6 - 21/7/2022.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã HBC), ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 15,84% lên 19,91%, giao dịch dự kiến thực hiện từ 23/6 - 22/7. Tính theo giá thị trường ngày 21/6/2022, ông Lê Viết Hải dự kiến bỏ 165 tỷ đồng để gom 10 triệu cổ phiếu HBC…

Thứ hai, hoạt động đăng ký mua cổ phiếu quỹ từ phía các doanh nghiệp. Bên cạnh việc viết thư trấn an cổ đông như cách DIC Corp (mã DIG) đã thực hiện ngày 20/6, một số doanh nghiệp đã có hành động cụ thể hơn là mua cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, Hodeco (mã HDC) dự kiến mua tối đa 3 triệu cổ phiếu quỹ trong quý III/2022.

Với việc nhiều cổ phiếu bị bán tháo mạnh giai đoạn vừa qua, mất tới 50 - 70% giá trị, kỳ vọng hoạt động mua cổ phiếu quỹ và gia tăng sở hữu của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục.

Theo dữ liệu SSI iBoard, định giá chỉ số VN-Index đã giảm từ 18 lần về 12,5 lần, tương đương mức giảm 30,6% trong hơn 6 tháng qua.

Đối với các cổ phiếu được lãnh đạo mua vào, định giá P/E của GEX đã giảm từ 19,97 lần về 14,08 lần và thấp hơn trung bình ngành 14,56 lần; định giá P/E của DIG giảm từ 53,45 lần về 16,82 lần và thấp hơn trung bình ngành 20,64 lần; định giá KHG giảm từ 8,8 lần về 5,24 lần và thấp hơn trung bình ngành 20,64 lần; định giá của HDC giảm từ 20,85 lần về 11,05 lần và thấp hơn trung bình ngành 20,64 lần…

Bên cạnh những câu chuyện trên, giới đầu tư đang kỳ vọng các cổ phiếu đã tăng nóng có dấu hiệu được chốt lời mạnh trong khoảng hơn một tuần nay là tín hiệu tốt cho việc dòng tiền sẽ dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, cổ tức cao, định giá về vùng hấp dẫn.

Tin bài liên quan