Chứng khoán Việt Nam rẻ thứ hai ở Đông Nam Á

Chứng khoán Việt Nam rẻ thứ hai ở Đông Nam Á

(ĐTCK) TTCK Việt Nam đang hoạt động vượt trội so với phần lớn các nước Đông Nam Á và được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt sau khi Chính phủ thay đổi quy định giới hạn sở hữu tối đa 49% đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là kết luận được Reuters và ETF Daily News đưa ra.

Theo Reuters, chỉ số tiêu chuẩn VN-Index hiện đang dẫn đầu so với các nước Đông Nam Á kể từ đầu năm tới nay, theo sau đó là Philippines.

Chứng khoán Việt Nam rẻ thứ hai ở Đông Nam Á ảnh 1

 TTCK Việt Nam dẫn đầu đà tăng trưởng so với các nước Đông Nam Á khác (số liệu từ 1/1/2015 tới 20/7/2015)

TTCK Việt Nam đã tăng 13,4%, nhờ các nhà đầu tư tích cực mua vào cổ phiếu của các công ty lớn trên thị trường. Cổ phiếu của Vietcombank, ngân hàng có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất hiện tại, đã tăng 55,2%, trong khi cổ phiếu của hãng bảo hiểm hàng đầu là Bảo Việt đã tăng tới 90,63%.

Riêng trong quý II/2015, lượng mua của khối ngoại đã đạt 135 triệu USD, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với bước tiến nhanh nhất kể từ năm 2008. Chính phủ đang mong muốn biến Việt Nam trở thành một công xưởng lớn của thế giới, với sự hiện diện của các hãng công nghệ khổng lồ như Samsung Electronics và Microsoft. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mong muốn nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào các công ty trong nước, qua đó giúp cho quá trình cải cách kinh tế.

Một điểm thu hút nữa của TTCK Việt Nam là giá cổ phiếu tại đây rẻ thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau cổ phiếu Singapores.

Kevin Snowball, CEO của PXP Asset Management tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Các nhà đầu tư nước ngoài nhận ra giá cổ phiếu tại thị trường đang rẻ, và nền kinh tế Việt Nam hiện đang phát triển đúng hướng. Theo quan điểm của tôi, việc gỡ bỏ giới hạn sở hữu ngoại sẽ khiến Việt Nam trở thành sự lựa chọn tốt hơn nữa”.

Tuy có sức hấp dẫn so với các TTCK Đông Nam Á khác, TTCK Việt Nam tồn tại nhược điểm là quy mô thị trường nhỏ và khả năng thanh khoản thấp. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của Việt Nam chỉ vào khoảng 1/8 của Thái Lan và 1/6 của Indonesia. Điều này khiến thị trường Việt Nam dễ bị tổn thương trước hoạt động đầu cơ.

Thêm vào đó, nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ tập trung vào cổ phiếu của các công ty lớn và chưa thể hiện sự quan tâm đối với hàng trăm công ty nhỏ khác trên thị trường. Hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài mới chỉ nắm hết room tại 30 công ty.

ETF Daily News cũng thể hiện cái nhìn lạc quan đối với khả năng tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.

Theo ETF Daily News, cũng giống như châu Phi, Việt Nam là một thị trường cận biện không nằm trong tầm bắt sóng của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam là một thị trường có sức hấp dẫn thực sự.

Nhờ việc giá cả tại Trung Quốc tăng nhanh, Việt Nam trở thành đối tượng mới được nhiều công ty, hãng sản xuất hàng đầu thế giới tìm đến. Theo Financial Times, Việt Nam đánh bật các thị trường mới nổi khác trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án mới.

Trong giai đoạn từ 2003 – 2014, hoạt động đầu tư vào dự án mới tại Việt Nam đã tăng gấp 5 lần. Hơn 2.000 dự án đã được khởi động trong giai đoạn này, và hơn một nửa trong số đó là thuộc lĩnh vực sản xuất. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến việc Intel đầu tư 2 tỷ USD vào nhà máy sản xuất chip tại TP. Hồ Chí Minh và Samsung Electronics xây dựng 3 nhà máy sản xuất smartphones, một trong số đó là nhà máy lớn nhất trên thế giới của hãng.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, Việt Nam là đất nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực châu Á, đồng nghĩa với việc ngành tiêu dùng và công nghệ tại đây cũng hết sức hấp dẫn.

Chứng khoán Việt Nam rẻ thứ hai ở Đông Nam Á ảnh 2

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và biểu đồ so sánh số lượng người sử dụng internet trên tổng dân số 

ETF nhận định, tất cả những thế mạnh trên sẽ giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,2% trong năm 2015 và rất có khả năng hoàn thành mục tiêu này.

Trong tháng 6/2015, Chính phủ Việt Nam thông báo sẽ gỡ bỏ rào cản giới hạn sở hữu tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài ở một số công ty niêm yết. Động thái này khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ, bởi trước đó thị trường dự đoán mức giới hạn sẽ được nâng từ 49% lên 60%.

Quyết định này của Chính phủ sẽ giúp kích thích tính thanh khoản của TTCK và trong dài hạn, có thể đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường mới nổi. Tuy nhiên, quan trọng hơn là hành động này sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

TTCK Việt Nam đã có phản ứng tích cực với thông tin này ngay từ đầu tháng 7, khi chỉ số VN Index tăng khoảng 10% kể từ khi tuyên bố được đưa ra.

Tin bài liên quan