Chứng khoán Việt Nam: Nối bền vững tới tương lai

Chứng khoán Việt Nam: Nối bền vững tới tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh từ quý II/2020 đến nay. Tuy nhiên, để thị trường vận hành lành mạnh và phát huy vai trò kênh dẫn vốn, còn không ít vấn đề cần đặt ra.

Đỉnh nối đỉnh

Thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ dựa trên nền tảng dòng tiền chảy mạnh vào kênh đầu tư này trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm xuống mức thấp và các kênh đầu tư khác khó khăn dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đáng chú ý, dòng tiền nội trỗi dậy mạnh mẽ không chỉ hấp thụ hết lượng cổ phiếu của khối ngoại bán ròng hơn 1 năm qua, mà còn đẩy thanh khoản tăng mạnh với nhiều phiên thanh khoản trên 3 sàn vượt ngưỡng 40.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên giao dịch trong tháng 11, thanh khoản của 3 sàn lên 52.000 - 56.000 tỷ đồng (2,28 - 2,46 tỷ USD), ngang bằng với thị trường chứng khoán Thái Lan, thị trường vốn có giá trị giao dịch đạt cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Về điểm số, VN-Index đã vượt mốc 1.500 điểm, mức cao nhất kể từ khi vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay.

So với đầu năm 2021, nhiều mã cổ phiếu đã tăng gấp 2 - 3 lần, cá biệt tăng gấp 5 - 6 lần. Những nhà đầu tư ôm tiền với tâm lý “cổ phiếu cao quá", đợi rẻ lại mới mua có vẻ như đang bị lép vế.

Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán cho thấy, lượng tiền mặt của các nhà đầu tư cuối quý II/2021 là hơn 70.000 tỷ đồng, cuối quý III/2021 tăng lên hơn 90.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên 3 sàn giao dịch.

Lượng tiền tăng thể hiện nhiều người mua và nhiều người bán, giúp giao dịch sôi động. Lượng tiền mặt trong tài khoản có thể sẵn sàng để mua chứng khoán, nhưng cũng có thể được nhà đầu tư rút ra khi cần.

Tuy nhiên, dòng tiền cũ về cơ bản vẫn đang ở trong thị trường chứng khoán, trong khi dòng tiền mới, cũng như lượng tiền chờ đợi thị trường điều chỉnh để mua vào rất tiềm năng. Bởi vậy, triển vọng và thanh khoản thị trường nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao.

Diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán đã tạo nền tảng tốt cho chức năng kênh dẫn vốn. Thống kê của UBCK cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó huy động vốn qua phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa ước đạt 26.857 tỷ đồng, tăng 197%.

Những góc khuất cần lưu tâm

Ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhìn nhận, xu hướng nhà đầu tư quan tâm và bỏ vốn vào kênh chứng khoán sẽ ngày càng phổ biến. Hiện số tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đạt 3,48% dân số, trong khi Thái Lan đạt 6,69%, Trung Quốc đạt 20,48%, Hàn Quốc đạt 73,88%.

Sự thay đổi về lượng sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất. Nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán và giao dịch đã có mức độ chất xám cao hơn trước đây rất nhiều.

Họ phân tích, sàng lọc doanh nghiệp, tìm kiếm thông tin một cách bài bản và có sự chủ động cao. Ông Tiến tin tưởng, cùng với nền kinh tế phát triển năng động, thị trường chứng khoán sẽ là kênh đầu tư sinh lời tích cực cho người dân.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng, người trẻ ngày nay có xu hướng chuộng kênh đầu tư chứng khoán, thay vì vàng và bất động sản hoặc gửi tiết kiệm như trước đây.

Khi sự liên thông với các thị trường vốn trên thế giới và Việt Nam ngày càng chặt chẽ, các xu hướng thị trường hàng hóa, giá cả trên thế giới có tác động mật thiết đến Việt Nam, nhà đầu tư trẻ tuổi nhanh nhạy có thể nắm bắt tốt và kiếm lợi từ đầu tư theo xu hướng.

Các nghiên cứu của Dragon Capital cũng cho thấy, so với kênh đầu tư bất động sản và vàng, kênh đầu tư chứng khoán cho tỷ suất lợi nhuận tốt hơn trong 20 năm qua, tất nhiên đi kèm với việc lựa chọn bỏ vốn vào doanh nghiệp tốt.

Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thị trường chứng khoán gần đây cũng bắt đầu bộc lộ những mảng xám cần chấn chỉnh. Đó là những giao dịch được cho là bất thường tại nhiều mã cổ phiếu, không ít doanh nghiệp làm ăn bi bét, có vấn đề về quản trị công ty, cổ phiếu trong diện bị cảnh báo, nhưng thị giá cổ phiếu lại tăng chóng mặt.

Việc giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian ngắn có nhiều nguyên nhân, đến từ các "game" như M&A, thoái vốn giá cao, ban lãnh đạo và cổ đông lớn “thay máu”, tạo ra những kỳ vọng lớn vào sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp như nhóm cổ phiếu họ Louis thời gian qua, hay gần đây là các mã cổ phiếu “rác” theo cách gọi của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thời gian qua có một lý do được nhiều nhà đầu tư nhắc tới, là dấu hiệu về các bàn tay của “đội lái” thao túng giá chứng khoán.

Những cổ phiếu này thường là cổ phiếu của những công ty vốn hóa nhỏ có thị giá thấp và số lượng cổ phiếu lưu hành ít. “Đội lái” sẽ tìm cách thỏa thuận ngầm với ban lãnh đạo công ty và các cổ đông lớn nắm giữ nhiều cổ phiếu với các yêu cầu để “đội lái” thực hiện phương án tạo sóng giả.

Ban lãnh đạo công ty được yêu cầu đưa ra các thông tin đúng thời điểm, có lợi cho phương án làm giá, trong khi cổ đông lớn được yêu cầu không xả hàng vào thời điểm đẩy giá lên.

Cách thức làm giá điển hình như sau: Đầu tiên, “đội lái” đè giá cổ phiếu để gom hàng, giá và khối lượng cổ phiếu sẽ đi ngang một thời gian khá dài đến khi “đội lái” gom đủ hàng. Khi đã gom đủ, “đội lái” sẽ tập trung đẩy giá lên bằng cách lan truyền các thông tin tốt về cổ phiếu, để tin đồn truyền khắp thị trường, các lệnh mua/bán cũng được thực hiện giúp giao dịch sôi động, thu hút nhà đầu tư chú ý tới cổ phiếu và không lo về thanh khoản ì ạch. Giá được đẩy trần liên tục, tạo ra tỷ suất sinh lời tốt, khiến nhiều nhà đầu tư ham lợi, đổ tiền vào mua theo.

Lúc này, “đội lái” âm thầm chốt lời. Sau khi “đội lái” buông tay và nhà đầu tư nhỏ lẻ hết lực mua theo, giá cổ phiếu tuột dốc không phanh, nhà đầu tư muốn bán cũng không kịp, chỉ còn cách nhìn tiền của mình bay hơi cùng đồ thị chứng khoán đi xuống.

“Hiện tượng các cổ đông lớn ở nhiều doanh nghiệp tính bài kiếm chác từ thị trường có dấu hiệu nở rộ thời gian qua, phong trào này càng lên thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng”, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI nhận xét.

Còn một nhà đầu tư có kinh nghiệm 15 năm trên thị trường chứng khoán cho rằng, thời gian hai tháng gần đây, làn sóng cổ phiếu rác thời kỳ 2007 - 2008 và 2013 - 2014 đang quay trở lại, đây là hiệu ứng của các “đội lái” tạo ra và lôi kéo dòng tiền thị trường, hút tiền vào nhóm cổ phiếu đầu cơ.

Nhiều cổ phiếu tăng 5 - 7 lần, vốn hóa công ty lên cả nghìn tỷ, trong khi công ty không có gì thực sự đáng giá. Cổ phiếu nhóm này sớm muộn cũng sụt giảm về giá trị thực, gây hệ lụy cho nhiều nhà đầu tư.

Thực tế này cần được cơ quan quản lý thị trường là UBCK vào cuộc mạnh mẽ, giám sát các giao dịch bất thường, thanh kiểm tra để góp phần đưa thị trường vận hành lành mạnh.

Cần tạo thêm nhiều hàng chất lượng cao

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI.

Khi thị trường chứng khoán bùng nổ và người dân quan tâm tới kênh đầu tư này, sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam phát triển thị trường vốn. Ưu tiên số 1 lúc này là phải tạo thêm nhiều hàng chất lượng cao. Điều này có thể thực hiện bằng cách thúc đẩy IPO và niêm yết hết các tổng công ty nhà nước còn đang ngoài sàn. Bên cạnh đó, nâng chuẩn niêm yết và các tiêu chuẩn phát hành thêm để sàng lọc hàng kém chất lượng ra khỏi sàn. Nhóm cổ phiếu "rác" chính là mảng tối của thị trường chứng khoán, làm mất tiền của rất nhiều nhà đầu tư, lãng phí nguồn lực xã hội và giảm uy tín thị trường chứng khoán.

Đồng thời, các cơ quan quản lý thị trường cần quan tâm cho phép áp dụng các giải pháp kỹ thuật, giúp thị trường chứng khoán giao dịch thuận lợi hơn như T0, phát triển thị trường phái sinh, đảm bảo sự ổn định hệ thống giao dịch.

Bên cạnh đó, nên có chính sách cởi mở và hỗ trợ với ngành quản lý quỹ như các nước có thị trường chứng khoán phát triển hơn (Singapore, Hàn Quốc): cho phép thành lập Hedge Fund (quỹ phòng hộ), giảm thuế cho phần lợi tức nhà đầu tư thu được từ quỹ (đặc biệt là quỹ hưu trí). Hỗ trợ sự phát triển của ngành quản lý quỹ sẽ giúp nhà đầu tư không chuyên có thêm lựa chọn hiệu quả, tăng sự ổn định và hiệu quả của chức năng phân bổ vốn của thị trường chứng khoán.

Tin bài liên quan