Dẫn thông tin Bloomberg cho biết, xác suất về việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng 9 chỉ khoảng 12 - 15%, ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Bản Việt cho rằng, ngoại trừ động thái bất ngờ của FED trong cuộc họp tháng 9 này, xu hướng rút ra của dòng vốn ngoại trong những tháng tới không đáng ngại.
Ông nhìn nhận thế nào về khả năng FED tăng lãi suất trong kỳ họp kéo dài hai ngày 21-22/9? Điều này nếu xảy ra sẽ có tác động thế nào đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam?
Ngày 21/9, Ủy ban Thị trường mở của Mỹ (FOMC) sẽ khai mạc cuộc họp để quyết định việc tăng lãi suất. Trong bối cảnh các chính sách kích thích kinh tế, nới lỏng tiền tệ đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, thì việc tăng lãi suất (nếu có) của Mỹ cho thấy tín hiệu kinh tế Mỹ đã tốt lên, đồng USD sẽ mạnh hơn và là nơi trú ẩn an toàn cho dòng vốn đầu tư gián tiếp toàn cầu trước những bất ổn nào đó có thể diễn ra. Sức hấp dẫn của đồng USD sẽ góp phần làm dịch chuyển dòng vốn này từ các thị trường mới nổi (có mức độ rủi ro cao) về Mỹ và có thể dẫn đến một làn sóng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là các dòng tiền nóng đầu tư qua các kênh như ETF, P-Notes... Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng chứng khoán Mỹ sẽ giảm điểm do nhiều ý kiến cho rằng việc các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tiếp thiết lập những điểm cao nhất mọi thời đại trong giai đoạn vừa qua là do hiệu ứng tiền rẻ.
Việc tăng lãi suất của FED có vẻ như chỉ là vấn đề thời gian khi mà chỉ số USD - Index vẫn đang nằm trong xu hướng tăng dài hạn từ giữa năm 2014 đến nay. Dù mọi ánh mắt đều hướng về cuộc họp của FED, nhưng theo khảo sát từ Bloomberg, xác suất FED tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 này chưa cao.
Như ông vừa nói thì vấn đề FED tăng lãi suất chỉ là thời gian. Ông có thể đưa ra dự báo cụ thể hơn?
Xác suất FED tăng lãi suất trong tháng 9, theo Bloomberg đã giảm từ mức 15% xuống còn 9% vào giữa tuần trước, sau báo cáo thất vọng về doanh số bán lẻ tháng 8 trước khi hồi phục trở lại vào ngày thứ Sáu vừa qua nhờ số liệu về lạm phát cao hơn dự kiến. Hiện xác suất này dao động ở mức từ 12 - 15%. Mặc dù vậy, giới quan sát vẫn đặt cửa khá cao cho việc FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới và đặc biệt, FED luôn biết cách gây bất ngờ cho thị trường và khiến giới đầu tư luôn phải thận trọng trước mỗi cuộc họp quan trọng của họ.
Nhà đầu tư ngoại đã liên tục bán ròng trong 2 tuần qua. Nếu xu hướng bán ròng tiếp tục diễn ra khi mà các quỹ ETF đã cơ cấu xong thì có phải là điều đáng lo ngại?
Theo thống kê của chúng tôi, trong 2 tuần các quỹ ETF cơ cấu lại danh mục đầu tư, khối ngoại đã bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Về mặt lý thuyết, việc đảo danh mục của ETF sẽ không dẫn đến việc bán ròng ra thị trường (trừ trường hợp Vancek hạ tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam), vì các quỹ ETF họ bán cổ phiếu này, nhưng lại mua vào các cổ phiếu khác để cân bằng danh mục.
Trong kỳ đảo danh mục thì chỉ có MVIS Vietnam ETF bị rút 950.000 chứng chỉ quỹ, tương ứng với khoảng hơn 300 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 tổng giá trị bán ròng của khối ngoại. Như vậy, có nhiều khả năng là việc bán ròng là do hoạt động chốt lời hoặc cơ cấu danh mục của các quỹ đóng đang đầu tư tại Việt Nam và số tiền bán ra trong trường hợp này sẽ chưa bị rút ra khỏi thị trường ít nhất cho đến khi các quỹ này hết thời hạn hoạt động. Chúng tôi cho rằng, với lộ trình mở room đang được thực hiện, kế hoạch niêm yết, thoái vốn tại các tổng công ty nhà nước lớn như Sabeco, Habeco cũng như kế hoạch IPO sắp tới của những Mobifone hay Vietjet Air, các nhà đầu tư ngoại cần có sự chuẩn bị về vốn và qua đó, chúng ta phần nào có thể giải thích được động thái bán ròng gần đây của họ trên thị trường.
Bên cạnh đó, chỉ số CDS (chỉ số hoán vị rủi ro tín dụng) 5 năm của Việt Nam vẫn ở mức thấp và đang ở xu hướng giảm, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đánh giá khả quan về môi trường đầu tư trong nước. Do vậy, ngoại trừ động thái bất ngờ của FED trong cuộc họp tháng 9 này, chúng tôi không bi quan với xu hướng rút ra của dòng vốn ngoại trong những tháng tới.
Giá của nhiều cổ phiếu đã “mềm” hơn sau đợt điều chỉnh. Theo ông, đây có phải là cơ hội để nhà đầu tư tận dụng giải ngân không?
Sau đợt cơ cấu danh mục của ETF, thị giá nhiều cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn có sự điều chỉnh giảm so với thời điểm đầu tháng 9, nhưng mức giảm chưa nhiều. Chỉ số P/E của sàn HOSE theo số liệu của chúng tôi đang ở mức 16x, cũng không phải là một mức rẻ nếu TTCK vẫn đang ở mức cận biên như hiện tại. Trong những năm 2014 - 2015, hệ số P/E này chỉ dao động ở khoảng 11 - 13x. Tuy nhiên, mức P/E 16x của năm 2016 này vẫn thấp hơn so với các thị trường khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines, hiện đã nằm trong nhóm các thị trường mới nổi. Vì vậy, thị trường hiện tại vẫn đang ở mức tương đối và nó có thể sẽ tùy thuộc nhiều yếu tố như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết, hay lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán của các cơ quan quản lý.
Về ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, chỉ số VN-Index cần có sự tích lũy ổn định trong biên độ từ 655 - 665 điểm trong một vài phiên nữa thì mới có đủ tín hiệu tăng giá. Trong trường hợp này, chúng tôi kỳ vọng mục tiêu cho chỉ số sàn HOSE sẽ ở vùng 680 - 700 điểm.