Kể thời điểm lịch sử 28/11/1996, khi Nghị định số 75/CP được ban hành, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chuyên trách quản lý các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán ở Việt Nam, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 Sở giao dịch với hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết (trên hai sàn HNX, HOSE) và 1 thị trường giao dịch cổ phiếu của công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM), 1 thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt.
Mặc dù chưa được vào trong danh sách đề cử nâng hạng từ nhóm thị trường cận biên lên thị trường mới nổi của MSCI Index, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần như đủ điều kiện để xét tuyển trên tiêu chí danh sách các cổ phiếu đáp ứng (VNM, MSN, VCB…) như vốn hóa, thanh khoản của thị trường.
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh
Hơn nữa, trong quá trình hội nhập quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở thành nơi hấp dẫn dòng tiền đầu tư của khối nội và khối ngoại khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang được thừa nhận, khẳng định được vị thế của một thị trường non trẻ nhưng năng động, nơi mà nhiều doanh nghiệp niêm yết với tỷ lệ giá trên lợi tức (P/E) khá hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực. Có thể ví thị trường chứng khoán trong nước như “đảo giấu vàng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến săn tìm “kho báu” - các cơ hội đầu tư giá trị và tăng trưởng tiềm năng.
Với định hướng chuyên nghiệp, tăng trưởng nhanh về quy mô vốn hóa, số lượng cổ phiếu niêm yết, thị trường chứng khoán Việt Nam từng bước được hoàn thiện về hành lang pháp lý giao dịch và lưu ký chứng khoán.
Hệ thống giám sát cũng được hoàn thiện từng ngày với mục đích hướng dẫn, định hướng các công ty chứng khoán tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, các quỹ đầu tư theo chỉ số, quỹ đầu tư nước ngoài.
Đến nay, việc vận hành thị trường chứng khoán theo định hướng chuyên nghiệp đã hỗ trợ việc luân chuyển vốn hiệu quả trong nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, giảm tải cho hệ thống ngân hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới, nhưng có tốc độ phát triển khá nhanh.
Cùng với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống để thích ứng cho các sản phẩm mới T+2, rút ngắn thời gian giao dịch, hệ thống giao dịch cao tần, hệ thống bù trừ thanh toán, thị trường chứng khoán phái sinh sắp khai mở, có 5 công ty chứng khoán thành viên ban đầu là SSI, BSC, HSC, VNDS, VBPS. Sản phẩm phái sinh đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số (Index Futures).
Tròn 17 năm kể khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức đi vào hoạt động, từ 2 mã cổ phiếu được niêm yết (REE, SAM) trong những buổi đầu tiên, đến nay, số lượng cổ phiếu niêm yết trên 2 sàn giao dịch (HSX, HNX) đã là 695 công ty, bên cạnh đó là 400 công ty đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu và dư nợ thị trường trái phiếu đạt xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, tăng 1.500 lần so với thời kỳ đầu (năm 2000), chiếm gần 70% GDP, với giá trị giao dịch gần 7.000 tỷ đồng/phiên.
Thị trường chứng khoán thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, từ 3.000 tài khoản chứng khoán mở trong năm 2000, số lượng tài khoản chứng khoán hiện nay đã đạt khoảng 1,72 triệu tài khoản, mở tại 79 công ty chứng khoán. Trên thị trường còn có 46 công ty quản lý quỹ.
Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, quá trình đại chúng hóa các doanh nghiệp, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước song song với quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang đi vào guồng máy vận hành nhanh hơn, quyết liệt hơn.
Quá trình thoái vốn ngoài ngành cũng có sự chuyển biến mạnh. Các doanh nghiệp lớn như Petrolimex, Habeco, Novaland, Vietjet Air lần lượt lên sàn, góp phần làm tăng quy mô vốn hóa cũng như sức hấp dẫn cho thị trường.
Gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư khi liên tiếp tăng điểm trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2017, VN-Index đạt 700, 725, 750, rồi 780 điểm (tính đến ngày 14/7).
Năm 2017, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng ở mức cao; làn sóng doanh nghiệp lên sàn mạnh mẽ, nhất là các doanh nghiệp vốn hóa lớn; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng tích cực; lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý; tín dụng tăng trưởng tốt; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện... là những động lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng và thu hút các nhà đầu tư.
Các quỹ đầu tư nước ngoài cũng đã làm việc với các công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam như HSC, SSI, Bản Việt… để tìm kiếm các cơ hội đầu tư và giải ngân mới.
Các chính sách, quy định đã được ban hành từ năm 2000 đến nay như quy định về phát hành chứng khoán ra công chúng; tổ chức thị trường giao dịch tập trung; tổ chức hoạt động công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư; hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán cũng như quy định về phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán đã sớm chứng minh được tính hữu dụng và thu hút sự quan tâm từ phía cộng đồng nhà đầu tư.
Dòng tiền tham gia vào thị trường ngày một lớn, các sản phẩm T+2, giao dịch trong ngày, áp dụng thị trường chứng khoán phái sinh với các sản phẩm như quyền chọn, hợp đồng tương lai… sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán bước sang giai đoạn tăng trưởng mới.
Giai đoạn 2017 - 2020, các chính sách mới, sản phẩm mới sẽ sớm được ban hành, nhằm hoàn thiện phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đầy đủ các sản phẩm, triển khai thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu chính phủ, thành lập các đơn vị định mức tín nhiệm…