Ông Hoàng Xuân Quyến.

Ông Hoàng Xuân Quyến.

Chứng khoán Việt Nam đang ở mức giá phải chăng

(ĐTCK-online) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 được công bố với mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Phản ứng tích cực với thông tin này, TTCK đã có những phiên tăng điểm nhưng chưa thể hiện xu hướng tăng trưởng. Vậy những yếu tố nào là quan trọng, nâng đỡ thị trường trong thời gian tới? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Xuân Quyến, Phó tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) về vấn đề này.

Nhìn vào quý I/2010, ông thấy kết quả kinh doanh của các DN ra sao?

Năm 2009, kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc và nhiều DN đạt lợi nhuận đột biến nhờ chi phí đầu vào giá rẻ và do hiệu ứng của gói kích cầu kinh tế. Mặc dù không còn nhiều lợi thế như năm 2009, nhưng lợi nhuận quý I/2010 của nhiều DN đã công bố đạt khoảng 20%/kế hoạch năm, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 20%. Đây là điều khá tích cực, nhất là khi quý I rơi vào thời điểm Tết. Thế nhưng, ĐHCĐ năm nay của nhiều DN niêm yết đặt kế hoạch kinh doanh rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do chi phí đầu vào tăng, giá vốn cao, khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn khó lường, hồi phục chậm và chưa ổn định.

TTCK tháng 3 và tháng 4 có sự khởi sắc có một phần không nhỏ do thị trường bất động sản vẫn chưa hồi phục và thị trường vàng kém thanh khoản, chứ không hẳn là do sự tăng trưởng của các DN.

 

Những điều ông vừa nói vẫn chưa đủ giải thích cho sự "lình xình" của TTCK hiện nay?

Có thể nói, thị trường có tăng trưởng mạnh mẽ hay không phụ thuộc vào 3 yếu tố: thứ nhất là kinh tế vĩ mô, mà mối quan tâm trước hết là lạm phát và lãi suất; thứ hai là mức độ tăng trưởng của DN; thứ ba là các công cụ hỗ trợ thị trường.

Về yếu tố thứ nhất, với sự tăng giá của nhiều mặt hàng là nguyên vật liệu đầu vào của nền kinh tế như xăng dầu, điện, nước, than…, đã làm lạm phát quý I tăng khá cao. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thận trọng đẩy lãi suất tăng cao, chi phí vốn đầu tư lớn, nên các DN rất khó có thể mở rộng đầu tư. Điều này khiến không ít NĐT bị ám ảnh bởi việc thắt chặt tiền tệ của cơ quan quản lý nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, nên rất thận trọng trong giao dịch.

Về yếu tố thứ hai, DN hiện có những khó khăn trong việc đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận. Năm 2010, những gói kích cầu của năm 2009 không còn, trong khi việc tiếp cận vốn ngân hàng là không dễ và lãi suất cao, nên DN không dám đẩy mạnh đầu tư dự án mới, thậm chí dự án cũ bị ngưng trệ. Kế hoạch lợi nhuận năm 2010 được nhiều ĐHCĐ thông qua thấp hơn năm 2009 cho thấy rõ điều này. Sự hồi phục của kinh tế thế giới chưa thực sự chắc chắn cũng là điều khiến các DN xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng.

Về yếu tố thứ ba, các các công cụ hỗ trợ TTCK hiện vẫn rất nghèo nàn. Các sản phẩm mới như giao dịch ký quỹ, bán chứng khoán T+2, cho mở nhiều tài khoản…, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc "bơm" tiền vào thị trường vẫn phải thông qua các ngân hàng, vẫn phải chờ tín hiệu lạm phát có bùng phát hay không.

Chừng nào các vấn đề trên được giải quyết thì TTCK mới có thể tăng trưởng mạnh. Có một điểm đáng chú ý là lạm phát tháng 4 thấp nhất từ đầu năm đến nay cho thấy khả năng nới lỏng tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng cần lưu ý, cho dù có nới lỏng thì cũng cần độ trễ ít nhất là 2 tháng mới phát huy tác dụng. Tôi cho rằng, TTCK có thể khởi sắc mạnh hơn từ cuối quý II.

Với mức VN-Index quanh 530 điểm, ông đánh giá chứng khoán Việt Nam là đắt hay rẻ?

Việc đắt hay rẻ sẽ chính xác hơn nếu nhìn vào từng mã cổ phiếu. Nhiều người cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá rẻ, nhưng theo tôi, chỉ là mức giá phải chăng. Với mức cổ tức từ 3 - 5%/thị giá thì khó có thể nói là rẻ nếu so với TTCK các nước trong khu vực. Giá chứng khoán hiện tại có thể là rẻ (P/E thấp) nếu kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của DN cao và thị trường sẽ sôi động nếu những vấn đề như lạm phát, nguồn tiền từ ngân hàng và sản phẩm mới cho thị trường được giải quyết và ngược lại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, NĐT vẫn có thể lựa chọn những cổ phiếu tiềm năng để đầu tư.

 

Chiến thuật đầu tư giai đoạn này như thế nào là phù hợp, thưa ông?

Ngoại trừ những NĐT thích mạo hiểm, đầu tư vào các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, lợi nhuận đi kèm rủi ro lớn, tôi cho rằng, NĐT nên quan tâm đến những cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô và phục hồi kinh tế, thuộc các ngành như thủy sản, nguyên vật liệu cơ bản, cao su…

Ngành thủy sản dù ít hay nhiều vẫn được hưởng lợi từ chính sách kích cầu và VND giảm giá. Cần chọn cổ phiếu của những DN có nguồn nguyên vật liệu đầu vào ổn định và có các giấy phép xuất khẩu vào những thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản…, vì có cơ hội tăng trưởng khả quan.

Kinh tế phục hồi nên nhu cầu tiêu thụ cao su rất lớn, phản ánh qua việc tăng giá từ đầu năm đến nay. NĐT nên chọn DN sản xuất cao su tự nhiên, có diện tích cây trồng lớn đang trong giai đoạn thu hoạch.

Từ đầu năm, ngành nguyên vật liệu cũng có sự tăng giá đáng kể như xi măng tăng 20%, thép tăng 40%. Nên chú ý đến cổ phiếu thép, với những DN có lượng hàng tồn kho lớn và hệ thống phân phối tốt. DN sản xuất gạch mặc dù có chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhưng đầu ra là các công trình xây dựng, nên kết quả kinh doanh vẫn sẽ tốt.

"Năm 2010, theo kế hoạch tăng vốn của các DN, sẽ có khoảng trên 100.000 tỷ đồng bị các DN 'hút' vào. Điều này làm cho giá trị cổ phiếu bị pha loãng, mặt khác DN chịu áp lực gia tăng lợi nhuận trên vốn điều lệ mới. Trong khi đó, nếu vay vốn ngân hàng, DN sẽ được hạch toán lãi vay vào chi phí hợp lý để tính thuế. Tôi cho rằng, việc tăng vốn đối với không ít DN hiện nay là bất đắc dĩ, do ngân hàng hạn chế cho vay. DN tăng vốn ồ ạt sẽ tiềm ẩn hệ lụy như năm 2008: áp lực nguồn cung quá lớn trên thị trường. Để đảm bảo sự ổn định của TTCK, cần nới lỏng tín dụng để hài hòa giữa việc vay vốn từ ngân hàng và huy động qua TTCK", ông Quyến nói.