Chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn VBF tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) chủ đề Phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới diễn ra sáng 21/2.
Chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới

Ông Dominic Scriven là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM).

Thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển vượt bậc

Ông cho biết, năm 2020 và 2021 là hai năm chứng kiến rất nhiều biến động trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo vững vàng và sự cam kết bền chặt và sự đoàn kết mạnh mẽ của toàn thể nhân dân, các lãnh đạo, Việt Nam đã khiến cả thế giới thán phục và kinh ngạc. Tính đến hôm nay, thị trường vốn Việt Nam đã có sự phát triển và thành công vượt bậc.

Thứ nhất, tổng vốn hoá của thị trường chứng khoán của Việt Nam khoảng 7,75 triệu tỷ đồng, chiếm 95,6% GDP, vượt mục tiêu đặt ra cho Việt Nam vào năm 2025

Thứ hai, tổng quy mô thị trường trái phiếu của Chính phủ Việt Nam là 1,5 triệu tỷ đồng, và lợi suất trái phiếu của Chính phủ Việt Nam ở một vài kỳ hạn còn thấp hơn trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Thứ ba, trong năm 2021, số lượng nhà đầu tư mới tăng hơn 50% và đồng nghĩa với việc số người tham gia thị trường cũng tăng gấp rưỡi. Ngày càng có nhiều người bắt đầu đầu tư vào thị trường chứng khoán và coi đây như một kênh để tích luỹ tài sản.

Thứ tư, trong năm 2021, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày của thị trường đã tăng gấp 3,6 lần, đạt 24.700 tỷ đồng (đối với thị trường cổ phiếu và 11.000 tỷ đồng (đối với thị trường nợ).

Thứ năm, tổng vốn huy động qua thị trường chứng khoán và thị trường nợ ước tính đạt 670.000 tỷ đồng, tương đương với khoảng 45% tổng dư nợ tăng thêm trong năm 2021 (1,2 triệu tỷ đồng).

Thứ sáu, chỉ trong 10 năm, số lượng công ty niêm yết có định giá trên 1 tỷ USD đã tăng từ 5 lên 62 công ty.

Thứ bảy, thị trường chứng khoán Việt Nam có tỷ suất sinh lợi tốt nhất trong vòng 10 năm so với các thị trường lớn trên thế giới.

VBF 2022 chủ để phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới được tổ chức ngày 21/2 gồm 3 phiên thảo luận.

VBF 2022 chủ để phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới được tổ chức ngày 21/2 gồm 3 phiên thảo luận.

Nguồn tài chính chủ lực phát triển khối kinh tế tư nhân

Theo ông Dominic, thị trường vốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt với sự chú trọng vào khối kinh tế tư nhân trong nước và sự phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới.

Với nguồn vốn của Chính phủ, theo ông Dominic, Chính phủ có thể quản lý nguồn thu và chi của ngân sách Nhà nước thông qua thị trường trái phiếu chính phủ. Đây chính là công cụ tài chính để Chính phủ huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng và giải quyết các nhu cầu ngân sách khác.

Với nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng đang cần kiểm soát việc sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn (chủ yếu là tiền gửi) để cho vay trung và dài hạn (chủ yếu khoản vay cho doanh nghiệp và hộ gia đình) và buộc phải hạn chế tăng trưởng tín dụng. Do đó, thị trường vốn sẽ là kênh huy động các khoản vay thay thế cho các ngân hàng thương mại.

Với khối kinh tế tư nhân, theo Trưởng Nhóm Công tác thị trường vốn, thị trường vốn là nguồn tài chính chủ lực cho sự phát triển của các công ty trong khối kinh tế tư nhân. Các công ty có thể tiếp cận các đối tác chiến lược thông qua các giao dịch trên thị trường vốn, đồng thời tìm ra mức định giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình bao gồm cả việc nâng cao vị thế thương mại.

Ngoài ra, thị trường vốn là một kênh sàng lọc nơi có thể đãi cát tìm vàng để tìm ra các doanh nghiệp tốt và loại bỏ doanh nghiệp yếu kém. Minh chứng cho vai trò của thị trường vốn với sự phát triển khối doanh nghiệp tư nhân chính là sự gia tăng gấp 10 lần số lượng công ty có định giá trên 1 tỷ USD trong 10 năm qua.

8 yếu tố thúc đẩy phát triển thị trường vốn

Để phát huy tối đa vai trò của thị trường vốn, theo ông Dominic cần phải có 8 yếu tố:

Thứ nhất, sự hợp tác chặt chẽ và liên thông giữa các cơ quan ban ngành gồm Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Uỷ ban Chứng khoán

Thứ hai, cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Thị trường vốn cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và cả cơ sở hạ tầng mềm.

Thứ ba, củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Điều này chỉ được gây dựng thông qua việc nâng cao tính minh bạch và công bằng của thị trường, áp dụng biện pháp trừng phạt thoả đáng với các hành vi vi phạm và thực thi các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là tại thị trường Việt Nam.

Thứ tư, thể chế hoá và đa dạng hoá đối tượng tham gia thị trường. Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay còn bị giới hạn, khi thị trường nợ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân. Cần khuyến khích các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm và các loại hình nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp khác tham gia vào thị trường.

Thứ năm, tiếp cận vốn quốc tế. Sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được. Giải quyết tất các cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu nỗ lực sẽ đem lại kết quả ấn tượng hơn so với tình trạng hiện tại. Trước mắt, nên đẩy nhanh việc biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực như Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.

Thứ sáu, vấn đề môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp (ESG) và khí hậu.

Thứ bảy, về đổi mới, nên có sự hỗ trợ và khuyến khích phù hợp để phát triển mảng công nghệ tài chính (Fintech) và tạo ra cơ chế hỗ trợ vốn khởi nghiệp.

Thứ tám, quản trị rủi ro: Các nhà hoạch định chính sách nên nhận thức rõ các rủi ro trong và ngoài biên giới Việt Nam bao gồm: sự gia tăng tổng dư nợ quốc gia của hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, sự tồn tại của lãi suất âm, lạm phát gia tăng, bất bình đẳng thu nhập, chưa có kế hoạch chuyển tiếp để giảm phát thải carbon, biến động giá năng lượng toàn cầu, dân số già và nhu cầu chăm sóc an sinh xã hội ngày càng tăng.

Tin bài liên quan