Việt Nam được đánh giá là quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay.
Hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới đã dịch chuyển hoạt động sản xuất sang quốc gia này càng nhấn mạnh nhận định trên.
Chẳng hạn, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) chuyển mảng sản xuất smartphones Pixel sang Việt Nam, trong khi Samsung Electronics Co đã đóng cửa nhà máy sản xuất điện thoại thông minh mới nhất tại Trung Quốc và tập trung mọi hoạt động sản xuất về Việt Nam.
Ngay cả công ty Trung Quốc như Goertek Inc, nhà cung ứng sản phẩm tai nghe AirPods của Apple cũng chuyển tới đây.
Ðáng chú ý, Việt Nam vừa ghi nhận mức tăng trưởng GDP hơn 7% trong năm 2019, thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng, các động lực này chưa được phản ánh trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index chỉ tăng 7,3% trong năm qua, kém hơn nhiều so với mức tăng 32% của CSI 300 Index (chỉ số chứng khoán chính tại Trung Quốc).
Chưa kể, khi chứng khoán tại các thị trường mới nổi leo dốc kể từ tháng 12/2019 nhờ hiệu ứng dịp Giáng sinh thì chứng khoán Việt Nam lại theo chiều đi xuống.
Diễn biến của chứng khoán Việt Nam và các thị trường mới nổi.
Vậy điều gì tác động tới xu hướng tăng của thị trường?
Ðầu tiên, các quỹ giao dịch cổ phiếu đang trở thành nơi đón nhận phần lớn dòng vốn ngoại trên thị trường, với các quỹ theo dõi chỉ số chiếm 44% tổng dòng tiền trên thị trường năm 2019.
Tuy nhiên, khi nhìn vào rổ các cổ phiếu, dễ nhận thấy thị trường bị chi phối chủ yếu bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số doanh nghiệp lớn khác như Vingroup.
Các chỉ số chứng khoán bị chi phối bởi ngân hàng và 1 doanh nghiệp bất động sản.
Mặc dù Vingroup đang dần bước chân vào lĩnh vực ô tô và sản xuất smartphone, dòng tiền chủ yếu của doanh nghiệp vẫn tới từ bất động sản.
Với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình ở 15%, các nhà băng tại Việt Nam rõ ràng có sức hút lớn theo bất kỳ thước đo nào.
Tuy nhiên, các khoản cho vay của nhà băng đã ở mức rất cao, vượt qua GDP quốc gia. Do đó, các nhà băng cần tăng vốn để tạo bệ đỡ cho các khoản nợ xấu trong tương lai.
Ðáng chú ý, ngay cả khi nhiều nhà đầu tư muốn rót vốn, việc nâng vốn của các nhà băng vẫn khó khăn bởi chính phủ quy định mức trần sở hữu 30% đối với vốn ngoại tại ngân hàng.
Nếu không xóa bỏ giới hạn này, các ngân hàng Việt Nam có thể phải thu hẹp việc cho vay doanh nghiệp để đảm bảo các tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định.
Trong khi đó, Vingroup và các công ty thành viên, hiện chiếm tỷ trọng 15% của chỉ số chứng khoán, cũng có những vấn đề của riêng mình.
Ðất đai trở nên khan hiếm hơn, việc tìm kiếm quỹ đất đủ rộng cho việc triển khai dự án tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM của doanh nghiệp cũng như nhiều nhà phát triển bất động sản khác đang trở nên khó khăn hơn.
Chính phủ đang kiểm soát chặt hơn việc chấp thuận các dự án mới, khiến khả năng tăng trưởng của các nhà phát triển bất động sản bị giới hạn.
Việc thiếu hụt nguồn cung đất ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng, cùng những chồng lấn giữa các công ty con của Vingroup khiến các nhà quản lý quỹ phải cân nhắc để không sở hữu quá nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp này trong giỏ đầu tư của mình.
Sau cùng, nguyên nhân nữa khiến đà leo dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng là quy định giới hạn trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù dòng vốn ngoại mua ròng hơn 6.340 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm qua, nhưng hầu hết các cổ phiếu tốt đều đã cạn room và nhà đầu tư nước ngoài đang giao dịch qua lại một lượng cổ phiếu ít ỏi với nhau.
Ðể thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, phản ánh đúng diễn biến tích cực của bối cảnh vĩ mô trong nước, đã đến lúc cần đẩy mạnh chất lượng hàng hóa cũng như gỡ bỏ những rào cản gia nhập thị trường với các nhà đầu tư ngoại.