Áp lực bán ra ồ ạt ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, từ nhóm cổ phiếu lớn như dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, đến các cổ phiếu đầu cơ, khiến thị trường suy giảm mạnh, mất gần 19 điểm trong 2 phiên giao dịch. Chỉ số VN-Index đã giảm sâu xuống dưới mốc 600 điểm, đóng cửa chiều 13/8 tại 594,2 điểm.
Trao đổi với ĐTCK, chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân cho rằng, TTCK Việt Nam chịu tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng CNY là điều không cần phải bàn cãi. Nhà đầu tư chứng khoán luôn phản ứng nhanh và mạnh với những biến động trên thị trường tiền tệ thế giới, bởi việc phá giá đồng CNY có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam do Việt Nam là nước nhập siêu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định nới rộng biên độ tỷ giá USD/VND từ +/-1% lên +/-2%, những tác động của việc phá giá nói trên sẽ được hạn chế.
Với tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 21.673 VND/USD, biên độ mới sẽ cho phép tỷ giá biến động trong phạm vi mức trần là 22.106 VND/USD và mức sàn là 21.240 VND/USD. Việc nới biên độ tỷ giá trong thời điểm ngay sau Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá tham chiếu được nhiều chuyên gia đánh giá là điều tất yếu và giao dịch của thị trường sẽ có định hướng trượt về phía cận trên, tăng khoảng 2% và có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng lại gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông Vũ Quang Đông, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cho rằng, việc phá giá đồng CNY ít nhiều sẽ tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc khá lớn nên nếu chúng ta không có đối sách hợp lý, giá cả hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn tương đối và cạnh tranh mạnh hơn với hàng hóa sản xuất trong nước.
Các ngành nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc như thiết bị, phụ tùng, linh kiện, sắt thép và các sản phẩm từ thép, vải vóc… sẽ gặp áp lực.
Cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 14,9 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ nước này lên tới 43,7 tỷ USD. Xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Bảy tháng đầu năm nay, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, nhưng nhập khẩu lên đến 28,8 tỷ USD, nhập siêu gần 20 tỷ USD.
Theo ông Đông, việc trần tỷ giá USD/VND được nới lên 2% vẫn thấp so với mức phá giá 4,5% của đồng CNY trong 3 ngày qua. Với mức phá giá này, sức cạnh trạnh trên lý thuyết của hàng hóa Trung Quốc được gia tăng tương đối so với hàng hóa của Việt Nam.
“Hiện tại, các yếu tố gây áp lực lên tỷ giá USD/VND là các vấn đề ngoại sinh, không thuộc tầm kiểm soát của NHNN. Vì vậy, việc NHNN cố gắng theo đuổi một cam kết giữ ổn định tỷ giá ở mức 2% như từ đầu năm không còn phù hợp, vì các giả định ngoại sinh đã thay đổi. NHNN cần đưa ra một thông điệp mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước” ông Đông nói.
Tuy nhiên, việc giữ biên độ 2% có thể vẫn phù hợp đảm bảo chấp thuận sự biến động của thị trường trong ngắn hạn ở thời điểm hiện tại. Nhưng việc tăng tỷ giá tham chiếu, chẳng hạn thêm 2% sẽ tạo hiệu ứng phù hợp hơn cho thị trường, đảm bảo ổn định tâm lý cho hoạt động sản xuất liên quan đến xuất nhập khẩu và vẫn giữ vững được mức tương đối với đồng CNY.
Cần lưu ý, hầu hết các đồng tiền tại Đông Nam Á và châu Âu (đây đều là các đối tác quan trọng trong thương mại với Việt Nam) đều đã mất giá khá mạnh so với đồng USD. Các yếu tố ngoại sinh đang thay đổi so với tính toán dự kiến từ đầu năm của NHNN, vì vậy, NHNN nên chủ động vận hành khi các yếu tố này thay đổi để có thể điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và thị trường cũng đang đánh giá cao sự linh hoạt này.
Theo bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu, CTCK Maritime (MSI), việc phá giá đồng CNY sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tốc độ phá giá của đồng CNY so với đồng USD mạnh hơn so với tốc độ điều chinỉnh tỷ giá USD/VND sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc trở nên rẻ hơn và cạnh tranh hơn so với hàng Việt Nam trên tất cả các thị trường xuất khẩu.
Áp lực cạnh tranh với hàng Việt Nam không chỉ đến từ Trung Quốc, bởi động thái của Trung Quốc sẽ kéo theo cuộc đua phá giá của các đồng tiền châu Á khác nên cuộc chiến cạnh tranh sẽ ở quy mô rộng hơn. Một số ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn như dệt may, nông sản, nguyên liệu thô, dầu thô…
Liên quan đến quyết định nới tỷ giá của NHNN, bà Phương cho rằng, NHNN đã có phản ứng rất nhanh, song mức độ điều chỉnh như vậy vẫn chưa đủ.
“Tuy nhiên, cũng có thể đây mới chỉ là động thái ban đầu của Ngân hàng Nhà nước và chưa dừng lại”, bà Phương nhận định.
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) Đồng CNY đã có ngày phá giá thứ ba liên tiếp so với đồng USD với mức phá giá tổng cộng là 4,5% và xu hướng này có thể còn tiếp diễn. Theo tôi, việc đồng CNY bị phá giá sẽ có ảnh hưởng khá lớn đến nền kinh tế Việt Nam, do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nước ta và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên nhiều lĩnh vực, cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Mức điều chỉnh của CNY là 4,5% và với mức điều chỉnh này thì việc NHNN nới biên độ tỷ giá USD/VND thêm 1% sẽ khiến tỷ giá NDT/VND giảm 3,5%, gián tiếp gây áp lực cho tỷ giá USD/VND. Trên TTCK Việt Nam, các doanh nghiệp ngành thép sẽ chịu ảnh hưởng lớn của việc phá giá đồng CNY, do áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc, vốn có lợi thế giá thành sản xuất rẻ sẽ càng rẻ hơn. Ngoài ra, do áp lực tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao, các doanh nghiệp có các khoản nợ bằng ngoại tệ (USD, JPY và EUR) lớn có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng khi tỷ giá biến động. Việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá 1% không đủ để kích thích xuất khẩu do tỷ giá CNY/VND vẫn tăng 3,5% như đã đề cập. Trước kỳ vọng giảm giá của người dân và nhà đầu tư, NHNN rõ ràng đang chịu áp lực điều chỉnh tiếp tỷ giá USD/VND. Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Dầu khí (PSI) Việc Trung Quốc phá giá đồng CNY trong mấy ngày qua không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đều có khả năng chịu ảnh hưởng. Thứ nhất, việc này gây áp lực ngay lập tức tới tỷ giá. Yếu tố này xuất phát từ bản chất về cạnh tranh giá cả hàng hóa trong quan hệ thương mại giữa các nước. Tuy nhiên, với độ nhạy cao, các quốc gia trong khu vực sẽ chịu thêm áp lực điều chỉnh tỷ giá để tăng sức cạnh tranh xuất khẩu. Cần chú ý rằng, việc Trung Quốc phá giá CNY diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn treo khả năng tăng lãi suất đồng USD trở lại trong năm 2015. Thứ hai, có khả năng ảnh hưởng ngắn hạn tới giá dầu. Trung Quốc là quốc giá nhập siêu dầu thô lớn nhất châu Á, cũng là quốc gia có mức tiêu thụ hàng năm lớn nhất, trong khi tổng lượng tiêu thụ dầu thô của châu Á chiếm trên dưới 30% toàn cầu. Khi đồng CNY giảm giá, giá nhập dầu vào Trung Quốc về căn bản có xu hướng đắt lên, cùng với việc tăng trưởng kinh tế của nước này suy yếu nên yếu tố tâm lý mang tính đầu cơ có thể sẽ tạo nên một số ảnh hưởng ngắn hạn tới giá dầu. Ngoài ra, điều này cũng tạo áp lực cạnh tranh thương mại rất mạnh. Đây là khía cạnh dễ thấy khi tương quan giá cả hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ đi và sức cạnh tranh lớn hơn, tạo áp lực cho các quốc gia khác. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu bao gồm máy móc, thiết bị, điện thoại và phụ kiện, máy tính, độ điện tử và linh kiện và vải, trong khi đó xuất khẩu chủ yếu là máy tính, đồ điện tử và linh kiện, sợi, dầu thô, gạo, sắn... Phần lớn những mặt hàng xuất khẩu đều khá nhạy cảm về giá và các nhà sản xuất trong nước phải điều chỉnh giá để duy trì sản lượng xuất khẩu. Việc phá giá đồng CNY sẽ tác động gián tiếp đến xuất khẩu hàng dệt may, sản phẩm công nghệ thông tin và thủy sản của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. |