Xanh vì xu thế, xanh vì nhân văn
Tiếp chúng tôi sau giờ làm việc, vẫn phong thái của một người phụ nữ đôn hậu, bà Lan cười tươi như hoa nắng và hỏi thăm những câu chuyện gia đình. Nói về phát triển xanh, theo bà Lan, là tâm huyết và giấc mơ tương lai của nhiều chủ thể.
Nhưng để đi đến ngày "xanh" ấy sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn nâng tầm chuyên nghiệp và văn minh từ hoạt động của mỗi chủ thể, cũng như cách các chủ thể tương tác với xã hội, với môi trường xung quanh.
Với chủ thể mang sứ mệnh là trung tâm của sự phát triển kinh tế - các doanh nghiệp, vì sao phải "xanh"? Bà Lan cho rằng, chuẩn mực đầu tư quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, hướng đến các doanh nghiệp xanh và có tiềm năng phát triển bền vững.
Thực tế, hàng nghìn quỹ đầu tư quốc tế đã ký cam kết đầu tư xanh và ở Việt Nam, một số quỹ lớn như Dragon Capital cũng đã đưa ra những tiêu chí xanh khi xem xét đầu tư vào mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút dòng vốn lớn thì việc chuẩn bị cho những bước đi xanh là không thể không làm.
Cùng với đó, liên quan đến khía cạnh đời sống, phát triển kinh doanh xanh mang ý nghĩa nhân văn khi các doanh nghiệp tạo nên giá trị mới cho mình, nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và xã hội.
“Tư duy kinh doanh này nếu được thực thi thì các doanh nghiệp không chỉ góp sức tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, không chỉ đóng góp cho tăng trưởng GDP đất nước, mà còn góp sức cho cuộc sống nhân sinh bền vững, an lành”, bà Lan nói.
Tại Việt Nam, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2020, trong đó định hướng việc xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu của tăng trưởng xanh là do con người và vì con người, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Những năm qua, theo bà Lan, câu chuyện về “xanh” được nhiều bộ, ngành đề cập, nhưng dường như vẫn thiếu sự nỗ lực đủ mạnh để kết nối và đốc thúc cả hệ thống cụ thể hóa khát vọng này thành hiện thực, bắt đầu từ những sản phẩm riêng của từng bộ, ngành, sau đó lan tỏa ra nền kinh tế.
Ở nước ngoài, chuỗi hành động cho mục tiêu tăng trưởng xanh dễ thấy hơn. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc, để phát triển nguồn năng lượng điện từ quạt gió, chính phủ nước này ra đầu bài cho các doanh nghiệp xây dựng phương án tìm vốn và tìm đối tác chiến lược với sự hỗ trợ không phải bằng thuế hay trợ giá, mà bằng việc cam kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp trong 5 năm liên tiếp.
Các doanh nghiệp được khích lệ như vậy sẽ thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm đối tác, kêu gọi các nguồn lực tài chính để hình thành nên một ngành công nghiệp điện sạch, phục vụ cho phát triển đất nước.
Tại Việt Nam, bà Lan cho rằng, nếu mỗi bộ, ngành xây dựng được một số sản phẩm xanh cụ thể và nỗ lực đưa sản phẩm thành hiện thực thì rất có thể sẽ tạo nên trào lưu phát triển xanh trên chặng đường thực thi Chiến lược đến năm 2020 mà Thủ tướng đã định.
Khát vọng chứng khoán xanh
TTCK Việt Nam trải qua 18 năm hoạt động với nhiều giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và điểm chỉ số. Tăng mạnh trên nhiều chỉ tiêu đánh giá, nhưng chứng khoán Việt đã xanh chưa?
Theo bà Lan, xanh hóa chứng khoán là một quá trình, ở đó, những hạt mầm đầu tiên đã được gieo từ một dự án hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Từ dự án này, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh và đến năm 2016, lãnh đạo Bộ Tài chính phê duyệt đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương.
Hai địa phương đầu tiên là TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý triển khai đề án, đến nay đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho các dự án. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều địa phương khác, tiềm năng thu hút vốn cho đầu tư phát triển là rộng mở nếu có dự án xanh thực sự, góp sức cho phát triển địa phương và đất nước.
Nếu như trái phiếu xanh đã có những hạt giống đầu tiên như vậy, thì các doanh nghiệp phải làm gì để gieo những hạt giống cho cổ phiếu xanh? Theo bà Lan, doanh nghiệp xanh trước hết phải “xanh” ở tư duy quản trị.
Bà Lan dẫn ra bài học từ nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi doanh nghiệp được xây dựng trên nền tảng quản trị hiện đại, nhưng giữa con người với con người lại cư xử ấm áp như một gia đình. Chung tầm nhìn dài hạn và hướng đến những khát vọng cao cả, chứ không phải chỉ là tìm ra nhiều lợi nhuận trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển.
“Để có những doanh nghiệp lành mạnh và trường tồn, văn hóa và tư duy quản trị nhân sự của người Nhật là điểm doanh nghiệp Việt đáng học hỏi”, bà Lan nói.
Rõ ràng, sẽ thật khó mong sàn chứng khoán giữ vững đà tăng trưởng cao và xanh lâu dài nếu nội tại các chủ thể trên TTCK, đặc biệt là khối doanh nghiệp không bước theo con đường phát triển xanh.
Con đường đó, theo bà Lan, rất cần tiếp tục được các cơ quan quản lý khích lệ, cũng như mỗi chủ thể cụ thể hóa bằng sản phẩm, bằng hành động. Có như vậy mới mong đến năm 2020, sắc xanh của phát triển bền vững được rõ nét hơn trong bức tranh của nền kinh tế, tạo đà lan tỏa khát vọng phát triển bền vững trong tầm nhìn dài hạn hơn.
Hướng dẫn doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững
Hiện nay, có một số khuôn khổ báo cáo chất lượng tốt được triển khai để hướng dẫn doanh nghiệp lập báo cáo bền vững. Khi lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng, doanh nghiệp có thể định hướng bằng các câu hỏi sau:
+ Mục đích chính của báo cáo là gì (ví dụ: xây dựng uy tín, tuân thủ quy định và thu hút nhà đầu tư)? Loại hình báo cáo nào đáp ứng được mục đích trên?
+ Bên liên quan quan trọng nhất là bên nào và loại hình báo cáo nào là hiệu quả nhất để tiếp cận bên liên quan đó?
+ Những vấn đề chính nào cần được tập trung nhất? Có những công cụ báo cáo nào cho các vấn đề này?
+ Doanh nghiệp có tham gia cam kết tuân thủ nguyên tắc tự nguyện nào đòi hỏi phải báo cáo định kỳ về quá trình thực hiện hay không? (ví dụ, Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc)
+ Bối cảnh chính về ngành và quốc gia mà doanh nghiệp hoạt động là gì? Đã có khuôn khổ báo cáo nào tập trung về ngành hoặc cấp quốc gia chưa?
+ Có nhà đầu tư nào của doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn bền vững chuyên ngành đòi hỏi phải công bố thông tin không? (ví dụ, tiêu chuẩn hoạt động IFC, nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên hợp quốc). Khung báo cáo phát triển bền vững phổ biến nhất toàn cầu được xây dựng bởi Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI). Hướng dẫn GRI đưa ra bộ nguyên tắc (báo cáo “Thế nào”) và chỉ số hoạt động (báo cáo “Cái gì”).
Nguyên tắc của GRI là:
+ Tính thực chất - báo cáo phải phản ánh được tác động đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội của tổ chức và bao gồm thông tin đủ để ảnh hưởng một cách đáng kể tới quá trình đánh giá và quyết định của các bên liên quan.
+ Tính hội nhập đối với các bên liên quan - báo cáo phải xác định các bên liên quan và lưu hồ sơ về việc doanh nghiệp đáp ứng sự trông đợi và nhu cầu hợp lý của các bên liên quan.
+ Bối cảnh phát triển bền vững - báo cáo cần mô tả hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh phát triển bền vững rộng hơn.
+ Tính đầy đủ - báo cáo phải cung cấp thông tin đủ về các vấn đề và chỉ số cần thiết trong một khuôn khổ phạm vi mà báo cáo xác định sẽ hướng tới.
Những bước sau đây có thể hỗ trợ doanh nghiệp ở thị trường mới nổi xây dựng hệ thống báo cáo có tính năng hỗ trợ quá trình học hỏi nội bộ và tối đa hóa lợi ích của quá trình báo cáo.
10 bước chuẩn bị của báo cáo phát triển bền vững:
Bước 1: Xác định tầm nhìn và cam kết của doanh nghiệp đối với hiệu quả hoạt động phát triển bền vững và báo cáo bền vững.
Bước 2: Chỉ định lãnh đạo cao cấp để giám sát và giải trình về quá trình lập báo cáo và chịu trách nhiệm về bản thân bản báo cáo.
Bước 3: Thành lập nhóm công tác liên ngành để lập kế hoạch và chuẩn bị cho báo cáo bền vững.
Bước 4: Phân tích vị thế hiện tại của doanh nghiệp trong hành trình phát triển bền vững.
Bước 5: Tham vấn các bên liên quan.
Bước 6: Xác định các vấn đề quan trọng nhất cần báo cáo.
Bước 7: Lập kế hoạch cho quá trình thu thập dữ liệu.
Bước 8: Tổng hợp bản báo cáo.
Bước 9: Củng cố tính xác thực của báo cáo (chẳng hạn, sự đảm bảo của bên thứ ba).
Bước 10: Lập kế hoạch cho sự cải tiến liên tục (báo cáo tài chính và báo cáo bền vững có thể được tích hợp).
Một đặc điểm khác của các báo cáo chất lượng hàng đầu là việc xác định và công bố các mục tiêu của hoạt động bền vững. Việc đặt ra mục tiêu sẽ giúp cho doanh nghiệp tập trung hướng tới mục tiêu rõ nét của hoạt động bền vững. Điều này cũng giúp các nhà đầu tư và các bên liên quan khác hiểu rõ về định hướng mà doanh nghiệp đang theo đuổi và khả năng doanh nghiệp đạt được mục tiêu trên sau này. Mục tiêu nên cân đối giữa mức độ mong muốn và mức độ khả thi. Nội dung báo cáo nên tập trung vào những vấn đề môi trường và xã hội (E&S) thực chất đối với hoạt động của doanh nghiệp và các bên liên quan. Những cấu phần chuẩn của báo cáo bền vững bao gồm chiến lược phát triển, cách tiếp cận quản lý và hiệu quả hoạt động đối với các vấn đề E&S cụ thể.
(Trích cuốn “Hướng dẫn lập báo cáo phát triển bền vững” được phối hợp xuất bản bởi IFC và UBCK)