Trong phiên cuối tuần, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu tiêu dùng, phố Wall đã duy trì đà tăng tốt, trong đó S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới, trong khi Nasdaq cũng đảo chiều tăng mạnh để phá vỡ mức cao kỷ lục thiết lập trong phiên 15/9/2017. Trong khi đó, đà tăng của Dow Jones lại bị hãm lại do đà giảm của cổ phiếu Nike.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones tăng 23,89 điểm (+0,11%), lên 22.405,09 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,30 điểm (+0,37%), lên 2.519,36 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,51 điểm (+0,66%), lên 6.495,96 điểm.
Sau tuần lình xình trước đó, phố Wall đã lấy lại đà tăng tốt trong tuần qua. Cụ thể, Dow Jones tăng 0,25%, chỉ số S&P 500 tăng 0,68% (tuần tăng thứ 3 liên tiếp của cả 2 chỉ số), trong khi chỉ số Nasdaq đảo chiều tăng mạnh 1,07%.
Với đà tăng mạnh liên tiếp trong những tuần qua, phố Wall tiếp tục có tháng tăng tốt trong tháng 9. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 2,08%, chỉ số S&P 500 tăng 1,93% và Nasdaq tăng 1,05%. Đây là tháng tăng thứ 6 liên tiếp của Dow Jones và là tháng tăng thứ 8 trong 9 tháng trong năm nay. Trong khi đó, Nasdaq có tháng tăng thứ 3 liên tiếp và cũng là tháng tăng thứ 8/9 tháng, còn S&P 500 có có trọn 9 tháng tăng liên tiếp trong năm.
Do đó, phố Wall tiếp tục có quý tăng thứ 3 liên tiếp trong quý III với Dow Jones tăng 4,94%, S&P 500 tăng 3,96% và Nasdaq tăng 5,79%.
Chứng khoán châu Âu cũng có phiên mạnh trong ngày cuối tuần nhờ đồng euro yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là Đức, nước xuất khẩu mạnh nhất của khu vực. Tuy nhiên, khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha, liên quan đến vấn đề đòi ly khai của xứ Catalonia khiến giới đầu tư cũng thận trọng phần nào.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 49,94 điểm (+0,68%), lên 7.372,76 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 124,21 điểm (+0,98%), lên 12.828,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 36,04 điểm (+0,68%), lên 5.329,81 điểm.
Với các phiên tăng điểm tốt trong tuần, chứng khoán châu Âu có tuần tăng đồng loạt thứ 2 liên tiếp với mức tăng mạnh hơn tuần trước đó. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tiếp tục tăng 0,85%, chỉ số DAX của Đức có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,88% và chỉ số CAC 40 cũng có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,92%.
Tính trong tháng 9, trong khi chỉ số FTSE đảo chiều giảm 0,78% do ảnh hưởng của sức khỏe nội tại của nền kinh tế Anh, còn lại chỉ số DAX và CAC 40 đều hồi phục với mức tăng mạnh lần lượt là 6,41% và 4,80%. Đà tăng mạnh trong tháng 9 giúp chứng khoán Đức có quý tăng thứ 3 liên tiếp trong quý III với mức tăng 4,09%, dù chỉ số này giảm trong tháng 7 và tháng 8. Tương tự, chỉ số CAC 40 cũng tăng mạnh 4,08% trong quý III dù có 2 tháng giảm điểm trước đó. Trong quý II, chỉ số CAC 40 điều chỉnh nhẹ 0,04%.
Chứng khoán Anh dù giảm điểm trong tháng 9, nhưng với 2 tháng tăng trước đó, chỉ số FTSE 100 cũng hồi phục trở lại với mức tăng 0,82% trong quý III, sau khi giảm 0,14% trong quý II.
Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm điểm trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, nhờ dữ liệu kinh tế khả quan được công bố, giúp đà giảm của thị trường được hãm lại đang kể và kết thúc phiên gần như không đổi
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông lại tăng điểm trong phiên cuối tuần qua khi nhà đầu tư đặt cược vào mức chi tiêu lớn của người tiêu dùng Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài bắt đầu tư tuần này.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 6,83 điểm (-0,03%), xuống 20.356,28 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 132,7 điểm (+0,48%), lên 27.554,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 9,57 điểm (+0,29%), lên 3.349,22 điểm.
Trong quân qua, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức 0,29%, dù khiêm tốn hơn nhiều so với mức tăng 1,94% của tuần trước đó. Trong khi đó, dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ số Hang Seng đảo chiều giảm 1,17% trong tuần qua sau 2 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Shanghai Composite có tuần giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 0,11%.
Với 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số Nikkei 225 đã đảo chiều tăng điểm trở lại trong tháng 9 với mức tăng mạnh 3,61% sau khi giảm 0,54% và 1,40% trong 2 tháng trước đó, qua đó giúp chỉ số này có quý tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong quý III với mức tăng 1,61%.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lại ngược lại, đều quay đầu giảm lần lượt 1,49% và 0,34% trong tháng 9. Trước đó, chỉ số Hang Seng đã có chuỗi 8 tháng tăng liên tiếp kể từ đầu năm, chỉ số Shanghai Composite cũng có chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp.
Đà điều chỉnh nhẹ trong tháng 9 không ngăn được đà tăng mạnh của cả 2 chỉ số này trong quý III, trong đó Hang Seng tăng 6,95%, quý tăng thứ 3 liên tiếp và Shanghai Composite tăng 4,91% sau khi giảm 0,93% trong quý II.
Việc chứng khoán khởi sắc trong phiên cuối tuần đã khiến vàng mất đi sự hấp dẫn và quay đầu giảm trở lại.
Kết thúc phiên 29/9, giá vàng giao ngay giảm 7,3 USD/ounce (-0,57%), xuống 1.279,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 6,2 USD/ounce (-0,48%), xuống 1.282,5 USD/ounce.
Giá vàng có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, dù đà giảm nhẹ hơn chút ít so với tuần kế trước. Cụ thể, trong tuần cuối tháng 9, giá vàng giao ngay giảm 1,36%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 1,38%.
Với 3 tuần giảm liên tiếp, giá vàng đã chính thức quay đầu đi xuống trong tháng 9 sau 2 tháng tăng liên tiếp trong tháng 7 và tháng 8. Cụ thể, trong tháng 9, giá vàng giao ngay giảm 3,13%, giá vàng giao tháng 12 giảm 3,32%.
Dù vậy, với 2 tháng tăng trước đó, đặc biệt là tháng tăng mạnh trong tháng 8, giá vàng đã tăng trở lại trong quý III sau khi điều chỉnh nhẹ trong quý II. Cụ thể, trong quý III, giá vàng giao ngay tăng 3,08%, giá vàng tương lai tăng 3,24% sau khi giảm nhẹ lần lượt 0,64% và 0,41% trong quý II.
Tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp của vàng khiến giới đầu tư có cái nhìn bi quan về xu hướng trong tuần đầu của quý IV. Trong khi đó, giới phân tích lại vẫn có cái nhìn khá lạc quan khi đa số cho rằng, giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần này.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, chỉ có 15 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 8 người, chiếm 53% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần này, cao hơn con số 50% của tuần trước. Có 6 người dự báo giảm, chiếm 40%, cao hơn con số 31% của tuần trước và 1 người dự báo đi ngang, chiếm 7%.
Trong khi đó, trong cuộc thăm dò nhà đầu tư trực tuyến trong tuần này, có 787 người tham gia (cao hơn so với con số 525 người của tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số của tuần trước đó nữa), trong đó có 250 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 32%, thấp hơn nhiều so với con số 45% của tuần trước; 453 người, chiếm 58% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn nhiều so với con số 39% của tuần trước; 84 lượt, chiếm tỷ lệ 11% giữ quan điểm trung lập.
Trong khi đó, giá dầu thô lại bất ngờ hồi phục nhẹ bất chấp nhận các thông tin không mấy tích cực.
Cụ thể, theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động tăng thêm 6 giàn khoan trong tuần qua, lên 750 giàn. Tổng số máy móc hoạt động tăng thêm 5 máy, lên 940 máy.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Reuters, sản lượng dầu của OPEC đã tăng 50.000 thùng/ngày trong tháng 9 do sản lượng tăng từ Irap và Lybia.
Theo kết quả điều tra của OPEC, việc tuân thủ các cam kết của OPEC đã giảm xuống 86% so với 89% của tháng trước. Nước xuất khẩu hàng đầu Ả-rập Xê-út tiếp tục đóng vai trò lớn hơn trong cắt giảm của OPEC bằng giảm lượng khai thác xuống mức dưới mục tiêu cam kết.
Kết thúc phiên 29/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,11 USD (+0,21%), lên 51,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,13 USD (+0,23%), lên 57,54 USD/thùng.
Giá dầu thô có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, trong đó giá dầu thô Mỹ tăng 1,99% và giá dầu thô Brent tăng 1,20%.
Tính trong tháng 9, giá dầu thô đã hồi phục tăng mạnh sau tháng giảm nhẹ trước đó. Cụ thể, trong tháng 9, giá dầu thô Mỹ tăng 9,40% và giá dầu thô Brent tăng 9,85%. Với 2 tháng tăng mạnh và 1 tháng điều chỉnh, giá dầu thô có quý III khả quan khi tăng lần lượt 12,23% và 20,08% sau 2 quý giảm liên tiếp đầu năm. Với đà tăng mạnh trong quý III, giá dầu thô Mỹ đã lấy lại được gần hết những gì đã mất trong 6 tháng đầu năm, trong khi giá dầu thô Brent thậm chí còn tốt hơn khi lấy cả vốn lẫn lãi.