Giá dầu có phiên tăng mạnh thứ 2 liên tiếp, qua đó góp phần đẩy nhóm cổ phiếu năng lượng tăng cao, cùng với đó là nhóm cổ phiếu công nghệ, tài chính tăng mạnh khi lợi suất trái chiếu của Mỹ tăng cao do ảnh hưởng từ đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Đức. Ngoài ra, sự lạc quan về vẫn đề Hy Lạp đã giúp phố Wall hồi mạnh trong phiên thứ Tư, trong đó chỉ số S&P 500 có phiên tăng mạnh nhất hơn 1 tháng.
Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall có thể còn mạnh hơn nữa khi giới đầu tư không bị ảnh hưởng bởi khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới, nhất là có nhiều dự đoán dữ liệu bán lẻ và tiêu dùng của Mỹ sẽ khả quan.
Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Dow Jones tăng 236,36 điểm (+1,33%), lên 18.000,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 25,05 điểm (+1,20%), lên 2.105,20 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 62,82 điểm (+1,25%), lên 5.076,69 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, tín hiệu khả quan được phát đi từ cuôc đàm phán nợ của Hy Lạp khi Chủ tịch Bộ trưởng tài chính châu Âu cho rằng, một thỏa thuận sơ bộ có thể được ký kết trong cuộc họp ngày 18/6, các vấn đề còn lại sẽ được giải quyết sau, nhưng những vấn đề mà Hy Lạp đề xuất là chưa thỏa đáng.
Thông tin lạc quan này giúp chứng khoán châu Âu cũng có phiên hồi mạnh, đặc biệt là chứng khoán Đức với mức tăng lên tới 2,4%.
Kết thúc phiên 10/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 76,47 điểm (+1,13%), lên 6.830,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 264,10 điểm (+2,40%), lên 11.265,39 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 84,69 điểm (+1,75%), lên 4.934,91 điểm.
Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên giảm điểm trong ngày giao dịch thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD, gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông tiếp tục có phiên giảm mạnh khi ngoại lo ngại về tình hình Hy Lạp, khả năng tăng lãi suất của Fed và cả tình hình chính trị của đặc khu này. Theo đó, Trung Quốc muốn để cử người cho cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu, trong khi người dân Hồng Kông muốn một cuộc bầu cử dân chủ, họ muốn có quyền lựa chọn lãnh đạo của mình.
Kết thúc phiên 10/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 49,94 điểm (-0,25%), xuống 20.046,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 301,88 điểm (-1,12%), xuống 26.687,64 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 7,5 điểm (-0,15%), xuống 5.106,04 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường vàng, việc đồng USD giảm mạnh liên tiếp, xuống mức thấp nhất hơn 2 tuần đã hỗ trợ cho giá kim loại quý này bứt lên sau 2 phiên lình xình trước đó. Phiên tăng giá hôm thứ Tư cũng là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của giá vàng trong tuần này.
Kết thúc phiên 10/6, giá vàng giao ngay tăng 9,2 USD (+0,78%), lên 1.185,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 8,8 USD/ounce (+0,75%), lên 1.186,1 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 9,0 USD/ounce (+0,76%), lên 1.186,6 USD/ounce.
Tương tự giá vàng, việc đồng USD giảm cũng hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Tư sau khi có phiên tăng hơn 3% trong ngày thứ Ba.
Kết thúc phiên 10/6, giá dầu thô Mỹ tăng 1,29 USD/thùng (+2,10%), lên 61,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+1,25%), lên 65,70 USD/thùng.