Phố Wall biến động nhẹ trong phiên thứ Ba do chịu các thông tin trái chiều - Ảnh: Reuters

Phố Wall biến động nhẹ trong phiên thứ Ba do chịu các thông tin trái chiều - Ảnh: Reuters

Chứng khoán, vàng loay hoay, giá dầu lại rớt thảm

(ĐTCK) Trước các thông tin kinh tế trái chiều, phố Wall và giá vàng loay hoay chưa xác định được hướng đi. Trong khi đó, vàng rớt thảm sau cuộc gặp giữa Ả Rập Saudi, Venezuela và các nước phi OPEC như Nga, Mexico không đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng.

Phố Wall liên tục đảo chiều trong phiên giao dịch thứ Ba khi chịu các thông tin tác động trái chiều.

Theo dữ liệu vừa công bố hôm thứ Ba, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III được điều chỉnh lên mức 3,9% từ mức 3,5% theo công bố ban đầu. Tuy nhiên, niềm tin tiêu dùng trong tháng 11 của người tiêu dùng Mỹ lại xuống còn 88,7, mức thấp nhất 5 tháng và thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 96,0.

Những thông tin đan xen khiến phố Wall khó xác định xu hướng trong phiên thứ Ba. Tuy nhiên, với việc cổ phiếu Apple giảm trở lại khiến phố Wall đóng cửa giảm nhẹ. Mặt khác, giá dầu giảm mạnh, cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu năng lượng và tác động tới phố Wall.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Dow Jones giảm 2,96 điểm (-0,02%), xuống 17.814,94 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,38 điểm (-0,12%), xuống 2.067,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,36 điểm (+0,07%), lên 4.758,25 điểm.

Chứng khoán châu Âu duy trì đà tăng khi cổ phiếu ngân hàng tăng do kỳ vọng về khả năng ECB sẽ tiếp tục mở rộng gói kích thích kinh tế, bù đắp cho sự thiệt hại của nhóm cổ phiếu khai mỏ khi cả giá dầu và giá kim loại đều sụt giảm.

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 1,35 điểm (+0,02%), lên 6.731,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 75,67 điểm (+0,77%), lên 9.861,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 13,87 điểm (+0,32%), lên 4.382,31 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng mạnh, lên mức cao nhất kể từ năm 2011 nhờ thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cắt giảm lãi suất cuối tuần trước, thì chứng khoán Hồng Kông đã quay đầu giảm trở lại do chịu áp lực chốt lời sau khi tăng mạnh cũng nhờ thông tin PBOC giảm  lãi suất. Chứng khoán Nhật Bản cũng có được sắc xanh trong phiên giao dịch đầu tuần của tuần mới (thứ Hai, thị trường Nhật nghỉ giao dịch).

Kết thúc phiên 25/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 50,11 điểm (+0,29%), lên 17.407,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 49,23 điểm (-0,21%), xuống 23.843,91 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 34,72 điểm (+1,37%), lên 2.567,60 điểm.

Những thông tin trái chiều cũng khiến giá vàng loay hoay, không xác định được hướng đi rõ ràng trong phiên giao dịch thứ Ba. Giá kim loại quý này dao động trong biên độ hẹp trước khi đóng cửa tăng nhẹ, nhưng vẫn chưa lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 25/11, giá vàng giao ngay tăng 2,9 USD (+0,24%), lên 1.201,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 đứng ở mức 1.197,8 USD/ounce.

Giá dầu lại sụt giảm mạnh sau khi cuộc họp giữa Ả Rập Saudi, Venezuela và một số quốc gia ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Nga, Mexico nhóm họp trước khi OPEC họp vào thứ Năm, nhưng không đạt được thỏa thuận nào về cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 25/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 1,69 USD (-2,28%), xuống 74,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,35 USD (-1,72%), xuống 78,33 USD/thùng.

Tin bài liên quan