Hoạt động chốt lời và giá dầu thô giảm khiến phố Wall chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2014. Đây cũng là phiên giảm thứ 2 của chứng khoán Mỹ.
Kết thúc phiên 31/12, chỉ số Dow Jones giảm 160 điểm (-0,89%), xuống 17.823,07 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,45 điểm (-1,03%), xuống 2.058,90 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 41,39 điểm (-0,87%), xuống 4.736,05 điểm.
Như vậy, trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2014, dù chỉ giao dịch 3 phiên, nhưng Dow Jones cũng mất 1,28%, S&P 500 giảm 1,43% và Nasdaq giảm 1,47%.
Dù giảm điểm tuần cuối cùng của năm và gặp những đợt rung lắc mạnh do căng thẳng địa chính trị, cũng như lo lắng về tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, với dữ liệu kinh tế khả quan của Mỹ, cùng với việc FED chưa tăng lãi suất đã giúp phố Wall tiếp tục có năm tăng điểm ấn tượng.
Trong năm 2014, Dow Jones tăng 7,5% với 52 lần thiết lập đỉnh cao lịch sử, Nasdaq tăng 13,4% và S&P 500 tăng 11,4% với 53 lần thiết lập đỉnh cao lịch sử. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp S&P 500 có mức tăng trên 2 con số.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại tăng điểm khi giới đầu tư đặt cược vào khả năng Ngân hàng châu Âu (ECB) sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn thận trọng với cuộc khủng hoảng chính trị tại Hy Lạp khiến đà tăng không mạnh.
Kết thúc phiên 31/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 19,09 điểm (+0,29%), lên 6.566,09 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 27,21 điểm (+0,64%), lên 4.272,75 điểm. Chứng khoán Đức nghỉ Tết sớm.
Dù tăng trong phiên cuối cùng của năm, nhưng tính chung 2,5 phiên giao dịch cuối cùng của năm, FTSE 100 giảm 0,66%, chỉ số DAX giảm 1,17% và CAC 40 giảm 0,54%. Trong khi đó, tính chung cả năm 2014, chỉ số FTSE 100 giảm 2,7%, chỉ số DAX tăng 2,65% và chỉ số CAC 40 giảm 0,54%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản vẫn trong kỳ nghỉ Tết, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chốt lại năm giao dịch mỹ mãn với sắc xanh trên cả 2 sàn.
Kết thúc phiên 31/12, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 103,94 điểm (+0,44%), lên 23.605,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 68,86 điểm (+2,18%), lên 3.324,68 điểm. Chứng khoán Nhật Bản vẫn trong kỳ nghỉ Tết.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,07%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng 1,1%, thậm chí chỉ số Shanghai Composite tăng 5,29%. Tính chung trong năm, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,12%, chỉ số Hang seng tăng 1,28%, trong khi chỉ số Shanghai Composite tăng tới 57,12% nhờ những cú bứt phá trong 2 tháng cuối năm với việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trên thị trường kim loại quý, sau phiên tăng mạnh trước đó, giá vàng đã trả lại hết những gì có được trong phiên cuối cùng của năm. Việc đồng USD tăng mạnh đang gây sức ép lớn lên giá kim loại quý. Trong khi đó, lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất cũng khiến kim loại quý không thể duy trì đà tăng trong phiên cuối năm.
Kết thúc phiên 31/12, giá vàng giao ngay giảm 17,1 USD (-1,43%), xuống 1.182,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2015 giảm 16,3 USD (-1,36%), xuống 1.184,1 USD/ounce.
Giá vàng cũng có tuần giảm dịch không khả quan cuối năm khi giá vàng giao ngay giảm 1,08% và giá vàng tương lai giao tháng 2/2015 giảm 0,94%. Trong năm, giá vàng giao ngay giảm 1,87%.
Giá dầu đã có 1 năm tồi tệ khi bị cạnh tranh bởi dầu đá phiên được mở rộng sản xuất từ Mỹ và kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ giảm tăng trưởng, thậm chí là bên bờ cuộc khủng hoảng tiếp theo. Trong phiên cuối cùng của năm, giá nhiên liệu này nhanh chóng giảm trở lại sau khi hồi nhẹ trước đó và vẫn giao dịch ở xung quanh mức thấp nhất 5 năm rưỡi.
Kết thúc phiên 31/12, giá dầu thô Mỹ giảm 0,85 USD/thùng (-1,60%), xuống 53,27 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,57 USD (-0,99%), xuống 57,33 USD/thùng.
Dầu thô vẫn chưa có tín hiệu tích cực hơn khi giá dầu thô Mỹ giảm 2,67% trong tuần cuối năm và giá dầu thô Brent giảm 3,57%. Trong năm, giá dầu thô Mỹ giảm tới 45,87%, trong khi dầu thô Brent cũng mất tới 48,26%.