Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày để bàn về việc tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 6/2006, Ủy ban Thị trường mở (FMOC), thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra dự báo hạ mức đánh giá của mình về triển vọng của thị trường lao động Mỹ và cả nền kinh tế Mỹ nói chung. Với triển vọng kinh tế yếu hơn dự báo trước đó, Fed sẽ đợi đến ít nhất quý III/2015 mới tính tới chuyện tăng lãi suất.
"Ủy ban dự đoán rằng, sẽ phù hợp để tăng lãi suất khi đã thấy cải thiện hơn nữa trong thị trường lao động và lạm phát trở lại mục tiêu hợp lý là 2% trong trung hạn", Fed cho biết trong tuyên bố của mình sau cuộc họp.
Trước đó, trong phiên thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP quý I của nước này chỉ tăng 0,2%, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 1% của các nhà kinh tế và thua xa mức 2,2% của quý IV/2014.
Những thông tin về triển vọng kinh tế mà Fed đưa ra, cũng dữ liệu GDP quý I/2015 vừa được công bố khiến giới đầu tư lo lắng và đẩy phố Wall giảm điểm trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ số Dow Jones giảm 74,61 điểm (-0,41%), xuống 18.035,53 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,91 điểm (-0,37%), xuống 2.106,85 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 31,78 điểm (-0,63%), xuống 5.023,64 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên thứ Tư, nhưng đà giảm mạnh hơn rất nhiều. Kết quả kinh doanh thất vọng của một số doanh nghiệp vừa công bố, cùng với việc đồng euro tăng mạnh, lên mức cao nhất 8 tuần so với đồng ÚSD và dữ liệu yếu kém của kinh tế Mỹ đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán châu Âu. Việc đồng euro tăng mạnh sẽ ảnh hưởng lớn tới Đức, vì đây là quốc gia dựa chính vào xuất khẩu, do đó, không khó hiểu khi chỉ số DAX của chứng khoán Đức giảm tới hơn 3,2% trong phiên này.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 84,25 điểm (-1,20%), xuống 6.946,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 378,94 điểm (-3,21%), xuống 11.432,72 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 133,99 điểm (-2,59%), xuống 5.039,39 điểm.
Trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông đóng cửa trong sắc đỏ và chứng khoán Trung Quốc may mắn giữ lại được sắc xanh nhạt trong phiên thứ Tư khi 2 ngân hàng của Trung Quốc công bố kết quả kinh doanh quý I thất vọng, cho thấy đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bắt đầu ngấm dần tới các doanh nghiệp.
Kết thúc phiên 29/4, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 42,41 điểm (-0,15%), xuống 28.400,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 0,41 điểm (+0,01%), lên 4.476,62 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày thứ Tư.
Trên thị trường vàng, áp lực chốt lời sau 2 phiên tăng mạnh nhờ dữ liệu kinh tế kém khả quan của Mỹ được công bố khiến giá vàng đảo chiều giảm trở lại trong cuối phiên thứ Tư. Tuy nhiên, với thông tin từ Fed được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày và khả năng cơ quan hoạch định chính sách này sẽ không tăng lãi suất cho ít nhất tới quý III đang giúp giá kim loại quý này hồi trở lại trong phiên châu Á sáng nay.
Kết thúc phiên 29/4, giá vàng giao ngay giảm 7,2 USD (-0,59%), xuống 1.204,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giảm 3,9 USD/ounce (-0,32%), xuống 1.210,0 USD/ounce.
Trái ngược với chứng khoán và giá vàng, dầu thô lại có phiên tăng mạnh, lên mức cao nhất 5 tháng trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 29/4, giá dầu thô Mỹ tăng 1,52 USD/thùng (+2,59%), lên 58,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,2 USD (+1,82%), lên 65,84 USD/thùng.